Boko Haram với vấn nạn bắt cóc trẻ em Nigeria

Thứ hai, 16/04/2018 08:22

Theo tuyên bố mới đây của Quỹ Nhi đồng LHQ (UNICEF), nhóm khủng bố Hồi giáo Boko Haram của Nigeria bắt cóc hơn 1.000 trẻ em tại nước này kể từ năm 2013. Tuyên bố được đưa ra nhân dịp Nigeria kỷ niệm 4 năm vụ bắt cóc Chibok (14-4-2014) gây ra sự phẫn nộ toàn cầu.

Quân đội Nigeria giữ một lá cờ của Boko Haram khi họ giải phóng thị trấn Damasak hồi năm 2015. Ảnh: Reuters

“Từ năm 2013, hơn 1.000 trẻ em bị Boko Haram bắt cóc ở đông bắc Nigeria, trong đó có 276 cô gái bị bắt khỏi trường trung học ở thị trấn Chibok vào năm 2014”, tuyên bố cho biết. Một số cô gái cuối cùng được trả tự do sau 3 năm đàm phán giữa chính phủ Nigeria và Boko Haram. Nhưng đến nay, hơn 100 người trong số họ vẫn bị giam giữ.

Ông Mohamed Malick Fall, người đứng đầu tổ chức UNICEF của Nigeria, cho biết, nhóm phiến quân này thường xuyên bắt cóc những người trẻ tuổi nhằm lan truyền nỗi sợ hãi và thể hiện sức mạnh. “Trẻ em ở đông bắc Nigeria tiếp tục bị tấn công ở quy mô gây sốc”, ông Fall cho biết. UNICEF ghi nhận hơn 1.000 trường hợp bắt cóc được xác minh nhưng số trẻ em bị bắt cóc trên thực tế lớn hơn nhiều. UNICEF kêu gọi chấm dứt các vụ tấn công vào trường học và “mọi vi phạm nghiêm trọng về quyền trẻ em” ở Nigeria.

Hy vọng mong manh

Yana Galang, người có con gái Rifkatu vẫn còn mất tích trong vụ bắt cóc Chibok luôn hy vọng một ngày nào đó con mình sẽ trở về. Hàng năm, vào dịp kỷ niệm ngày xảy ra vụ bắt cóc, các cha mẹ tập trung ở Chibok để cầu nguyện con cái mình được an toàn trở về. Và năm nay cũng không có gì khác. “Tôi biết Rifkatu sẽ trở lại, tôi đã không từ bỏ hy vọng này”, ông Galang nói.

Năm ngoái, Boko Haram công bố đoạn băng các cô gái bị bắt cóc. Trong đoạn băng này, những cô gái Chibok nói sẽ không bao giờ trở về. Một trong những cô gái nói: “Chúng tôi là những cô gái Chibok mà mọi người mong trở về. Bằng ân huệ của Thánh Allah, chúng tôi sẽ không trở lại”. Năm ngoái, UNICEF phỏng vấn cô gái trẻ, Khadija, 17 tuổi, người bị bắt cóc sau một vụ tấn công Boko Haram vào thành phố nơi cô đang sống. Sau đó, cô bị nhốt trong một căn phòng, buộc phải kết hôn với một trong những tay súng của nhóm và liên tục bị cưỡng hiếp.

UNICEF cho biết, cô gái có thai và “đang sống với đứa con trai nhỏ trong một trại tị nạn IDP, nơi cô phải vật lộn để hòa nhập với những phụ nữ khác do rào cản ngôn ngữ và sự kỳ thị khi trở thành “vợ của Boko Haram”.

Kêu gọi chính phủ hành động nhiều hơn nữa

Cuộc xung đột giữa chính phủ Nigeria và Boko Haram bước sang năm thứ 10, nhưng không có dấu hiệu kết thúc. Hồi tháng 2, Boko Haram bắt cóc hơn 100 cô gái đến   từ Dapchi, bang Yobe. Một tháng sau đó, nhóm phiến quân này trả tự do cho hầu hết các cô gái đó nhưng 5 người trong số này đã chết trong quá trình bị bắt. 1 người khác, Leah Sharibu, vẫn bị giam giữ vì cô từ   chối cải đạo sang Hồi giáo. Kể từ khi cuộc xung đột bắt đầu 9 năm trước, khoảng 2.955 giáo viên đã bị giết và hơn 1.400 trường bị phá hủy.

Bà Osai Ojigho, Giám đốc Tổ chức Ân xá Thế giới tại Nigeria kêu gọi chính phủ Nigeria làm nhiều hơn nữa để giữ an toàn cho các trường học trong nước. “Đã quá muộn để chính phủ đưa ra hành động có ý nghĩa ngăn chặn tội ác của Boko Haram. Hãy bắt đầu bằng cách nỗ lực để đảm bảo việc giải phóng hàng trăm người vẫn đang bị giam giữ, trong đó có các cô gái Chibok còn lại và Leah Sharibu, cô gái duy nhất vẫn còn bị bắt giữ trong vụ Dapchi”, Ojigho nói. Nhóm “Đưa các cô gái trở lại” từ lâu vận động cho sự trở lại của các cô gái Chibok thông qua cuộc diễu hành, mít-tinh và biểu tình ngồi. Họ liên tục gây sức ép buộc chính quyền Tổng thống Muhammadu Buhari phải hành động đưa các cô gái trở về.

Boko Haram vẫn là vấn đề mang tính chính trị gây tranh cãi. Tổng thống Muhammadu Buhari đắc cử hồi năm 2015 với lời hứa chấm dứt cuộc nổi dậy của Boko Haram. Tuy nhiên, chính quyền của ông thất bại trong việc đánh bại nhóm khủng bố này mặc dù đã đẩy lui chúng khỏi nhiều thị trấn ở đông bắc đất nước vào năm 2016.

AN BÌNH