Cá chết ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân
(Cadn.com.vn) - Ngày 5-5, trả lời báo giới về tình hình cá chết bất thường ở một số tỉnh miền Trung, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ - Người phát ngôn của Chính phủ cho biết: Việc hải sản chết tại một số tỉnh miền Trung vừa qua đã ảnh hưởng nghiêm trọng đến đời sống người dân, ảnh hưởng vệ sinh môi trường và du lịch. Thủ tướng, các Phó Thủ tướng Chính phủ đã quyết liệt chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương giải quyết vụ việc; tập trung vào những nội dung sau:
1. Yêu cầu Bộ TN&MT, Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các Bộ: KH&CN, Công an, Quốc phòng, Công Thương, Y tế, Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam khẩn trương, trong thời gian sớm nhất làm rõ nguyên nhân gây hải sản chết. Tuy nhiên, đây là vấn đề khoa học chuyên sâu, có tính liên ngành cao, Thủ tướng Chính phủ cũng đã giao Bộ trưởng Bộ KH&CN chủ trì, phối hợp với Chủ tịch Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam, các bộ, ngành và các cơ quan chức năng huy động lực lượng các nhà khoa học, kể cả các nhà khoa học nước ngoài khẩn trương, sớm kết luận nguyên nhân gây chết hải sản, bảo đảm khách quan, khoa học, độc lập.
2. Giao Bộ NN&PTNT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành, địa phương liên quan rà soát, thống kê, kịp thời trình Thủ tướng Chính phủ phương án hỗ trợ ngư dân và hộ kinh doanh hải sản bị thiệt hại; bảo đảm ổn định cuộc sống, không để người dân thiếu đói do phải ngừng nuôi trồng, khai thác hải sản, đặc biệt là các hộ gia đình chính sách, hộ nghèo, khó khăn và trường hợp bị thiệt hại nặng.
3. Bộ Công an chủ trì, phối hợp chặt chẽ với các bộ, ngành, địa phương liên quan tập trung điều tra, làm rõ các vi phạm về môi trường tại khu vực miền Trung; bảo đảm an ninh trật tự, an toàn xã hội, xác định các đối tượng tung tin xuyên tạc, lợi dụng để kích động phá hoại, gây rối an ninh trật tự, chống Đảng, Nhà nước; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.
4. Các bộ, ngành và địa phương trong cả nước tiến hành rà soát, tăng cường kiểm tra thanh tra công tác bảo vệ môi trường, bảo đảm đúng các quy định về xả thải và quan trắc môi trường. Giao Bộ TN&MT chủ trì phối hợp với các địa phương rà soát, kiểm tra tất cả các doanh nghiệp, khu công nghiệp xả thải ra môi trường biển, đặc biệt các cơ sở có tổng lượng thải lớn ra môi trường biển, bảo đảm khách quan, khoa học, đúng pháp luật, xử lý nghiêm vi phạm và khắc phục hậu quả. Khẩn trương báo cáo Thủ tướng Chính phủ về việc cấp phép, đánh giá tác động môi trường (ĐTM), giám sát hệ thống xả thải của Công ty TNHH Gang Thép Hưng Nghiệp Formosa, làm rõ trách nhiệm của cơ quan, cá nhân có liên quan; đồng thời triển khai ngay trạm quan trắc tự động từ điểm xả thải của nhà máy Formosa đến trạm quan trắc của Sở TN&MT Hà Tĩnh.
5. Giao các bộ, ngành và địa phương liên quan chỉ đạo thu gom, xử lý hải sản chết, bảo đảm vệ sinh môi trường; tăng cường thanh tra, kiểm tra các mặt hàng thủy hải sản, bảo đảm an toàn thực phẩm; nghiêm cấm vận chuyển, tiêu thụ, kinh doanh, sử dụng hải sản chết làm thực phẩm, nguyên liệu thức ăn chăn nuôi dưới mọi hình thức. Giao Bộ Y tế chủ trì, phối hợp với các Bộ: NN&PTNT, KH&CN, TN&MT và các cơ quan liên quan sớm xác định rõ độc tố (nếu có) trong các loại thủy hải sản ảnh hưởng đến sức khỏe con người; khuyến cáo người dân sử dụng thủy hải sản bảo đảm an toàn.
6. Giao Bộ Công Thương chủ trì cùng Bộ NN&PTNT và các địa phương chỉ đạo các doanh nghiệp kinh doanh, chế biến hải sản triển khai đồng bộ các giải pháp thu mua, tiêu thụ hải sản đánh bắt xa bờ đã được xác nhận bảo đảm an toàn. Thiết lập và công bố đường dây nóng trên các phương tiện thông tin đại chúng để tập trung chỉ đạo, tháo gỡ khó khăn kịp thời cho ngư dân.
7. Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng liên quan nghiên cứu phương án miễn, giảm, khoanh nợ, giãn nợ những khoản vay cũ và tiếp tục cho vay mới để ngư dân phát triển sản xuất.
8. Bộ TT&TT chỉ đạo các cơ quan báo chí thực hiện việc đưa tin trung thực, chính xác, khách quan, đúng định hướng, có cơ sở khoa học, đấu tranh phản bác các thông tin xuyên tạc, luận điệu sai trái, kích động nhằm ổn định tình hình, không gây tâm lý hoang mang trong dư luận. Động viên nhân dân tiếp tục khai thác hải sản xa bờ; phối hợp với các cơ quan liên quan cung cấp thông tin và truyền thông về sản phẩm hải sản an toàn, môi trường biển sạch, tiếp tục phát triển sản xuất kinh doanh và du lịch tại các tỉnh ven biển miền Trung.
9. Trên cơ sở ý kiến của Bộ KH&CN về nguyên nhân, giao Bộ TN&MT - là cơ quan phát ngôn về vấn đề này, báo cáo Thủ tướng Chính phủ xem xét xử lý nghiêm các vi phạm theo đúng quy định của pháp luật, không loại trừ bất cứ tổ chức, cá nhân nào.
Hiện nay, các bộ, ngành, cơ quan chức năng và các địa phương đang khẩn trương triển khai thực hiện chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ. Trong đó đã quyết định hỗ trợ khôi phục sản xuất vùng bị thiệt hại (theo Quyết định 49/2012/QĐ-TTg và Quyết định số 142/2009/QĐ-TTg); cấp 15kg gạo/nhân khẩu/tháng trong thời gian 1,5 tháng cho các hộ đánh bắt ven bờ và vùng lộng bị ảnh hưởng; hỗ trợ các tàu khai thác ven bờ không ra khơi được mỗi tàu 5 triệu đồng; hỗ trợ lãi suất tín dụng cho các hộ thu mua cá và dịch vụ nghề cá; hỗ trợ tiêu hủy cá chết.
B.T – Hải Lan
KHOẢNG 8 TẠ CÁ DẠT VÀO BỜ BIỂN Cùng ngày, tại TT-Huế, ông Hoàng Ngọc Khanh- Chánh Văn phòng UBND tỉnh TT-Huế cho biết, từ ngày 2 đến 5-5, trên địa bàn tỉnh lại xuất hiện tình trạng cá biển tự nhiên và cá nuôi bằng lồng của người dân chết bất thường. Theo ông Khanh, có 8 tạ cá chết trôi dạt vào bờ biển, chủ yếu là cá sống ở tầng đáy. Hiện tượng này xảy ra ở các xã Quảng Ngạn, Quảng Công (H. Quảng Điền), Hải Dương (TX Hương Trà) và Phú Thuận, Phú Hải, TT Thuận An (H. Phú Vang). Mặc dù đang xảy ra tình trạng cá chết bất thường nhưng tại các địa phương trên môi trường nước vẫn đảm bảo an toàn. Cụ thể, lực lượng chức năng ở tỉnh phối hợp với các cơ quan T.Ư tiến hành quan trắc chất lượng môi trường nước biển ven bờ tại mỗi bãi tắm, cửa biển và điểm lấy nước nuôi trồng thủy hải sản ven biển 2 lần/ngày. Kết quả quan trắc mới nhất trong ngày 5-5 cho thấy, chất lượng môi trường nước biển tại các xã đang xảy ra hiện tượng cá chết cũng như các khu vực khác trên địa bàn tỉnh đều nằm trong giới hạn cho phép theo Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về chất lượng nước biển. “Hiện chúng tôi đang yêu cầu các sở NN & PTNT, TN & MT phối hợp với các cơ quan T.Ư tìm nguyên nhân để xem cá nuôi chết có phải do tác động từ biển hay không. Nếu kết quả cho thấy do tác động từ biển thì phải có giải pháp để ngăn chặn kịp thời”- ông Khanh nói thêm. UBND tỉnh TT-Huế công bố số điện thoại đường dây nóng: 0903503832- cũng là số liên lạc của Chánh Văn phòng UBND tỉnh Hoàng Ngọc Khanh để người dân và chính quyền địa phương liên lạc, phản ánh thông tin liên quan đến cá chết. |