Brexit tiếp tục bế tắc

Thứ tư, 03/04/2019 07:48

Cả nước Anh vẫn đang nỗ lực từng giờ để thoát khỏi vũng lầy Brexit. Trên con đường mới nhất, Chủ tịch Hạ viện Anh John Bercow đã quyết định chọn 4 đề xuất thay thế cho thỏa thuận Brexit để đem ra thảo luận và bỏ phiếu vào tối 1-4 (giờ địa phương). Các đề xuất gồm việc Anh ở trong liên minh thuế quan, thỏa thuận theo mô hình Na Uy hay còn gọi là đề xuất thị trường chung phiên bản 2.0, đề xuất trưng cầu dân ý và đề xuất cho phép Quốc hội quyền ngăn chặn Brexit không thỏa thuận.

Tuy nhiên, cuối cùng lại là kết quả thất bại. 4 đề xuất về các lựa chọn khác thay thế đã không có cái nào quá bán và các nghị sĩ đã không tìm được một giải pháp nào thay thế. Vì vậy, rõ ràng, “lựa chọn duy nhất” còn lại hiện nay đó là tìm cách để nước Anh rời EU có thỏa thuận và London cần phải hành động sớm nhất có thể để họ có thể tránh không phải tham gia bầu cử Nghị viện Châu Âu.

Tuy nhiên, đây rõ ràng không phải là bài toán dễ dàng, nhất là trong bối cảnh EU nhất quyết tuyên bố sẽ không đàm phán lại thỏa thuận “ly hôn” với Anh. Trong một tuyên bố ngày 2-4, trưởng đoàn đàm phán Brexit của EU, ông Michel Barnier khẳng định, khối này sẽ không đàm phán lại nếu tiến trình Brexit lại bị trì hoãn, đồng thời nhấn mạnh London sẽ không có giai đoạn chuyển tiếp trừ khi nước này thông qua thỏa thuận. Phía EU khẳng định, cách duy nhất để Anh rời EU một cách có trật tự là thông qua thỏa thuận do Thủ tướng May đã đàm phán.

Người dân Anh đã bỏ phiếu rời EU với tỷ lệ 52% thuận và 48% chống tại cuộc trưng cầu dân ý năm 2016. Năm 2017, Thủ tướng Anh Theresa May đã kích hoạt Điều khoản 50 của Hiệp ước Lisbon và đưa ra thông báo Anh sẽ rời EU vào ngày 29-3-2019. Tuy nhiên, giờ đây, xem ra họ đã quá ngán với tiến trình này. Đã có     6 triệu chữ ký kiến nghị chính phủ rút lại điều khoản 50, một con số kỷ lục, vượt 4,5 triệu chữ ký kiến nghị yêu cầu trưng cầu dân ý lần 2 hồi năm 2016 sau khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố.

Gánh nặng đặt trên vai Thủ tướng Theresa May. Nhà lãnh đạo này đã tiếp tục triệu tập cuộc họp nội các vào ngày 2-4 để chính phủ đi đến một lựa chọn lịch sử chấp nhận Brexit “mềm” hay để nước Anh rời EU vào ngày 12-4 mà không có thỏa thuận.

THANH VĂN