Brexit - khi bóng trên sân Anh
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia còn lại của EU đã chấp thuận gia hạn và chờ xem liệu Thủ tướng May có thể có được thỏa thuận được Quốc hội thông qua vào tuần tới hay không.
Cuộc khủng hoảng Brexit đang nhấn chìm nước Anh. Ảnh: AP |
Chính xác là 1.000 ngày sau khi Anh bỏ phiếu rời Liên minh Châu Âu (EU) và 8 ngày trước thời hạn phải ra đi (ngày 29-3), Thủ tướng Theresa May đã nhấn nút tạm dừng, yêu cầu liên minh này cho London thêm thời gian để ra quyết định cuối cùng về thỏa thuận Brexit. Và thời hạn mà bà May cần là đến ngày 30-6.
Trong tuyên bố ngắn về việc Anh rời đi, Thủ tướng May bày tỏ lấy làm tiếc về việc các nghị sĩ Anh không thể nhất trí về cách thực hiện Brexit. Chính vì vậy, Anh không thể rời khỏi khối đúng hạn cùng một thỏa thuận vào ngày 29-3. Và EU cũng đã nhất trí. Tuy nhiên, thời hạn hoãn chỉ được gia hạn đến ngày 25-5 và với điều kiện các nghị sĩ Quốc hội nước này bỏ phiếu ủng hộ dự thảo thỏa thuận của Thủ tướng May vào tuần tới. Lãnh đạo 27 quốc gia thành viên EU tuyên bố, họ chuẩn bị mở rộng Điều khoản 50 về quá trình rút khỏi liên minh cho đến ngày 22-5, để Vương quốc Anh có thời gian chuẩn bị cho việc ra đi.
Quyết định này của EU giúp tiến trình Brexit quanh co diễn ra với kịch bản tốt hơn. Nhưng nó cũng đồng nghĩa với việc ném huyết mạch cuối cùng cho Thủ tướng May. Bà May đã hoan nghênh việc hoãn Brexit và cho rằng các nghị sĩ của Quốc hội nước này giờ đây đã có những lựa chọn rõ ràng về việc sẽ làm điều gì tiếp theo. Nhà lãnh đạo này nhấn mạnh, “tất cả chúng ta đang ở thời khắc quyết định”.
Các nhà lãnh đạo của các quốc gia còn lại của EU đã chấp thuận gia hạn và chờ xem liệu bà May có thể có được thỏa thuận được Quốc hội thông qua vào tuần tới hay không. Và rõ ràng, bóng đang nằm bên sân Anh, nằm trong tay các nghị sĩ Quốc hội Anh. Trong thời khắc này, nhiều người tự hỏi liệu điều gì sẽ xảy ra tiếp theo với Brexit.
Quốc hội tiếp tục “nói không”?
1.000 ngày sau cuộc trưng cầu dân ý công khai trong đó các cử tri Anh quyết định rời khỏi EU với tỷ lệ sít sao, Brexit bị đình trệ vì Quốc hội Anh vẫn bị chia rẽ giữa những người ủng hộ và những người phản đối Brexit.
Các nghị sĩ Anh đã 2 lần bác bỏ thỏa thuận Brexit của Thủ tướng May, khiến vụ “ly hôn” này bị gián đoạn như hiện nay. Và giờ số phận Brexit lại một lần nữa nằm trong tay các nghị sĩ Anh trong cuộc bỏ phiếu vào tuần tới. Nhưng thực tế hiện nay là cả hai bên đều chỉ trích cách tiếp cận của Thủ tướng May đối với việc gia hạn: Những người ủng hộ Brexit nói rằng họ sẽ “phản bội” quyết định của cử tri trong năm 2016 với việc rời khỏi EU; những người phản đối nói rằng, nên chấm dứt Brexit vì nó sẽ chỉ kéo dài cuộc khủng hoảng của Anh. Các nghị sĩ ủng hộ Brexit và thân EU cũng không ấn tượng với thỏa thuận “ly hôn” của bà May.
Tuy nhiên, Thủ tướng May vẫn quyết định chấp nhận thử thách lần 3. Bà hy vọng sẽ thuyết phục được các nghị sĩ ủng hộ Brexit rằng, ủng hộ thỏa thuận của bà là hy vọng duy nhất của họ để rời đi, và thuyết phục các nghị sĩ thân EU rằng họ có quyền lựa chọn giữa thỏa thuận của bà và một Brexit hỗn loạn.
Brexit không thỏa thuận
Đây là kịch bản mà nước Anh đang nỗ lực để tránh vì những thiệt hại rất lớn. Các nhà lãnh đạo EU vừa chặn đứng nguy cơ Anh phải rời khỏi khối này mà không có một thỏa thuận nào vào ngày 29-3 - thời điểm mà lẽ ra Anh phải ra khỏi khối theo nhất trí ban đầu. Tuy nhiên, với một tiến trình Brexit đầy chông gai như thế này, không điều gì là không thể xảy ra.
Nếu thỏa thuận của bà May lại một lần nữa bị bác bỏ trong tuần tới và EU từ chối cho phép gia hạn lần 2, Anh sẽ rời EU mà không có thỏa thuận nào. Điều đó có thể gây ra biến động cho các doanh nghiệp và người dân ở cả Anh và EU, với việc áp thuế đột ngột, kiểm tra hải quan và các rào cản khác đối với thương mại và du lịch. Chủ tịch Cty dịch vụ tài chính Anh Barclays, ông John McFarlane ngày 22-3 nhận định, Brexit không thỏa thuận sẽ gây thiệt hại đáng kể cho EU và một thỏa thuận về các dịch vụ tài chính giữa Anh và EU có thể là bất cứ hình thức nào mà Brexit mang lại. Trước đó, Giám đốc điều hành quốc tế của Cơ quan Kiểm soát Tài chính, bà Nausicaa Delfas cũng cảnh báo, các nhà quản lý tài sản và các tập đoàn tài chính khác của EU chỉ có một tuần để đăng ký với các nhà điều hành Anh nhằm tiếp tục hoạt động tại nước này trong trường hợp Brexit không thỏa thuận.
Thủ tướng May phải ra đi?
Gánh nặng đang đè trên vai Thủ tướng May. Vị nữ lãnh đạo này đã dành gần 3 năm nắm quyền để cố gắng đưa Anh ra khỏi EU và nói rằng, “với tư cách là thủ tướng, tôi không sẵn sàng trì hoãn Brexit thêm lần nào nữa”.
Giới quan sát cho rằng, tuyên bố này của Thủ tướng May được xem là một gợi ý về việc bà có thể sẽ phải từ chức nếu Brexit không thể diễn ra sau thời gian gia hạn của EU. Nhiều người ở cả hai phe trong vấn đề Brexit có thể sẽ rất vui khi thấy bà May ra đi. Nhưng một khi một nhà lãnh đạo bảo thủ mới lên thay thế, nhân vật này cũng sẽ không giải quyết được cuộc khủng hoảng chính trị của đất nước. Các chính trị gia đối lập cho rằng, con đường duy nhất phía trước là tổ chức một cuộc bầu cử sớm, để sắp xếp lại Quốc hội và phá vỡ bế tắc chính trị.
Thủ tướng May đã loại trừ điều đó, nhưng có thể xem đó là lựa chọn duy nhất của bà hiện nay. Giới quan sát cũng cho rằng, đây là bước đi khôn ngoan. Trong khi đó, các nhà vận động chống Brexit cũng không từ bỏ ý tưởng về một cuộc trưng cầu dân ý mới để có thể ở lại EU. Hiện tại, không có nhiều nghị sĩ muốn một cuộc trưng cầu dân ý mới về Brexit, nhưng tính toán chính trị có thể thay đổi nếu tình trạng tê liệt kéo dài.
KHẢ ANH