“Bóng ma chiến tranh” trên bán đảo Triều Tiên

Thứ sáu, 19/06/2020 17:33

Căng thẳng trên báo đảo Triều Tiên vẫn chưa hề có dấu hiệu giảm nhiệt khi các nguồn tin ngày 18-6 cho biết, Bình Nhưỡng được cho là điều động thêm lực lượng đến các chốt canh gác bị bỏ trống trong vùng phi quân sự (DMZ), sau cảnh báo sẽ cho tăng cường quân sự ở khu vực này. 

Triều Tiên đánh sập Văn phòng liên lạc chung với Hàn Quốc. Ảnh: Reuters

Bình Nhưỡng điều quân đến DMZ?

Một số kênh truyền thông Hàn Quốc đưa tin, khoảng 100 binh sĩ Triều Tiên đã xuất hiện ở thành phố Kaesong sau vụ phá hủy văn phòng liên lạc Hàn-Triều.

Trong khi đó, hãng tin Yonhap dẫn các nguồn tin cho biết, Triều Tiên dường như đã cử các binh sĩ đến một số đồn biên phòng trong DMZ. Nguồn tin từ quân đội Hàn Quốc nhấn mạnh, một vài binh sĩ Triều Tiên được nhìn thấy đã có mặt tại các chốt còn trống ở trong DMZ vào cuối ngày 17-6. Triều Tiên được cho là có khoảng 150 đồn  chốt như vậy và một vài trong số đó bị bỏ trống hay dỡ bỏ theo hiệp ước giảm căng thẳng quân sự ký hồi năm 2018.  Thậm chí, một nguồn tin quân đội cho biết đã quan sát thấy binh lính Triều Tiên “đội mũ sắt và lắp thêm lưỡi lê trên súng”, cho thấy sự cảnh giác cao độ.  Hiện vẫn chưa rõ động thái này có phải là đóng quân bảo vệ nhiều hơn ở khu vực biên giới hay là một phần trong việc nâng mức bảo vệ của quân đội lên bậc cao nhất ở tiền tuyến.

Trong bối cảnh này, chính phủ và quân đội Hàn Quốc đã truyền đi những thông điệp cảnh cáo mạnh mẽ, đồng thời duy trì tư thế sẵn sàng đối phó với các động thái quân sự. Theo AP, hôm 18-6, Seoul cho biết, đã không phát hiện ra bất kỳ hoạt động đáng ngờ nào từ Bình Nhưỡng. Kim Jun-rak, phát ngôn viên JCS nói với các phóng viên rằng, không có dấu hiệu nào cho thấy Triều Tiên bắt đầu hiện thực hóa các mối đe dọa và nhấn mạnh Hàn Quốc sẽ duy trì sự sẵn sàng quân sự vững chắc để đối phó với mọi tình huống. Quân đội Hàn Quốc đang huy động tất cả thiết bị thu thập thông tin trên đất liền, trên biển và trên không để theo dõi sát sao mọi động thái quân sự ở khu vực tiếp giáp biên giới với Triều Tiên. “Chúng tôi đang theo dõi sát sao hoạt động di chuyển của quân đội Triều Tiên, bởi Bình Nhưỡng cảnh báo sẽ có hành động. Chúng tôi hiện trong tình trạng sẵn sàng đưa ra phản ứng”, một quan chức trong JCS cho biết.

Chỉ là khởi đầu

Trong khi đó, báo Rodong Sinmun, cơ quan ngôn luận của đảng Lao động Triều Tiên, ngày 18-6 cho rằng, việc cho nổ văn phòng liên lạc liên Triều chỉ là sự khởi đầu, cảnh báo nước này có thể có những hành động thêm nữa. “Đó mới chỉ là khởi đầu. Tiếng nổ của công lý sẽ tiếp tục phát ra, có thể vượt xa trí tưởng tượng về những gì có thể diễn ra của những người gây ồn ào. Sự kiên nhẫn của quân đội Triều Tiên đã hết. Quân đội Triều Tiên thông báo đang cân nhắc một kế hoạch hành động quân sự chi tiết sẽ được thực hiện nghiêm túc”, tờ báo này viết.

Mối quan hệ vốn “đang trong tình trạng chiến tranh” giữa Hàn-Triều gia tăng trong những ngày gần đây, với việc Bình Nhưỡng không ngừng tung ra những lời đe dọa chỉ trích nhằm vào chương trình rải tờ rơi tuyên truyền chống phá chính quyền nhà lãnh đạo Kim Jong-un từ các nhà hoạt động Hàn Quốc. Mọi việc đáng lo ngại hơn khi hôm 17-6, Triều Tiên cho biết sẽ đưa quân đội đến các địa điểm hợp tác liên Triều trên lãnh thổ của mình, xây dựng lại các đồn bảo vệ và khởi động lại các cuộc tập trận quân sự ở phía bắc biên giới với Hàn Quốc. Những bước đi đó sẽ vô hiệu hóa các thỏa thuận năm 2018 cấm cả hai miền Triều Tiên thực hiện bất kỳ hành vi thù địch nào với nhau. Động thái này được xem là bước đi tiếp theo của Triều Tiên chống lại Hàn Quốc, sau hành động bất ngờ cho đánh sập văn phòng liên lạc chung Hàn- Triều tại thành phố biên giới Kaesong vào chiều ngày 16-6.

Vì sao Triều Tiên bất ngờ cứng rắn với Hàn Quốc như vậy? Theo tuyên bố từ  Bình Nhưỡng là do việc thả tờ rơi có nội dung chống Triều Tiên đã vi phạm Tuyên bố Panmunjom ngày 27-4-2018 trong đó quy định “chấm dứt mọi hành động thù địch bao gồm cả việc rải tờ rơi”. Nhưng nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chính là Bình Nhưỡng đang gây áp lực lên Seoul và Washington khi nền kinh tế gặp khó khăn đang ngày càng trở nên tồi tệ hơn do các lệnh trừng phạt của Mỹ và đại dịch Covid-19.

KHẢ ANH