Bức tranh kinh tế Đà Nẵng sau 9 năm hội nhập thị trường WTO

Thứ sáu, 10/07/2015 10:48

(Cadn.com.vn) - Năm 2007, Việt Nam chính thức trở thành thành viên của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), sau 9 năm bước ra sân chơi lớn nền kinh tế Đà Nẵng đang gặt hái được nhiều thành tựu quan trọng, tuy nhiên vẫn chịu sức ép lớn từ phía bên ngoài... Đó là nhận định về cơ cấu kinh tế thành phố được UBND TP nêu ra tại báo cáo mới đây về kết quả 9 năm hội nhập kinh tế quốc tế từ khi Việt Nam là thành viên của WTO.

Kinh tế tăng trưởng

Theo ông Phan Văn Kha, Giám đốc Sở Công Thương, kinh tế Đà Nẵng sau khi gia nhập WTO phát triển khá và toàn diện trên nhiều lĩnh vực, tổng sản phẩm xã hội trên địa bàn (GRDP, giá so sánh năm 2010) trong 8 năm 2007-2014 ước đạt  9,4%/năm, 6 tháng đầu năm 2015 tăng 8,2% so với cùng kỳ 2014; GRDP bình quân đầu người được nâng lên rõ rệt, năm sau cao hơn năm trước; đến nay ước đạt 52,2 triệu đồng, tương đương 2.486 USD, bằng 1,9 lần năm 2007. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng, đó là dịch vụ, công nghiệp - xây dựng và nông nghiệp, đảm bảo sự tương đồng với chuyển dịch cơ cấu kinh tế.

Các thành phần kinh tế chuyển dịch theo tỷ trọng kinh tế nhà nước giảm từ 46,3% năm 2007 xuống còn 24,4% ước năm 2014, kinh tế dân doanh tăng từ 46,6% lên 62,9% và kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài tăng từ 5,1% lên 12%. Đến nay, thành phố còn 5 doanh nghiệp (DN) 100% vốn nhà nước, trong đó 3 DN thuộc đối tượng giữ nguyên 100% vốn nhà nước; 2 DN đang cổ phần hóa. Hầu hết các DN nhà nước sau cổ phần hoạt động hiệu quả, đóng góp tích cực trong tăng trưởng và phát triển thành phố.

Xét về thương mại: Giai đoạn 2007 – 2014, kim ngạch xuất khẩu hàng hóa đạt 5.989,3 triệu USD; tăng bình quân 14,6%/năm; Kim ngạch nhập khẩu đạt 6.375,2 triệu USD tăng bình quân 14%/năm. Trong đó, các mặt hàng chủ lực của thành phố đóng góp lớn như: Dệt may đạt 1.482,1 triệu USD; thủy sản 862,7 triệu USD; thủ công mỹ nghệ 184,6 triệu USD; đồ chơi trẻ em 312,9 triệu USD; dăm gỗ 148,4 triệu USD; điện tử, thiết bị điện, viễn thông, linh kiện 1.303 triệu USD.

Sau khi gia nhập WTO, thị trường xuất khẩu của thành phố được mở rộng từ 90 nước năm 2007 và đến nay lên đến 120 nước và xuất khẩu vào các thị trường lớn như: Nhật Bản, Mỹ, EU... có tính ổn định cao. Tuy nhiên, xuất khẩu hàng hóa của thành phố vào một số thị trường mới vẫn còn nhỏ lẻ, không bền vững, thiếu tính ổn định qua các năm.

Về đầu tư, tính đến ngày 30-6-2015, Ðà Nẵng có 337 dự án với tổng vốn đầu tư 3,432 tỷ USD, giải quyết việc làm cho 43.600 lao động. Về đối ngoại và hợp tác quốc tế, theo Sở Ngoại vụ Đà Nẵng từ năm 2007 đến nay, trung bình mỗi năm, lãnh đạo thành phố đã tiếp 120 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc; góp phần củng cố và thúc đẩy mối quan hệ hữu nghị và hợp tác giữa TP Đà Nẵng với các tổ chức quốc tế, các địa phương nước ngoài trên nhiều lĩnh vực như: chính trị, kinh tế, văn hóa, giáo dục, du lịch. Nhiều hội nghị, hội thảo quốc tế quan trọng đã được tổ chức thành công tại Đà Nẵng, tạo ấn tượng tốt đẹp cho phía đối tác, có ảnh hưởng lớn đến các nhà đầu tư, các tổ chức quốc tế trong và ngoài nước.

Về hợp tác đa phương, Đà Nẵng đã và đang ngày càng tích cực gia nhập các diễn đàn quốc tế của khu vực và thế giới. Tại một số diễn đàn, vai trò của thành phố được thể hiện rõ nét như Hành lang Kinh tế Đông Tây (EWEC), Hiệp hội các thành phố Châu Á chống chịu với biến đổi khí hậu (ACCCRN), Diễn đàn Thị trưởng Thế giới, Diễn đàn các thành phố Châu Á - Thái Bình Dương, Mạng lưới vùng các chính quyền địa phương về quản lý định cư của con người (CITYNET), và Trung tâm Thông tin đô thị Châu Á tại Kobe (AUICK). Bên cạnh đó, thị trường hàng hóa, tài chính ngân hàng cũng phát triển mạnh mẽ trong sau giai đoạn gia nhập WTO.

Người Malaysia không lạ gì với mối liên quan giữa chính trị và tiền bạc, nhưng vụ bê bối Quỹ nhà Dệt may là ngành đóng góp lớn cho kim ngạch xuất khẩu của thành phố sau 9 năm gia nhập WTO. Trong ảnh: Sản xuất tại Cty Dệt may 29-3.

Chưa đáp ứng kỳ vọng

Báo cáo của UBND TP cũng chỉ ra nhiều hạn chế trong 9 năm gia nhập đó là: Tuy kinh tế tăng trưởng khá nhưng quy mô còn nhỏ, năng lực cạnh tranh thấp, chưa tương xứng với tiềm năng, thế mạnh của thành phố. Đầu tư cho phát triển sản xuất chậm so với phát triển hạ tầng và chưa có sự bứt phá. Quy mô thu hút đầu tư nước ngoài đạt thấp, chưa có các nhà đầu tư lớn đầu tư vào lĩnh vực sản xuất.

Chưa hình thành các lĩnh vực dịch vụ hiện đại, ngang tầm khu vực và quốc tế. Sản xuất công nghiệp quy mô nhỏ, chưa có bứt phá mạnh mẽ, chưa có nhiều dự án lớn có hàm lượng công nghệ cao, giá trị gia tăng lớn; tỷ trọng sản phẩm chế biến thô và gia công còn lớn; công nghiệp chủ lực và các ngành công nghiệp hỗ trợ chưa phát triển. Chưa hình thành các DN và sản phẩm có quy mô lớn. Phát triển nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao còn chậm, chưa có nhiều đổi mới.

Kinh tế thủy sản còn nhiều khó khăn, số lượng tàu khai thác ven bờ còn chiếm tỷ trọng lớn, cơ cấu nghề khai thác chưa bền vững. Chưa phát huy tốt vai trò thành phố cảng biển, đầu mối trung chuyển, quá cảnh, giao lưu hàng hóa của khu vực miền Trung -Tây Nguyên. Vai trò động lực, sức lan tỏa trong khu vực miền Trung - Tây Nguyên còn hạn chế. Chưa tận dụng hết cơ hội do hội nhập quốc tế mang lại, nhất là trong việc tăng cường xuất khẩu, thu hút đầu tư nước ngoài...

Trong đó, đề cập các nguyên nhân như: Xuất phát điểm của kinh tế thành phố còn thấp, quy mô nhỏ; kết cấu hạ tầng còn chưa đồng bộ, thị trường nhỏ hẹp, sức mua thấp, thường xuyên xảy ra thiên tai... dẫn đến việc thiếu sự hấp dẫn đối với các nhà đầu tư trong và ngoài nước; Sức ép cạnh tranh lớn, làm cho DN Đà Nẵng còn yếu kém về năng lực cạnh tranh; Các vấn đề mang tính toàn cầu như dịch bệnh, ô nhiễm môi trường, khan hiếm các nguồn nguyên liệu, khoảng cách giàu nghèo trở nên gay gắt hơn, tác động mạnh và đa chiều đến sự phát triển và hiệu quả của kinh tế xã hội TP.

Bên cạnh đó, khả năng dự báo còn nhiều hạn chế, bất cập; Tính năng động, sáng tạo của cơ sở chưa được phát huy tốt; Trình độ đào tạo chưa đạt chuẩn quốc gia, khu vực; Trong đầu tư phát triển du lịch - dịch vụ, Ðà Nẵng cũng như nhiều tỉnh ven biển miền Trung đang gặp những khó khăn, như: 20% số dự án FDI triển khai cầm chừng; 90% số dự án trong nước triển khai chậm hoặc không được triển khai...

Xuân Đương