Bóng đá Việt "đói" nhân tài?
(Cadn.com.vn) - Trong khi bóng đá Việt Nam đang cậy nhờ đến chuyên gia Nhật Bản thì bóng đá Thái Lan đã đạt những thành công rực rỡ với chính người nhà của họ - HLV Kiatisuk Senamuang. Liệu có ai đó trăn trở rằng bóng đá Việt Nam "đói" nhân tài hay chúng ta đang lãng phí một thế hệ vàng.
Sở dĩ đặt câu hỏi như vậy bởi cùng thời với Kiatisuk Senamuang, thế hệ vàng bóng đá Việt Nam có những nhân tài không thua kém là bao như Huỳnh Đức, Hồng Sơn, Hữu Thắng, Minh Chiến, Sỹ Hùng... và đa số họ đang theo nghiệp cầm quân.
1. Không ai có thể phủ nhận Kiatisuk Senamuang là biểu tượng lớn nhất của bóng đá Đông Nam Á trong những thập kỷ qua. Trong tự truyện của mình, Kiatisuk phải đến cuối năm lớp 12 anh mới có cơ hội thi đấu cho đội tuyển tỉnh Khonkaen để tham dự giải Đại hội TDTT toàn quốc. Giấc mơ trở thành tuyển thủ của Kiatisuk thực sự được hun đúc từ đó. Học xong phổ thông, thi trượt Đại học, Kiatisuk không dám nói lời từ biệt gia đình rồi một mình lên Bangkok kiếm tìm cơ hội đá bóng. Và rồi, Kiatisuk được tuyển vào U19 Thái Lan.
Đẳng cấp chơi bóng của Kiatisuk có lẽ khỏi bàn bởi anh hội tụ gần như đầy đủ những tố chất thiên bẩm, từ kỹ chiến thuật cho đến nét hào hoa trong mỗi pha xử lý bóng. Nhưng quan trọng hơn cả, một Kiatisuk đầy nghị lực vươn lên, luôn đề cao tính chuyên nghiệp, đặc biệt hơn là một con người lịch thiệp, sâu sắc, khiêm tốn, đã giúp anh trở thành biểu tượng lớn của bóng đá Đông Nam Á.
Nhờ sự chuyên nghiệp và tài năng hội tụ đã giúp Kiatisuk trở thành nhà cầm quân thành công, đầy triển vọng so với thế hệ của anh ở trong khu vực. Hai chức vô địch AFF Cup và SEA Games cùng tấm vé vào bán kết Asian Games 17 cùng đội tuyển Thái Lan là minh chứng cho năng lực của Kiatisuk.
Kiatisuk quá tài năng!
Kiatisuk đang rất thành công trên cương vị HLV trưởng bóng đá Thái Lan. |
2. Tuy nhiên, thành công của Kiatisuk trên cương vị "thuyền trưởng" bóng đá Thái Lan, ngoài tài năng, quan trọng nhất là môi trường làm việc. LĐBĐ Thái Lan hẳn nhiên có cơ sở để đặt niềm tin vào Kiatisuk, nhưng vấn đề nằm ở chỗ họ dám đặt niềm tin vào Zico Thái. Kiatisuk cũng khởi nghiệp cầm quân từ CLB HA.GL mà ra, khác gì so với Huỳnh Đức, Hữu Thắng. Thế nhưng, vì được trao gởi niềm tin và có lẽ nhờ thêm một cơ chế làm việc tốt, Kiatisuk đã thành công rực rỡ. Hiện tại, LĐBĐ Thái Lan đặt niềm tin vào Kiatisak để thực hiện ước mơ có mặt tại vòng chung kết World Cup.
Trở lại với bóng đá Việt Nam, câu hỏi đặt ra khi nhìn vào thành công của Kiatisuk là chúng ta thiếu nhân tài hay vấn đề nằm ở chỗ chưa phát huy được nhân tài trong tay?
Thời gian qua, bóng đá Việt Nam chủ yếu sử dụng HLV ngoại quốc. Gần đây nhất, HLV Phan Thanh Hùng và Hoàng Văn Phúc lần lượt được trao cơ hội nhưng không thành công nên VFF phải quay lại với phương án "thầy ngoại" là ông Miura.
Thực tế cho thấy, việc tìm kiếm một ê kíp HLV nội thực sự có tài năng, tâm huyết và hiệu quả cho ĐTQG là bài toán khó. Vậy lời giải có phải đang nằm ở chỗ chúng ta đang bỏ rơi nhiều danh thủ thuộc thế hệ vàng vì cơ chế tuyển chọn "thuyền trưởng" cho bóng đá Việt Nam vẫn còn vướng ở đâu đó?
Bởi, nếu nói Huỳnh Đức, Hữu Thắng... non kinh nghiệm cầm quân là chưa hẳn, bởi họ dẫn dắt CLB đạt nhiều thành tựu, thậm chí rất ấn tượng. Huỳnh Đức sau khi lên thay Phan Thanh Hùng dẫn dắt SHB.Đà Nẵng năm 2008 đã nhanh chóng gặt hái đầy đủ danh hiệu trong nước. HLV Hữu Thắng cũng trở thành một biểu tượng khi dẫn dắt SLNA đoạt vài danh hiệu trong nước, khôi phục lại vị thế của bóng đá xứ Nghệ.
Và nếu nói Huỳnh Đức, Hữu Thắng không khát khao lên tuyển cũng chưa hẳn. Bởi chẳng có cầu thủ, HLV nào lại muốn từ chối vinh dự được phục vụ cho ĐTQG. Thực ra, họ muốn an phận ở CLB vì lên tuyển chưa hẳn là môi trường làm việc tốt thì đúng hơn. Hay nói cách khác, cơ chế làm việc chưa kích thích khát khao cống hiến cho ĐTQG của nhiều nhà quân trẻ trong nước?
Theo cách nhìn của dư luận, làm "thuyền trưởng" ĐT Việt Nam chưa nhận được cơ chế bảo vệ, bởi thành công thì hưởng chung còn thất bại lại chối tội, đổ hết lỗi cho HLV ngoại và trợ lý. Bởi thế, nhiều đời HLV trưởng ĐT Việt Nam trước đây đã "chịu không nổi nhiệt" vì phải làm "bia đỡ đạn". Ở khía cạnh khác, phải chăng tư tưởng ban phát trợ lý, thiếu tin tưởng dành cho đội ngũ cầm quân nội từ các nhà quản lý vẫn tồn tại? Muốn dụng nhân thì phải trọng nhân và thái độ cầu thị!
Bóng đá Việt Nam chưa có những cá nhân giỏi như Kiatisuk nhưng không phải thiếu nhân tài. Phải chăng chúng ta đang lãng quên họ hoặc chưa biết cách khai thác họ.
Quang Hải