Brazil có nội các mới, vẫn nhiều thách thức

Thứ bảy, 14/05/2016 10:15

(Cadn.com.vn) - Trong phát biểu đầu tiên sau khi trở thành tổng thống lâm thời của Brazil vào ngày 13-5 (giờ Việt Nam), ông Michel Temer cam kết sẽ tái khởi động lại nền kinh tế nhằm khôi phục sự tín nhiệm của đất nước.

Ngay sau khi trở thành tổng thống lâm thời, ông Temer thành lập một nội các hoàn toàn mới, trong đó thiên về kinh tế. Nhiệm vụ của nội các mới là đưa nền kinh tế số 1 khu vực Mỹ Latinh thoát khỏi cuộc suy thoái được cho là trầm trọng nhất kể từ năm 1930. Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là nhiệm vụ dễ dàng.

Tổng thống tạm thời Brazil Michel Temer tại lễ nhậm chức của các bộ trưởng mới
được bổ nhiệm. Ảnh: NYT

KINH TẾ SUY THOÁI

Tổng thống lâm thời Temer đang chèo lái con thuyền Brazil tại thời điểm sóng gió nhất. Quốc gia Mỹ Latinh này đối mặt với suy thoái kinh tế tồi tệ cùng với cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng và đặc biệt là chuẩn bị đăng cai tổ chức Olympic 2016, lần đầu tiên diễn ra ở Brazil.

Thực tế, nền kinh tế Brazil là một mớ hỗn độn. Tăng trưởng ở mức 7,5% chỉ vào 6 năm trước, nhưng năm 2015, con số này xuống mức 3,8%. Tăng trưởng năm 2016 cũng dự kiến ở con số tương tự. Trong khi đó, lạm phát vượt mức 10% trong năm 2015 và hơn 10 triệu người thất nghiệp, trong đó nhiều công việc nằm “chết” trong 12 tháng qua. Trên nguyên tắc, câu trả lời của ông Temer về cuộc khủng hoảng này là không khác gì với bà Rousseff. Ông cho rằng, Brazil phải giảm nợ công, vốn có thể lên đến 80% GDP, để lấy lại niềm tin của người tiêu dùng và nhà đầu tư về khả năng trả nợ của Brazil mà không cần phải in thêm tiền - động thái vốn sẽ đẩy lạm phát còn cao hơn.

Chìa khóa để giải quyết vấn đề này là cắt giảm chi tiêu và không tăng thuế. Bà Rousseff cam kết đạt thặng dư ngân sách trong năm 2015 và 2016, nhưng thất bại. Cựu Chủ tịch Ngân hàng Trung ương Henrique Meirelles – người được tổng thống tạm thời Temer bổ nhiệm làm bộ trưởng kinh tế, cho biết, Brazil cần phải thiết lập các mục tiêu ngân sách thực tế và hiệu quả hơn. Đảng Lao động của bà Rousseff đã thực hiện loạt các chương trình xã hội có lợi cho người nghèo. Trong lần cắt giảm ngân sách lần này, ông Temer cam kết sẽ xem xét phạm vi và hiệu quả của tất cả các chương trình xã hội này.

Nhưng ngay cả đối với một tổng thống được bầu chọn, đây là quyết định rất khó thực hiện. Với ông Temer, nhiệm vụ này còn khó khăn hơn.

THAM NHŨNG LAN TRÀN

Ông Temer không nằm trong vòng điều tra quy mô lớn nhằm tập đoàn dầu khí quốc gia Petrobras, dù tên ông được đề cập đến trong một số lời khai của những người đang bị điều tra.

Tuy nhiên, tổng thống tạm quyền đang đối mặt với hai thách thức chính  thức. Năm 2017, Tòa án Bầu cử của Brazil sẽ quyết định liệu chính phủ liên minh Rousseff-Temer có nhận tiền đóng góp bất hợp pháp hay không. Và Tòa án Tối cao đang xem xét liệu ông Temer có bị luận tội vì cáo buộc phá vỡ các quy tắc tài chính tương tự như bà Rousseff hay không. Thực tế, đảng PMDB của ông Temer cũng liên quan nghiêm trọng đến vụ bê bối Petrobras. Nhiều quan chức hàng đầu của đảng - gồm cả Chủ tịch Thượng viện, Renan Calheiros - đang bị điều tra tham nhũng.

Một điều đơn giản nữa là hầu hết người Brazil không muốn ông Temer lên làm tổng thống. Nhiều người lo ngại, ông Temer có thể làm suy yếu những nỗ lực chống tham nhũng để ngăn chặn khủng hoảng chính trị. Ông Temer cũng sẽ không thể đủ khả năng để xoay xở với Quốc hội quyền lực vì tương lai của hầu như tất cả các chính sách của ông phụ thuộc vào sự chấp thuận của các nghị sĩ trong Quốc hội.

Bà Rousseff vẫn có thể quay trở lại nắm quyền vào cuối năm nay nếu không bị kết tội. Nhưng nếu bà thua trong trận chiến này, ông Temer sẽ trở thành tổng thống thứ 7 của Brazil kể từ khi kết thúc chế độ độc tài quân sự  vào năm 1980, với nhiệm vụ nắm quyền ở Brazil cho đến năm 2018. Cho dù nhiệm kỳ của ông là ngắn hay dài, xem ra nó cũng sẽ đầy thách thức.

Khả Anh