Bước ngoặt trong nỗ lực chấm dứt xung đột Nga – Ukraine
Những động thái ngoại giao dồn dập những ngày qua đang tạo ra một "bước ngoặt lịch sử" trong nỗ lực chấm dứt cuộc xung đột kéo dài hơn hai năm giữa Nga và Ukraine. Đề xuất ngừng bắn 30 ngày và khả năng đàm phán trực tiếp giữa hai nhà lãnh đạo đang nhận được sự quan tâm sâu sắc.
Theo Ria Novosti, trong cuộc họp báo cùng ngày đánh dấu kết thúc các hoạt động kỷ niệm Ngày Chiến thắng, Tổng thống Nga Vladimir Putin đề xuất Nga và Ukraine nối lại đàm phán trực tiếp, không cần điều kiện tiên quyết để thiết lập hòa bình, giải quyết "căn nguyên xung đột". "Nga không phải bên đơn phương chấm dứt đàm phán hồi năm 2022, mà là Ukraine. Tuy nhiên, chúng tôi vẫn đề xuất Kiev nối lại đàm phán trực tiếp mà không đặt điều kiện tiên quyết", Tổng thống Putin cho biết. Ông đề xuất hai bên gặp nhau tại thành phố Istanbul của Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5, khẳng định Moscow quyết tâm đàm phán nghiêm túc để loại bỏ căn nguyên của cuộc xung đột, nhấn mạnh quyết định bây giờ thuộc về Ukraine.
Theo báo The Kyiv Independent, từ sau khi Moscow phát động chiến dịch quân sự đặc biệt ở Ukraine vào tháng 2-2022, chưa từng diễn ra bất kỳ cuộc đàm phán trực tiếp nào giữa Liên bang Nga và Ukraine. Đáng chú ý, ông Putin đã không thông báo kéo dài lệnh ngừng bắn ba ngày, cũng như không chấp thuận đề xuất đình chiến vô điều kiện kéo dài 30 ngày của Ukraine và châu Âu. Tuy nhiên, nhà lãnh đạo Nga nói rằng một thỏa thuận như vậy có thể được đàm phán trong khuôn khổ các cuộc gặp tại Istanbul.
Trong tuyên bố đưa ra ngày 11-5, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky cho biết ông sẵn sàng gặp Tổng thống Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ vào ngày 15-5. “Không có lý do gì để kéo dài việc giết chóc. Và tôi sẽ chờ đợi ông Putin vào thứ năm tại Thổ Nhĩ Kỳ”. “Chúng tôi mong đợi một lệnh ngừng bắn bắt đầu từ ngày mai - đề xuất này đã được đưa lên bàn đàm phán. Một lệnh ngừng bắn toàn diện và vô điều kiện dài hạn, nhằm tạo nền tảng cần thiết cho ngoại giao có thể giúp đưa hòa bình đến gần hơn rất nhiều”, ông Zelensky nói.
Theo Reuters, viết trên mạng xã hội X ngày 11-5, Tổng thống Zelensky cho biết việc Nga bắt đầu cân nhắc chấm dứt xung đột là một dấu hiệu tích cực. "Đây là một dấu hiệu tích cực cho thấy người Nga cuối cùng đã bắt đầu cân nhắc chấm dứt chiến tranh... Và bước đầu tiên để thực sự chấm dứt bất kỳ cuộc chiến nào chính là lệnh ngừng bắn", ông Zelenskiy viết. “Tôi hy vọng lần này phía Nga không tiếp tục tìm lý do để từ chối”, ông Zelensky nói và nhấn mạnh rằng: “Chúng tôi ở Ukraine không có vấn đề gì trong việc tổ chức đàm phán - chúng tôi sẵn sàng cho mọi hình thức. Tôi sẽ có mặt ở Thổ Nhĩ Kỳ vào thứ năm này”. Kiev đã tuyên bố sẵn sàng đàm phán nhưng nhấn mạnh rằng bất kỳ cuộc đối thoại nào cũng phải bắt đầu với việc chấm dứt hoàn toàn các hành động thù địch.
Động thái trên đã nhận được sự đánh giá cao của Tổng thống Mỹ Donald Trump. Đăng trên mạng xã hội Truth Social, ông Trump khẳng định: "Một ngày có thể rất tuyệt vời cho Nga và Ukraine! Hãy nghĩ đến hàng trăm nghìn sinh mạng sẽ được cứu khi cuộc “đổ máu” bất tận này có hy vọng chấm dứt. Đây sẽ là một thế giới hoàn toàn mới và tốt đẹp hơn nhiều. Tôi sẽ tiếp tục phối hợp với cả hai bên để đảm bảo mục tiêu đó thành hiện thực".
Cùng ngày, Giáo hoàng Leo XIV khi xuất hiện công khai đầu tiên với tư cách là Giáo hoàng trước đám đông 100.000 người tại Quảng trường Thánh Peter đã kêu gọi chấm dứt xung đột Nga- Ukraine ngay lập tức: "Hãy làm mọi thứ có thể để đạt được hòa bình thực sự, công bằng và lâu dài". Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cùng ngày cũng cho biết, Thổ Nhĩ Kỳ sẵn sàng tổ chức cuộc đàm phán tiềm năng giữa Nga và Ukraine trong những ngày tới.
Đánh giá về các sự kiện gần đây, tờ Economist nhận định: "Mức độ mạnh mẽ của ngoại giao công khai cho thấy các cuộc đàm phán nghiêm túc đằng sau hậu trường đang diễn ra, và những ngày sắp tới thực sự có thể mang tính quyết định". Tuy nhiên, tờ Economist cảnh báo rằng không nên kỳ vọng quá nhiều vào việc chấm dứt chiến sự trong tương lai gần. Tương tự, một cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Nga và Ukraine, nếu diễn ra, khó có thể mang lại kết quả cụ thể ngay lập tức.
Theo hãng thông tấn độc lập UNIAN của Ukraine, bất chấp tuyên bố sẵn sàng đàm phán trực tiếp từ Tổng thống Putin, không có dấu hiệu nào cho thấy nhà lãnh đạo Nga đã từ bỏ các mục tiêu tối đa của mình ở Ukraine. Như vậy, những ngày tới sẽ quyết định liệu nỗ lực ngoại giao toàn cầu có thể chấm dứt xung đột hay chỉ là một chương khác trong cuộc đối đầu kéo dài. Với sự tham gia của nhiều bên, cơ hội hòa bình có thể đang mở ra. Tuy nhiên, lịch sử cho thấy con đường từ đề xuất đến thực thi vẫn còn nhiều thách thức.
AN BÌNH
Việt Nam hoan nghênh đề xuất nối lại đàm phán trực tiếp Nga - Ukraine
Ngày 12-5, trả lời câu hỏi phóng viên đề nghị cho biết phản ứng của Việt Nam trước đề xuất của Tổng thống Nga Vladimir Putin ngày 11-5về nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine, Người Phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Phạm Thu Hằng nêu rõ: "Chúng tôi hoan nghênh đề xuất ngày 11-5-2025 vừa qua của Tổng thống Nga Putin về nối lại đàm phán trực tiếp với Ukraine. Lập trường nhất quán của Việt Nam là ủng hộ giải quyết tranh chấp, bất đồng bằng các biện pháp hòa bình thông qua đối thoại, phù hợp luật pháp quốc tế và Hiến chương Liên hợp quốc, có tính đến lợi ích chính đáng của tất cả các bên liên quan, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển ở khu vực và trên thế giới”.
TTXVN