Bước ngoặt mới trên chính trường Malaysia
Ngày 24-2, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad bất ngờ đệ đơn từ chức lên Quốc vương Abdullah Sultan Ahmad Shah, sau hàng loạt những động thái dồn dập diễn ra từ ngày 23-2 trên chính trường nước này.
Sau khi bất ngờ từ chức thủ tướng, 3 nguồn thạo tin giấu tên cho biết, Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad rút khỏi đảng Bersatu. Hiện chưa rõ lý do ông Mahathir rời khỏi đảng Bersatu. Cả đảng Bersatu và ông Mahathir đều chưa đưa ra bình luận gì.
Thủ tướng Malaysia Mahathir Mohamad phát biểu trong một sự kiện hôm 4-2. Ảnh: Reuters |
“Phản bội”
Động thái của Thủ tướng Mahathir được cho là kết quả của một âm mưu đảo chính bất thành nhằm thành lập một chính phủ ở hậu trường với sự tham gia của các đảng đối lập. Đây là động thái gây bất ngờ bởi trước đó, diễn biến dồn dập trên chính trường Malaysia cho thấy rất có thể một liên minh mới sẽ bắt tay để thành lập một chính phủ mới, thay thế chính phủ hiện tại của Liên minh Hy vọng (PH) cầm quyền.
Từ sáng 23-2, một loạt các cuộc họp và tập trung của các đảng phái tại nước này đã diễn ra, cả của phe cầm quyền lẫn phe đối lập. Bên cạnh đó, lãnh đạo của 6 đảng phái còn có cuộc yết kiến với Quốc vương nước này. Các động thái nói trên đã làm dấy lên tin đồn về việc sẽ có một liên minh mới được thành lập, cùng với đó là một chính phủ mới tại Malaysia, thay thế cho chính phủ hiện tại của PH, nhằm loại bỏ Chủ tịch PKR Anwar Ibrahim, người theo thỏa thuận của PH sẽ kế nhiệm ông Mahathir.
Liên minh mới được cho là sẽ có sự tham gia của đảng Bersatu của Thủ tướng Mahathir Mohamad, một phần của đảng Công lý Nhân dân (PKR) gồm các nghị sĩ ủng hộ phó Chủ tịch Azmin Ali, đảng Tổ chức Dân tộc Mã Lai thống nhất (UMO), đảng Hồi giáo liên Malaysia (PAS). Các đảng còn lại trong PH, gồm đảng Hành động Dân chủ (DAP), đảng Amanah và một phần của PKR với các nghị sĩ ủng hộ Chủ tịch Anwar Ibrahim, sẽ không có mặt trong liên minh mới.
Trước những tin đồn nói trên, đêm 23-2, ông Anwar Ibrahim đã phát biểu rằng, những động thái của Bersatu và một phần PKR là hành động “phản bội”. “Hôm nay, chúng tôi đã bị sốc bởi những gì đang xảy ra. Đối với tôi, đó là một sự phản bội vì những lời hứa đã được đưa ra”, ông Anwar cho biết trong một chương trình phát trực tiếp trên facebook vào tối 23-2, đề cập đến lời hứa của ông Mahathir rằng một ngày nào đó ông Mahathir sẽ bước sang một bên và trao quyền lực cho ông Anwar.
Ông Anwar đã gặp Thủ tướng Mahathir vào sáng 24-2, sau đó nói với báo giới rằng ông “hài lòng với lập trường của mình”. “Chúng ta không thể dễ dàng cúi đầu trước nhóm người muốn phản bội niềm tin của nhân dân trong cuộc tổng tuyển cử trước”, ông cho biết.
Malaysia sẽ có nữ thủ tướng đầu tiên? Tờ MalayMail đưa tin: phó Thủ tướng Malaysia Wan Azizah Wan Ismail có thể trở thành nữ Thủ tướng đầu tiên của nước này sau khi Thủ tướng Mahathir Mohamad từ chức. Chính ông Mahathir ngày 24-2 đề cử bà Wan Azizah làm Thủ tướng lâm thời. |
Bà Wan Azizah Wan Ismail |
Âm mưu nhằm hủy bỏ thỏa thuận?
Cuộc tranh đấu giữa hai đối thủ lâu đời, ông Mahathir, 94 tuổi và ông Anwar, 72 tuổi, định hình chính trị Malaysia trong nhiều thập kỷ và căng thẳng vẫn tồn tại. Tuy nhiên, cả hai đã chấp nhận đã liên minh với nhau để trước thềm tổng tuyển cử năm 2018 để lật đổ liên minh Mặt trận Quốc gia (BN) của cựu thủ tướng Najib Razak, đã cầm quyền suốt 60 năm từ khi Malaysia giành độc lập. Ông Mahathir lên nắm quyền vào tháng 5-2018 với lời hứa rằng, một ngày nào đó ông Mahathir sẽ trao quyền lực cho ông Anwar kế nhiệm.
Tuy nhiên, ông Mahathir, trước đây từng giữ chức thủ tướng trong chính phủ do UMNO lãnh đạo từ năm 1981-2003, giờ đây dường như có kế hoạch kế nhiệm khác. Các nguồn tin cho biết đảng Bersatu, và một phe trong đảng PKR của ông Anwar, đã gặp các quan chức từ UMNO và đảng Hồi giáo PAS trong nỗ lực thành lập một liên minh mới, nhằm loại trừ ông Anwar, và ủng hộ ông Mahathir tiếp tục nắm quyền Thủ tướng thêm nhiệm kỳ 5 năm nữa. Theo tờ Straits Times, đơn từ chức của ông Mahathir nhiều khả năng là một bước đi tính toán chiến thuật, nhằm hủy bỏ thỏa thuận chuyển giao quyền lực giữa ông và Anwar trước cuộc tổng tuyển cử năm 2023.
Phát biểu với những người ủng hộ trong buổi lễ cầu nguyện được tổ chức tại nơi cư trú của mình đêm 23-2, ông Anwar thừa nhận những nỗ lực thành lập một chính phủ mới có thể thành hiện thực vào ngày 24-2, động thái khiến những người ủng hộ trung thành của ông lên tiếng phản đối, đồng thời khơi mào cho những bất ổn chính trị tại Malaysia. “Đây thực sự là một cuộc đảo chính cửa sau”, một nguồn tin của liên minh PH nhận định. “Nếu họ đi theo con đường này, điều này sẽ gây khó khăn cho Malaysia trong tương lai. Tôi nghĩ rằng ông Mahathir có thể đang hiểu sai phản ứng của công chúng về tất cả những điều này. Tình hình năm 1998 sẽ xảy ra một lần nữa”, nguồn tin này nhận xét, đề cập đến các cuộc biểu tình yêu cầu cải cách Hồi giáo tại Malaysia, nổ ra giữa cuộc khủng hoảng tài chính Châu Á 1997-1998.
AN BÌNH