Buôn làng Jrai tiếc thương anh!
(Cadn.com.vn) - Sau gần 1 tháng kể từ ngày trung úy Nay Plong hy sinh trên đường làm nhiệm vụ, chuyện buồn này vẫn chưa nguôi ở các buôn, làng của xã Chư Gu (H. Krông Pa, Gia Lai)–nơi anh sinh ra và lớn lên. Trong căn nhà đơn sơ, ông Ksor Vái, bố đẻ của Trung úy Nay Plong thẫn thờ: “Từ khi nó ra đi, đêm nào mình cũng không ngủ được. Cứ nhắm mắt là thấy nó. Nhà mình có 8 người con thì nó được học nhiều nhất. Nó là đứa con ngoan, đi công tác đâu có gì ngon cũng mua về cho bố mẹ. Chiều hôm đó nó có ghé qua nhà mình nói phải về với vợ con, không ở lại ăn cơm tối, vậy mà nó bỏ mình đi luôn rồi...”.
Năm 2006, Nay Plong đi nghĩa vụ tại Phòng CSCĐ CA tỉnh Gia Lai. Vừa thực hiện nhiệm vụ, anh vừa tự học và năm 2010 thi đậu vào Trường CSND 2 tại Thủ Đức (TPHCM). Năm 2012 anh về công tác tại Đội CSĐT về TTXH CAH Krông Pa. Tuổi 30, trung úy Nay Plong chỉ vừa mới được làm cha hơn 1 năm nay. Anh ra đi khi đứa con gái mới 17 tháng tuổi đang bập bẹ gọi ba. Tìm đến nhà anh tại khu phố 7 (TT Phú Túc, H. Krông Pa), căn nhà nhỏ bé, xây đơn sơ, im ắng tiếng cười đùa. Trong nhà không có gì quý giá ngoài chiếc tivi cũ và chiếc tủ trở thành nơi để di ảnh Nay Plong và tấm bằng khen Huy chương Chiến sĩ vẻ vang hạng Ba. Chị Ksor H’Dịu, vợ anh trông vẫn còn tiều tụy vì đau buồn.
Cưới nhau từ năm 2013, thấy hoàn khó khăn của các con, bố mẹ vợ đã nhường lại ngôi nhà cho vợ chồng Nay Plong về ở. Đồng lương vợ chồng anh khá chật vật, khi sinh con gái đầu lại thêm khó khăn hơn nhưng họ rất hạnh phúc. “Em làm giáo viên ở xã Chư Drăng nên đi dạy xa, còn anh Plong vì nhiệm vụ nên cũng đi nhiều, vợ chồng ít gặp nhau. Hôm nào ở nhà, anh chơi đùa, quấn quýt bên con”-ôm đứa con gái vào lòng, chị H’Dịu kể... Chị vẫn chưa tin bữa cơm trưa ngày 21-10 cũng là bữa cơm cuối cùng của 2 vợ chồng chị.
“Trưa 21-10, em đi dạy ở xã Chư Drăng thì anh Plong cũng đang cùng đồng đội làm nhiệm vụ tại đây nên buổi trưa vợ chồng cùng về nhà bố mẹ ăn cơm. Anh cũng chỉ ăn vội rồi đi, dặn tối sẽ về. Thế mà... Đến 21 giờ, 2 mẹ con vẫn thức đợi anh về, em có gọi điện thoại nhưng anh không bắt máy mà chỉ nhắn lại: “Tí nữa ba về! Đợi ba...”. Sau đó em nhận được tin anh đã hi sinh vì bị bọn côn đồ tấn công”. Hung tin đó cũng lan nhanh tới những buôn làng Jrai nghèo. Đêm đó, trung úy Nguyễn Thành Trung, đồng đội đi công tác cùng Nay Plong cũng bị tấn công được chở đi cấp cứu tại Bệnh viện đa khoa tỉnh Phú Yên, còn Nay Plong thì không qua khỏi.
Chị Ksor H’Dịu (vợ anh Nay Plong) rơm rớm nước mắt bên con gái. |
Qua quá trình điều tra, CQCSĐT CA tỉnh Gia Lai đã ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can nhóm 24 đối tượng đều trú tại thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm, H. Krông Pa. Vào khoảng 20 giờ ngày 21-10, do mâu thuẫn, một số thanh niên thuộc thôn Cầu Đôi, xã Chư Rcăm bị nhóm thanh niên thôn Chư Đông, xã Chư Gu, H. Krông Pa chặn đánh, dùng dao chém vào 2 xe mô-tô gây hư hỏng nặng. Nuôi ý định trả thù, lúc 21 giờ cùng ngày, nhóm thanh niên thôn Cầu Đôi đã mang hung khí mai phục 2 bên đường Quốc lộ 25 (đoạn đường thuộc thôn Cầu Đôi), chặn đánh bất kỳ ai có biểu hiện nghi là thanh niên thôn Chư Đông đi ngang qua. Khi 2 chiến sĩ Trung và Plong điều khiển xe mô tô trên đường làm nhiệm vụ, ngang qua đoạn đường trên thì bị chúng tấn công...
Ngày tiễn đưa anh, hàng trăm bà con H. Krông Pa đã đến chào vĩnh biệt người con yêu dấu của buôn làng. Thượng tá Nguyễn Hồng Tuấn, Phó trưởng CAH Krông Pa, cho biết: “Trung úy Nay Plong từ khi nhận công tác luôn phát huy được ưu thế của người địa phương trong công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn H. Krông Pa, nơi có tới 68% là người dân tộc thiểu số. Chúng tôi sẽ phát động đến toàn thể cán bộ, chiến sĩ CAH noi gương và học tập tấm gương chiến đấu, hy sinh của đồng chí Nay Plong”.
M.T