BRICS thách thức phương Tây
(Cadn.com.vn) - Tham vọng thành lập ngân hàng và quỹ tiền tệ của BRICS là nhằm thách thức sự thống trị phương Tây trong tài chính toàn cầu tại Ngân hàng Thế giới (WB) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF).
Các nhà lãnh đạo nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) ngày 15-7 họp thượng đỉnh tại Brazil nhằm bàn về việc thành lập ngân hàng và quỹ dự trữ chung, nhằm tạo thế đối trọng với WB và IMF vốn do Mỹ dẫn đầu.
Tổng thống nước chủ nhà Brazil Dilma Rousseff (phải) đón tiếp người đồng cấp Nga đến tham dự Hội nghị thượng đỉnh BRICS lần thứ VI. Ảnh: AFP |
BRICS không lập liên minh quân sự - chính trị
Tổng thống nước chủ nhà Dilma Rousseff chủ trì phiên họp quan trọng lần này với sự tham gia của các nhà lãnh đạo Nga, Ấn Độ, Trung Quốc và Nam Phi.
Hội nghị lần này cũng đánh dấu cuộc họp trực tiếp đầu tiên giữa tân Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình - hai gã khổng lồ Châu Á vốn đang nóng vì tranh chấp chủ quyền ở biên giới. Đối với Tổng thống Nga Vladimir Putin, người đến thăm Argentine và Cuba trước khi đến Brazil, chuyến đi là cơ hội để ông giảng giải về thế giới “đa cực” trong bối cảnh leo thang căng thẳng với phương Tây do khủng hoảng Ukraine.
“Chúng ta hãy cùng nhau suy nghĩ về hệ thống các biện pháp có thể giúp ngăn chặn việc các nước không đồng ý với một số chính sách đối ngoại của Mỹ và các đồng minh bị quấy nhiễu”, ông Putin trả lời phỏng vấn Itar-Tass trước thềm hội nghị. Ông chủ Điện Kremlin cũng gây chú ý khi đề cập đến những triển vọng của 5 quốc gia đang phát triển này cũng như khả năng giải quyết xung đột cục bộ và làn sóng tấn công trừng phạt Nga. Moscow bị gạt ra khỏi nhóm các cường quốc công nghiệp G8, hình phạt được cho là trả đũa việc bán đảo Crimea trở về với Nga. Washington đang đe dọa áp đặt thêm các biện pháp trừng phạt kinh tế mới nhằm vào Moscow với cáo buộc Điện Kremlin ủng hộ phe nổi dậy ở phía đông Ukraine.
Tuy nhiên, Tổng thống Putin nhấn mạnh, Moscow không có ý định thành lập liên minh quân sự - chính trị BRICS.
“WB, IMF của BRICS”
Hội nghị thượng đỉnh diễn ra khi các nền kinh tế một số nước BRICS, đại diện 40% dân số thế giới và 1/5 nền kinh tế toàn cầu, đang giảm tốc. Tăng trưởng kinh tế của Nga và Brazil dự kiến sẽ chỉ ở mức 1% trong năm nay. Trung Quốc cũng giảm mức tăng trưởng.
“Ngân hàng chung này được cho là “chìa khóa để thúc đẩy tăng trưởng cho các nước BRICS”, Bộ trưởng Công nghiệp và Thương mại Brazil Mauro Borges ca ngợi. Ông Marcos Troyjo, người Brazil, Giám đốc trung tâm nghiên cứu BRICS tại Đại học Columbia ở New York nhận định, việc tạo ra các ngân hàng sẽ cung cấp xương sống cho BRICS, vốn không phải là một tổ chức quốc tế chính thức.
Từ năm 2013, BRICS công bố kế hoạch tạo ngân hàng, nhằm cạnh tranh với WB có trụ sở tại Washington, và quỹ dự trữ được xem là một phiên bản nhỏ của IMF. Ngân hàng sẽ có vốn ban đầu là 50 tỷ USD, trong đó mỗi quốc gia đóng góp 10 tỷ USD. Trong khi đó, nguồn vốn của quỹ dự trữ là 100 tỷ USD. Trong đó, Trung Quốc sẽ đóng góp lớn nhất với 41 tỷ USD, tiếp theo là Brazil (18 tỷ USD). Ấn Độ, Nga và Nam Phi cùng góp 5 tỷ USD từ Nam Phi. Tuy nhiên, vấn đề gây tranh cãi là nơi đặt trụ sở ngân hàng. Theo AFP, Thượng Hải được xem là ứng cử viên sáng giá nhất, song Nam Phi cũng khẳng định địa thế quan trọng của Johannesburg. New Delhi và Moscow cũng là những ứng cử viên nặng ký. 5 nền kinh tế mới nổi cũng đang phân vân về người đầu tiên giữ chủ tịch luân phiên của ngân hàng chung.
BRICS sẽ có cuộc họp với các nhà lãnh đạo Nam Mỹ tại Brasilia vào hôm nay (16-7) trong đó, Chủ tịch Tập Cận Bình sẽ ra mắt diễn đàn Trung Quốc-Mỹ Latinh, làm nổi bật lợi ích ngày càng tăng của Bắc Kinh trong khu vực lịch sử gắn liền với kinh tế Mỹ. Ông Tập sau đó sẽ công du đến Argentine, Venezuela và Cuba, “lấy lòng” các quốc gia vốn không có thiện cảm với Mỹ.
Khả Anh