Bóng ma đảo chính đe dọa Pakistan

Thứ năm, 21/08/2014 08:21

(Cadn.com.vn) - Các nhà lãnh đạo đối lập đe dọa thành lập chính phủ mới, trong khi quân đội được cho là có thể đảo chính lật đổ Thủ tướng Nawaz Sharif.

Cuộc bầu cử năm 2013 ở Pakistan đã đưa Thủ tướng Sharif lên nắm quyền, được cho là nhằm củng cố tiến trình dân chủ cho đất nước. Đây là lần đầu tiên một chính phủ dân cử vượt qua sức mạnh của "một chính quyền quân sự".

6 năm sau thời điểm tướng Pervez Musharraf, vị lãnh đạo quân sự cuối cùng, từ chức mở đường cho việc tái lập chế độ dân sự, quân đội Pakistan chưa từng đánh mất vai trò mạnh mẽ trên chính trường. Và giờ đây, hơn 1 năm trôi qua, cái chính quyền dân sự này cũng đang ở bấp bênh vực thẳm khủng hoảng và đe dọa đảo chính.

Hai tháng trước, sau cuộc tấn công tại Sân bay quốc tế Jinnah ở Karachi khiến 30 người chết, quân đội phát động cuộc tấn công lớn - gọi là Zarb-e-Azaab - chống chiến binh ở Bắc Waziristan.

Mặc dù chi tiết về tiến độ các hoạt động không được công bố, nhưng việc hơn 1 triệu người phải di tản bên cạnh cuộc sống đói kém ở các trại tị nạn đã là "kết quả" rõ ràng nhất. Tình trạng này khiến người di cư tìm đường đến các trung tâm đô thị như Karachi, nơi vốn đang phải vật lộn với cuộc xung đột sắc tộc và khủng hoảng chính trị.

Vấn đề thứ hai là câu chuyện của Imran Khan, Chủ tịch đảng Tehrik-i-Insaf (PTI), người tuyên bố, việc ông chỉ đứng thứ 3 trong cuộc bầu cử năm 2013 là do gian lận bầu cử. Tuy những cáo buộc gian lận của ông Khan không có cơ sở, nhưng nó cũng đủ làm bùng phát những cuộc biểu tình bạo lực ủng hộ vị chính trị gia này và yêu cầu Thủ tướng Sharif từ chức.

Giới phân tích cho rằng, làn sóng biểu tình đang đẩy Pakistan lâm vào tình trạng hỗn loạn và làm dấy lên lo ngại rằng, cuối cùng Pakistan cũng phải trải qua đảo chính quân sự như vẫn thường xảy ra trong lịch sử.

Tuần qua, ông Shahbaz Sharif, người em trai đầy quyền lực của Thủ tướng Sharif, phải vội vã bay từ Lahore đến Rawalpindi để họp khẩn với lãnh đạo quân đội về biện pháp ngăn chặn và chấm dứt biểu tình. Đây được coi là dấu hiệu chứng tỏ quân đội vẫn duy trì ảnh hưởng mạnh mẽ đối với chính trường Pakistan.

Trong lịch sử 67 năm tồn tại với tư cách là quốc gia độc lập, Pakistan có gần một nửa thời gian do quân đội nắm quyền lãnh đạo. Vì vậy, không ai ngạc nhiên khi giới chính trị gia thường phải viện đến sự hậu thuẫn của quân đội để tìm lối thoát cho khủng hoảng.

Chướng ngại vật thứ ba là Tahir ul-Qadri, mục sư kiêm chính trị gia gốc Canada. Ông này đang nắm giữ "Cuộc cách mạng tháng 3" với hy vọng lật đổ chính quyền ông Sharif. Phát biểu tại cuộc biểu tình trước hàng ngàn người ủng hộ, Qadri tuyên bố sẽ "lật đổ hệ thống" và kêu gọi người ủng hộ "giết bất cứ ai trở về mà không hoàn thành công việc".

Câu hỏi đặt ra hiện nay là: quân đội tính đến khi nào sẽ can thiệp, buộc Thủ tướng Sharif phải nhượng bộ phe đối lập và áp đặt thiết quân luật? Rõ ràng, nếu tình hình bất ổn hiện nay vượt ra khỏi tầm kiểm soát, quân đội sẽ vào cuộc. Người ta cho rằng, Thủ tướng Sharif chỉ có thể tránh được đảo chính quân sự nếu chấp nhận ngồi vào bàn đàm phán.

Thanh Văn