Bồng lai tiên cảnh Lộc Yên

Chủ nhật, 04/02/2024 08:13
Những năm gần đây, khi Quảng Nam chú trọng phát triển du lịch xanh thì Tiên Phước trở thành địa chỉ hấp dẫn du khách. Ngoài tiềm năng được thiên nhiên ban tặng bởi khí hậu mát mẻ quanh năm, người dân nhiều đời qua đã vun đắp tạo nên những ngôi nhà, khu vườn độc đáo. Trong đó điểm nhấn thu hút du khách là Làng cổ Lộc Yên, nơi vẻ đẹp thể hiện đúng như tên gọi - miền Tiên Cảnh.
Công an xã Tiên Cảnh tuần tra, đảm bảo ANTT, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.
Lãnh đạo tỉnh Quảng Nam thăm gian hàng trưng bày các nông sản của huyện Tiên Phước.

Nhiều người nhìn nhận, không phải ngẫu nhiên xã Tiên Cảnh trở thành điểm đến du lịch tiềm năng của Tiên Phước. Bởi nơi đây không chỉ nổi tiếng với Nhà lưu niệm cụ Huỳnh Thúc Kháng, Làng cổ Lộc Yên, danh thắng Lò Thung, mà còn có cảnh quê yên bình, khí hậu mát mẻ tạo nên những mảnh vườn xanh hút mắt. Thổ nhưỡng nơi đây cũng thích hợp với nhiều loại cây trái mà du khách ngỡ chỉ những miệt vườn miền Nam mới có được. Ngoài ra, những khu vườn được bao bọc bởi những bờ đá xếp gọn gàng, những hàng chè tàu xanh ngút, cắt tỉa thẳng tắp tạo nên không gian trữ tình, lắng đọng.

Làng cổ Lộc Yên được nhiều người biết đến hơn khi năm 2019, nơi đây được Bộ VH TT&DL xếp hạng Di tích cấp Quốc gia - một trong 4 ngôi làng cổ của cả nước. Ngôi làng tọa lạc trong một thung lũng hình tròn khá đẹp, bao bọc xung quanh bởi các dãy núi Rừng Cấm, Đá Bàn, Hố Chò, Rừng Gấm... Dưới các chân núi có các sông suối Đá Giăng, Vực Dài, Đồng Rộc và các mương nước bao bọc lấy ngôi làng.Từ khi được xếp hạng Di tích Quốc gia, người dân trong làng nâng cao hơn ý thức vun vén, phát triển vườn tược. Đến nay, đã có khoảng 80 hộ dân tham gia phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại gắn với phát triển du lịch sinh thái.

Người dân Lộc Yên gánh trái bòn bon ra chợ bán.

Đặt chân đến đây, du khách không khỏi ngỡ ngàng trước khung cảnh yên bình, thơ mộng mà khó nơi nào có được. Sau khi thăm thú những ngôi nhà cổ có niên đại hàng trăm năm; du khách được chủ nhân các ngôi nhà cổ đích thân hái những loại trái cây đặc sản, như: bòn bon, măng cụt, sầu riêng, bưởi... có sẵn trong vườn để đãi khách. Hoặc muốn trực tiếp trải nghiệm, du khách có thể tự mình hái những loại trái cây để ăn và mang về làm quà cho người thân. Ngoài ra, khi đến đây du khách còn được thưởng thức các món ăn, nước uống được chế biến từ những sản vật sẵn có tại địa phương. Những món ăn dân dã, truyền thống đặc trưng của vùng quê trung du xứ Quảng khiến du khách trầm trồ, ngợi khen.

Tại Làng cổ Lộc Yên, những mô hình trồng cây ăn quả kết hợp với du lịch sinh thái khá phổ biến. Như hộ ông Nguyễn Đình Sưu với mảnh vườn khoảng nửa héc-ta, song ông Sưu kết hợp trồng các loại cây như bòn bon, sầu riêng, măng cụt, tiêu, cam, thanh trà... rất khoa học. Cạnh đó, ông cũng chỉnh trang sân ngõ, nhà cửa, trồng cây kiểng, đào ao thả cá... làm điểm dừng nghỉ cho du khách. Mỗi năm, doanh thu từ kinh tế vườn gắn với du lịch đạt hơn 100 triệu đồng. “Trước đây, tới mùa thu hoạch trái cây, gia đình tôi phải lo toan đầu ra, giá cả. Nhưng nay, du khách đến thăm vườn đông, thưởng thức và mua trái cây về làm quà. Giá chuẩn nhà vườn nên du khách rất thích” - ông Sưu chia sẻ.

Một góc Làng cổ Lộc Yên với vẻ đẹp thơ mộng.

Chủ tịch UBND huyện Tiên Phước Trầm Quế Hương cho biết, thời gian qua, việc triển khai, thực hiện hiệu quả các nghị quyết, chương trình, đề án các cấp đang trở thành chìa khóa phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước. Đầu tiên phải kể đến Nghị quyết 35 về cơ chế, chính sách hỗ trợ phát triển kinh tế vườn, kinh tế trang trại giai đoạn 2021 2025. Nghị quyết đã khuyến khích, định hướng nông dân Tiên Phước cải tạo vườn tạp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Hiện Tiên Phước có 500 vườn đạt tiêu chí vườn mẫu cấp huyện và vườn đạt tiêu chí xanh - sạch - đẹp hiệu quả; 600 vườn tham gia sản xuất theo chuỗi giá trị. Thu nhập từ kinh tế vườn hơn 150 triệu đồng/ha.

Công an xã Tiên Cảnh tuần tra, đảm bảo ANTT, góp phần phát triển KT-XH tại địa phương.

Cũng theo lãnh đạo huyện Tiên Phước, kinh tế vườn, kinh tế trang trại tại Tiên Phước phát triển đúng hướng, đạt kết quả tích cực là nhờ vào sự hưởng ứng, tham gia tích cực của người dân địa phương. Và chính người dân là chủ thể đang hưởng lợi từ các nghị quyết, chương trình, dự án. Đối với Làng cổ Lộc Yên, địa phương đã ban hành Đề án “Xây dựng sản phẩm du lịch Làng văn hóa du lịch làng cổ Lộc Yên - Thạnh Bình giai đoạn 2021-2025, tầm nhìn đến năm 2030”, với tổng nguồn vốn thực hiện khoảng 312 tỷ đồng. Phấn đấu đến năm 2030, ngôi làng sẽ trở thành một trong những điểm du lịch sinh thái làng quê đặc trưng của tỉnh Quảng Nam.

“Tỉnh Quảng Nam đang ưu tiên đầu tư cho Tiên Phước từ các nghị quyết, chương trình để xây dựng huyện nông thôn mới, làm du lịch... Với nền tảng là kinh tế vườn và trang trại, nếu phát triển đúng như hiện nay, Tiên Phước sẽ là địa điểm du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng mang đặc trưng vùng trung du xứ Quảng. Đồng thời tạo ra chuỗi sản phẩm có giá trị cao và bền vững, từng bước nâng cao thu nhập của người dân”, ông Trầm Quế Hương chia sẻ.

LÊ HẢI