Bùng phát xe "trá hình"
Vấn nạn xe trá hình hoạt động phi pháp, cạnh tranh không lành mạnh trên tuyến Huế- Đà Nẵng đang bùng phát dữ dội, bất chấp quyết tâm ngăn chặn của lực lượng chức năng. Loại xe không bến bãi, không phải nộp thuế phí này đang "bức tử" hàng trăm xe buýt chạy tuyến Huế- Đà Nẵng và ngược lại.
Xe 7 chỗ BKS 75A-098.48 chạy ngang dọc Đà Nẵng, từng bị ngành chức năng Huế xử lý lỗi gom khách với xe hợp đồng, nay "thay máu" thành phù hiệu taxi nhưng hoạt động đúng chất "trá hình". |
Càng dẹp càng bùng phát
Nếu trước đây xe "trá hình" hoạt động dè dặt theo kiểu canh me đối phó với lực lượng chức năng thì nay hoạt động công nhiên, bùng phát dữ dội. Chỉ vài thao tác tìm kiếm đơn giản trên các trang facebook "xe ké", khách sẽ được tư vấn nhiệt tình, có xe tới tận nơi đưa đón. Trưa 19-3, PV liên hệ số điện thoại 0914278... chuyên nhận khách xe "trá hình" để đi từ Đà Nẵng ra Huế. Đúng hẹn, xe BKS 75A-19702 đón PV tại đường Nguyễn Lương Bằng ra Huế với giá 120 ngàn đồng/vé.
Tương tự, xe BKS 75A-206.67 cũng đón khách trên đường Tôn Đức Thắng trưa 19-3 để ra Huế với giá 130 ngàn đồng/khách. Gọi điện ngẫu nhiên, chỉ trong trưa 19-3, PV đã tiếp cận được 4 xe "trá hình" chạy tuyến Huế-Đà Nẵng và ngược lại. Ông Nguyễn Phi Cường - Đội trưởng Đội xe buýt Huế (tuyến xe buýt Huế-Đà Nẵng) cho biết, cuối năm 2020 đã cung cấp hơn 200 biển số xe "trá hình" và kiến nghị tỉnh Thừa Thiên - Huế có giải pháp mạnh xử lý. Sau đó lực lượng liên ngành đã triển khai đồng bộ nhiều giải pháp xử lý xe "trá hình", lập lại trật tự vận tải. Tuy nhiên, hiệu quả xử lý chưa cao, hiện hàng trăm xe "trá hình" tuyến Huế- Đà Nẵng vẫn hoạt động với tần suất 4-6 chuyến/ngày.
Theo đại diện tổ liên ngành xử lý xe trá hình Huế, khó khăn hiện nay là các xe "trá hình" dùng chiêu trò cử "chim lợn" theo dõi. Nhiều xe "trá hình" đội lốt xe hợp đồng, ghi tên tuổi, chứng minh thư của khách vào hợp đồng khống để đối phó với ngành chức năng. Thống kê của tổ liên ngành cho thấy, qua 3 tháng dẹp xe "trá hình", hiện có hơn 100 trường hợp bị xử lý, chủ yếu các lỗi liên quan hợp đồng vận chuyển không đúng quy định, không có phù hiệu... Với tần suất hoạt động rầm rộ của xe "trá hình" song kết quả xử lý khiêm tốn như vậy khó tạo áp lực mạnh để dẹp vấn nạn xe "trá hình". Nhiều tài xế xe quả quyết, mỗi biên bản vi phạm hành chính về điều kiện kinh doanh xe hợp đồng chỉ mất khoảng 1,5 triệu đồng, chưa bằng 1 ngày thu nhập, nên các xe "trá hình" lờn luật, cứ vô tư hoạt động.
Xe "trá hình" 75A-20667 đón khách lẻ từ Đà Nẵng đi Huế trưa 19-3 và xe "trá hình" 75A- 16299 đón khách lẻ tại Huế đi Đà Nẵng chiều 19-3. |
Taxi biến tướng
Thay vì dán thông tin số điện thoại tổng đài như nhiều hãng taxi khác, những xe mang logo Sun Taxi Huế lại để số điện thoại di động, quần đảo ngang dọc trên nhiều tuyến phố Đà Nẵng, vô tư đón trả khách lẻ. Ngày 19-3, sau cuộc gọi vào số di động 0905.050..., PV liền được chốt vé, điều xe "taxi" BKS 75A-145.03 đón trên đường Tôn Đức Thắng (Đà Nẵng) để đi Huế. Sau hành trình khoảng 2 giờ, xe đề mã số S.2367 (hãng SunTaxi Huế) đã trả khách tại số 2 Tố Hữu, TP Huế. Lúc này, mặc dù đồng hồ tính tiền nhảy hơn 1,1 triệu đồng, song tài xế chỉ thu 120 ngàn đồng/người.
Hỏi hóa đơn thì tài xế cười nhạt: đồng hồ tính tiền lắp cho có, không in được hóa đơn, biên lai đâu. Số điện thoại để trên xe, muốn đi thì cứ alo sẽ có người đến đón, không cần gọi tổng đài đâu. Làm một cuộc thử nghiệm tương tự, PV cũng được "taxi" 7 chỗ BKS 75A-098.48 phục vụ với giá 120 ngàn đồng/lượt. Điều đáng nói hơn, xe BKS 75A-098.48 này từng bị Trạm CSGT Phú Lộc xử lý vi phạm hành vi vận chuyển hành khách theo hợp đồng nhưng thu tiền từng hành khách đi xe vào ngày 17-9-2020. Thế nhưng, thay vì chấn chỉnh để hoạt động đúng qui định, xe này lại được "quy nạp" chuyển từ phù hiệu hợp đồng sang xin cấp phép phù hiệu taxi. Tuy "thay máu" phù hiệu thành taxi, song nhà xe lại không đón khách tổng đài hay các điểm nhận khách của Sun Taxi Huế mà liên tục gom khách lẻ, chạy "trá hình" tuyến Huế-Đà Nẵng.
Xe 75A-143.03 bật đồng hồ tính tiền, nhưng thu tiền mặt giá khác và không in biên lai/phiếu tính tiền hay hóa đơn cho khách. |
Việc Sun Taxi Huế dùng chiêu "bán xe thương quyền, gửi xe cá nhân" để "quy nạp" xe trá hình về mang phù hiệu taxi nhằm dễ bề đối phó sự thanh tra kiểm soát khiến hoạt động của các hãng taxi truyền thống khác vốn đã khó nay càng lao đao. Trong vai người có 2 xe cần "gửi xe" vào Sun Taxi Huế, PV liên lạc với hotline 0896.229... (quảng bá rầm rộ trên mạng xã hội), liền được nữ nhân viên tên Tuyền hướng dẫn, người có xe ô-tô cá nhân chỉ cần bỏ ra chừng 3,5 triệu đồng mỗi tháng (bao gồm chi phí quản lý, nhượng quyền, thuê thiết bị) là vô tư chạy, mang thương hiệu Sun Taxi Huế, với hai cách thức: chạy như taxi bình thường hoặc tự hoạt động, đón khách quen (thực chất là gom khách lẻ, chạy trá hình-PV).
Hiện tại ở Thừa Thiên - Huế có 10 doanh nghiệp kinh doanh taxi, tổng cộng 906 xe. Từ năm 2019, Thừa Thiên - Huế bỏ qui hoạch số lượng xe taxi nên các đơn vị kinh doanh taxi đề nghị cấp thêm xe, nếu đảm bảo điều kiện qui định sẽ được cấp. Trong thực tế, nhiều xe chở khách "trá hình" nhưng lại mang phù hiệu taxi khiến việc xử lý rất khó khăn. Ông Nguyễn Trung Nghĩa - Chánh TTGT Đà Nẵng cho hay, thời gian qua, tổ liên ngành Đà Nẵng phát hiện nhiều trường hợp xe phù hiệu trá hình nhưng nay được Thừa Thiên - Huế cấp phù hiệu taxi. Thực tế đây là những xe chuyên gom khách lẻ, chạy "trá hình", nhưng nay đối phó tinh vi hơn. Trong khi đó, ông Nguyễn Hữu Cường - Chánh Văn phòng Sở GTVT Đà Nẵng cho biết, Đà Nẵng đang thực hiện Đề án kiểm soát phương tiện vận tải trên địa bàn, hoạt động taxi được quản lý để không phát triển quá nhiều gây áp lực ùn tắc giao thông đô thị, phức tạp về hoạt động vận tải.
Nhóm PV