BRICS đứng trước cơ hội lớn

Thứ ba, 05/09/2017 10:11

Các quốc gia BRICS mạnh mẽ phản đối vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên nhưng cho rằng, vấn đề này cần được giải quyết thông qua các phương tiện và đối thoại hòa bình.

Hội nghị Thượng đỉnh BRICS khai mạc hôm 4-9.      Ảnh: EPA

Ngày 4-9, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS - gồm Brazil, Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi) kéo dài 2 ngày đã chính thức khai mạc tại thành phố Hạ Môn, đông nam Trung Quốc. Ngoài 5 nước thành viên, còn có đại diện 5 nước khác tham gia sự kiện này, gồm Ai Cập, Mexico, Thái Lan, Guinea và Tajikistan.

Hội nghị diễn ra sau khi Triều Tiên tuyên bố thử thành công bom H hôm 3-9 nên động thái này của Bình Nhưỡng chính là chủ đề hàng đầu trong chương trình nghị sự của hội nghị. Các quốc gia BRICS mạnh mẽ phản đối vụ thử hạt nhân mới nhất của Triều Tiên nhưng cho rằng, vấn đề này cần được giải quyết thông qua các phương tiện và đối thoại hòa bình. “Chúng tôi bày tỏ mối quan tâm sâu sắc đối với căng thẳng đang diễn ra và vấn đề hạt nhân trên bán đảo Triều Tiên”, tuyên bố hội nghị nêu rõ.

Các nước BRICS cũng nhất trí phản đối chủ nghĩa bảo hộ và kêu gọi cải tổ toàn diện LHQ và HĐBA LHQ nhằm tăng cường tính đại diện cho các nước đang phát triển. Các lãnh đạo BRICS cho biết sẽ phối hợp để cải thiện sức ảnh hưởng của khối trong việc điều hành nền kinh tế toàn cầu nhằm thúc đẩy “trật tự quốc tế công bằng và hợp lý hơn”.

Giới quan sát cho rằng, hội nghị lần này là cơ hội để các nước trong nhóm đưa ra lộ trình tương lai, trong đó Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình kêu gọi các nước cần đóng vai trò lớn hơn trong việc giải quyết các vấn đề trên toàn thế giới, bác bỏ chủ nghĩa bảo hộ và đưa năng lượng mới vào giải quyết khoảng cách giữa các nước giàu có và đang phát triển. “Chúng ta cần phải làm cho trật tự quốc tế công bằng và thích hợp hơn”, ông Tập Cận Bình nói với các nhà lãnh đạo Brazil, Nga, Ấn Độ và Nam Phi trong bài diễn văn khai mạc hội nghị.

Theo nhà lãnh đạo Trung Quốc, các mối quan hệ gần gũi hơn của BRICS với các nước còn lại trên thế giới đòi hỏi 5 quốc gia trong nhóm phải đóng vai trò tích cực hơn trong việc nắm quyền trên thế giới. Chủ tịch Tập Cận Bình nhấn mạnh: “Nếu không có chúng ta,... nhiều thách thức không thể giải quyết hiệu quả”. Ông cũng cho biết, các nước trong nhóm nên “cùng tiếng nói” để cùng đưa ra các giải pháp cho các vấn đề toàn cầu và bảo vệ lợi ích chung của họ.

BRICS được hình thành như là hiệp hội của các nền kinh tế lớn đang phát triển nhanh khoảng một thập kỷ trước để cổ vũ nỗ lực phát triển mạnh mẽ hơn của các nước đang phát triển và thách thức trật tự thế giới phương Tây đã chiếm ưu thế kể từ khi kết thúc Thế chiến II. Nhóm này sớm đạt được thỏa thuận tăng tỷ lệ quyền biểu quyết đối với các thị trường mới nổi trong các tổ chức tài chính thế giới là Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Ngân hàng Thế giới (WB). BRICS cũng đã bắt đầu hoạt động ngân hàng phát triển riêng của nhóm.

Tuy nhiên, Trung Quốc - quốc gia khởi xướng nhóm này - muốn BRICS đóng vai trò quan trọng hơn trong các vấn đề quốc tế. Nhưng vấn đề đặt ra là một số nhà quan sát cho rằng, sức mạnh của nhóm đang giảm dần do sự cạnh tranh giữa Trung Quốc và Ấn Độ và những tai ương kinh tế của Brazil, Nga và Nam Phi. Dù vậy, Chủ tịch Tập Cận Bình vẫn khẳng định Trung Quốc là “nhà vô địch” toàn cầu hóa vào thời điểm Tổng thống Mỹ Donald Trump kéo Washington ra khỏi Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) và đang thương thảo lại Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA).

KHẢ ANH