Bức tranh khởi nghĩa qua bài thơ “Huế tháng Tám”
(Cadn.com.vn) - Có lần, một giáo viên dạy lịch sử nói với tôi: “Không có Tố Hữu thì không biết lấy ai ghi chép lại lịch sử đấu tranh của dân tộc bằng thơ. Dạy sử cho học sinh mà đem thơ của Tố Hữu ra nói thì các em dễ nhớ, dễ thuộc lắm!”. Tôi đồng tình với lời nhận xét giản dị mà sát thực này.
Cách mạng Tháng Tám - Cuộc hồi sinh vĩ đại của dân tộc. |
Bài thơ “Huế tháng Tám” có mặt trong hầu hết các tuyển tập Thơ Tố Hữu, là một điển hình hơn cả cho những nhận xét trên đây. Bài thơ viết vào thời điểm sau khi Nhật đảo chính Pháp (đêm 9-3-1945), Trung ương ra lệnh các nơi chuẩn bị huy động quần chúng nổi dậy. Ở TT-Huế cũng như các thành phố khác trong cả nước, sau khi Pháp đầu hàng, Nhật làm chủ hoàn toàn, kiểm soát toàn bộ các đồn bốt, công sở, đường giao thông. Ngày 11-3, Vua Bảo Đại theo lệnh Nhật đã triệu tập Hội đồng cơ mật của triều đình Huế, ra tuyên bố “Việt Nam độc lập”, xóa bỏ những hiệp ước đã ký với Pháp và xác lập quan hệ với chính phủ Nhật Bản để xây dựng “Khối thịnh vượng chung đại Đông Á”. Ngày 17-3, chính phủ Trần Trọng Kim được thành lập. Sự ra đời của nội các này kéo theo sự xuất hiện của nhiều tổ chức thân Nhật. Nhóm anh em Ngô Đình Nhu, Ngô Đình Diệm ráo riết hoạt động với âm mưu thay Bảo Đại… Trong tập Hồi ký “Nhớ lại một thời” của Tố Hữu có đoạn: “Mục tiêu quan trọng nhất lúc này là Huế bởi đây là kinh đô cuối cùng của triều Nguyễn, là chỗ dựa của bọn xâm lược Nhật. Nếu không kịp lật đổ cái ngai vàng Bảo Đại và “chính phủ” bù nhìn này, trước khi quân Đồng minh vào và công nhận nó là đại diện hợp pháp của Việt Nam, thì tình hình sẽ rất phức tạp”.
Lúc này, ở Huế có một nhóm trí thức, phần lớn là giáo viên, một số “chính trị phạm” vừa ra tù nhưng chưa bắt được liên lạc với tổ chức như Tôn Quang Phiệt, Đào Duy Anh, Hoài Thanh, Trần Hữu Duật… thành lập tổ chức có tên là “Hội tân Việt Nam”, thu hút được nhiều người trong tầng lớp trí thức tham gia. Phát xít Nhật và nội các Trần Trọng Kim mưu đồ sử dụng tổ chức này để gây thanh thế chính trị làm hậu thuẫn cho chúng, do đó “Hội tân Việt Nam” được hoạt động công khai, đã tổ chức một cuộc mít-tinh lớn tại sân vận động thành phố Huế. Ngày 23-5-1945, Hội nghị cán bộ toàn tỉnh được triệu tập tại đầm Cầu Hai H. Phú Lộc chuẩn bị thời cơ khởi nghĩa. Cuối tháng 6-1945, Ban lãnh đạo hai tổ chức Việt Minh (Nguyễn Tri Phương và Thuận Hóa) họp tại Huế, quyết định sát nhập 2 tổ chức làm một, thống nhất kế hoạch và phương hướng hoạt động nhằm tập hợp lực lượng tiến tới khởi nghĩa giành chính quyền.
Đoạn mở đầu bài thơ “Huế tháng Tám” của Tố Hữu mang hơi thở của không khí đợi chờ thời cơ khởi nghĩa ở Huế: “Huế trầm mặc hôm nay sao khác khác/Những mắt huyền ngơ ngác hỏi thầm nhau/ Chân nôn nao như khách đợi mong tàu/ Bước dò bước, không biết sau hay trước?/ Tim hồi hộp, vì sao? Ai hẹn ước/ Ai đang về? Dáng đó thấp hay cao?/ Mắt sáng ngời, như lửa hay như sao?/ Người hay mộng? Ngoài vào hay trong tới?”.
Ngày 15-8-1945, Phát xít Nhật đầu hàng Đồng Minh. Thường vụ Tỉnh ủy TT-Huế triệu tập hội nghị cán bộ toàn tỉnh nhất trí chọn H. Phú Lộc để phát động giành chính quyền, nhằm rút kinh nghiệm cho huyện khác, đồng thời tạo điều kiện cho Huế tiến hành khởi nghĩa. Ngày 20-8, sau khi nhận được tin vào ngày 23-8, quân đội Nhật sẽ tổ chức lễ trọng thể trao quyền độc lập cho Chính quyền Bảo Đại, một Ủy ban khởi nghĩa đã được nhanh chóng thành lập tại Huế, do đồng chí Tố Hữu làm Chủ tịch, đồng chí Hoàng Oanh- Phó Chủ tịch và quyết định lấy ngày 23-8 làm ngày khởi nghĩa, không để địch biến ngày ấy thành ngày lễ trao quyền độc lập cho chính quyền Nam Triều. Tin Hà Nội khởi nghĩa ngày 19-8 thổi một luồng phấn khởi lớn đến Huế, càng làm tăng uy tín của cách mạng. Khoảng 10 giờ sáng ngày 23-8, nhân danh Chủ tịch Ủy ban khởi nghĩa, đồng chí Tố Hữu viết một tối hậu thư cho Bảo Đại với 3 nội dung chính: 1-Lực lượng cách mạng Việt Nam khắp cả nước và ở TT-Huế đã sẵn sàng khởi nghĩa, giành chính quyền về tay nhân dân. Quân Nhật đã đầu hàng, không có quyền lực gì ở Việt Nam nữa và chính quyền Nam Triều càng không thể tồn tại được nữa. 2-Yêu cầu chính quyền Nam Triều phải giải tán và Vua Bảo đại phải tuyên bố thoái vị ngay; 3-Chính quyền cách mạng thuộc về nhân dân, tuyên bố bảo đảm tính mạng và tài sản cho Hoàng gia và toàn bộ nội các, kể cả gia đình họ. Đối với lăng tẩm của các vua ngày trước, cách mạng vẫn giữ nguyên vẹn, không làm gì hư hại.
Chỉ những ai nắm bắt được một cách chi tiết sự kiện lịch sử ở thời điểm trước Khởi nghĩa tại TT-Huế trên đây mới có thể hiểu được tâm trạng của Tố Hữu qua những câu thơ ở bài “Huế tháng Tám”:
Quá khứ nặng đè xuống đầu cúi lặng…
Một ngai vàng không thể thắng
cả giang sơn!
Lòng muôn dân rần rật lửa căm hờn
Máu giải phóng đã sôi dòng nhân loại!
Người phải xuống, đêm nay đêm chiến bại
Để toàn dân chiến thắng giữ ngôi son!
Người phải lui, cho Dân tiến, Nước còn
Dân là chủ, không làm nô lệ nữa!
Hãy mở mắt: quanh hoàng cung biển lửa
Đã dâng lên, ngập Huế đỏ cờ sao
Mở mắt trông: trời đất bốn phương chào
Một dân tộc đã ào ào đứng dậy!
16 giờ ngày 23-8, tại sân vận động Huế, hàng vạn nhân dân TT-Huế đã tập trung hàng ngũ chỉnh tề dưới rừng cờ sao vàng phấp phới. Ủy ban khởi nghĩa tiến vào lễ đài giữa tiếng hoan hô vang dội cả một góc trời. Đồng chí Tố Hữu đọc diễn văn nêu rõ tầm vóc ý nghĩa của cuộc khởi nghĩa và tuyên bố chính quyền về tay nhân dân. Phái đoàn Trung ương do đồng chí Trần Huy Liệu làm trưởng đoàn, đồng chí Nguyễn Lương Bằng và đồng chí Cù Huy Cận được cử vào Huế tiếp nhận chiếu thoái vị của Bảo Đại. Sau này đồng chí Tố Hữu đã khẳng định: “Có lẽ trong lịch sử ở TT-Huế, chưa có một ngày hội lớn và đẹp đến thế”. Hàng vạn người hô vang như sấm “Việt Nam độc lập muôn năm! Chính quyền nhân dân muôn năm!”. Từng đoàn người đi qua các thành phố lớn của Huế, hát vang những bài ca cách mạng. Nhà thơ Tố Hữu tâm sự: “Bài Huế tháng Tám của tôi phản ánh khá trung thực tình cảm của đồng bào mình lúc đó. Một thứ tình cảm mà người ngoài cuộc không biết được, ngay cả bây giờ tưởng tượng ra cũng không dễ viết”:
Ngực lép bốn nghìn năm, trưa nay
cơn gió mạnh
Thổi phồng lên. Tim bỗng hóa mặt trời
Có con chim nào trong tóc nhảy hót chơi
Ha! Nó hót cái gì vui vui nghe thiệt ngộ!
Gió gió ơi! Hãy làm giông làm tố
Cuốn tung lên cờ đỏ máu thơm tươi
Vàng vàng bay, đẹp quá, sao sao ơi!
Ta ngã vật trong dòng người cuộn thác
Ôi thiên đường! Tai miên man lắng nhạc
Từ muôn phương theo gót nện rầm rầm
Việt Nam! Việt Nam! Việt Nam muôn năm!
Niềm vui vỡ òa qua từng câu thơ là biểu hiện tột đỉnh của khát vọng độc lập, tự do và hạnh phúc; niềm vui của một dân tộc được cởi trói ách nô lệ gần 100 năm. Chàng thanh niên Tố Hữu ngày ấy vừa tròn 25 tuổi chứng kiến quá nhiều nỗi thống khổ của đồng bào, của xã hội “đầy rẫy những bất công và buồn thảm” đã dâng tất cả nhịp đập của con tim “rào rạt máu” cho cách mạng và cho ngòi bút trong thời khắc lịch sử vĩ đại của dân tộc.
Nguyễn Thị Thúy Hồng