Cả xã khổ sở vì ông... bò tót
(Cadn.com.vn) - Chưa biết từ đâu đến nhưng kể từ khi được người dân nhìn thấy lần đầu cho đến nay đã một tháng trời, con vật được xem là bò tót nặng hơn 1 tấn chỉ quanh quẩn trong các khu rừng của xã Jơ Ngây, H. Đông Giang, tỉnh Quảng Nam. Gần 40 sào hoa màu của người dân bị bò tót "thu hoạch" hết đã đành, cuộc sống của bà con cũng bị đảo lộn. Khổ sở vậy nhưng chính quyền và người dân tại đây phải thay nhau túc trực và bảo vệ bò tót, không tới gần, không xung đột, không cho người lạ vào rừng để khỏi xảy ra sự cố đáng tiếc đối với con vật có thể là loài bò rừng lớn nhất trong tự nhiên.
"Nửa trâu, nửa bò"
Hôm nay nữa là chẵn một tháng ông Alăng Thiên - Phó chủ tịch UBND xã Jơ Ngây cùng chính quyền và người dân địa phương triển khai "chiến dịch" ứng phó với con vật mà những người già ở đây gọi là con Atắt. "Theo một vài người sống lâu ở mảnh đất này thì khoảng năm 1965 trong làng đã có một người đánh nhau với một con vật nửa giống trâu nửa giống bò. Họ gọi đó là con Atắt. Từ đó đến nay không ai thấy nó nữa. Con vật này xuất hiện vào ngày 10-3 ở thôn Phú Mưa và quanh quẩn trong vùng này từ đó đến giờ đen sì, ước chừng cả tấn, không phải trâu cũng không phải bò. Tui tra trên mạng thì thấy nó giống con bò tót", ông Alăng Thiên kể.
Nhiều người dân trong thôn Phú Mưa kể lại, chỉ trong vòng khoảng một tuần lễ hoa màu của họ gồm bắp, đậu, rau lang... bỗng nhiên bị ai đó "thu hoạch" hết. Sau đó một vài người thấy con vật to và đen phía trên đồi, nghĩ là trâu bò của thôn Brùa bên cạnh nên rủ nhau qua... bắt đền. Nhưng người dân và chính quyền thôn Brùa nhất quyết là không có con gì có hình thù và sức ăn khủng khiếp như vậy. Thế là đích thân ông Alăng Thiên quyết định triệu tập cả xã đội, dân quân, trưởng thôn và đại diện nhân dân phục kích để truy tìm thủ phạm phá hoại mùa màng.
Sau thời gian lần theo các bãi phân và dấu chân khác hẳn với trâu bò bình thường, cuối cùng thì "đội liên ngành" cũng mục sở thị được con vật lớn gấp 3 lần con bò bình thường, nhưng không phải trâu, cũng chẳng phải bò, lại có da đen chân trắng, nhìn rất hung dữ. "Lúc này ai cũng bảo đó là con bò tót. Chúng tôi gửi công văn lên UBND huyện và cơ quan Kiểm lâm để báo cáo tình hình. Rồi tập hợp 10 trưởng thôn, công an viên phân công người theo dõi, vừa bảo vệ hoa màu và cuộc sống của người dân vừa bảo vệ con vật. Chỉ xua đuổi, không tiếp cận, không tấn công nó. Bất cứ người lạ nào cũng không được lên đồi, vào rẫy. Chúng tôi sợ nó bị săn bắn lắm", ông Thiên cho biết.
Hình ảnh bò tót trong video clip do thầy Trung quay được. |
Cuộc sống đảo lộn
Dù tức lộn ruột vì hàng chục sào hoa màu đến hồi thu hoạch bị "nẫng" hết nhưng kể từ khi được cơ quan kiểm lâm kết luận nhiều khả năng đây là bò tót thì người dân địa phương quay ra tìm mọi cách để bảo vệ mình cũng như đảm bảo an toàn cho loài vật quý hiếm này. Ông Alăng Aroong (người dân thôn Phú Mưa) rầu rĩ: "Con Atắt nó ăn hết 3 sào rẫy của tui. Năm nay thì đói rồi. Tức lắm nhưng bà con bảo là không được đến gần nó, nó húc thì nguy hiểm lắm. Mà cán bộ nói mình phải bảo vệ nó nữa, vì nó quý hiếm".
Ông kể, có hôm người dân đang phát rẫy, ngửng mặt lên thì thấy nó lù lù cách mấy mét, mắt trắng dã, thế là cả nhóm vứt hết đồ đạc chạy trối chết. Còn bà Zơrâm Bích thì lo sợ kể rằng, từ khi biết nó là con Atắt, người dân các thôn trong xã đều đi làm từ sớm, làm qua trưa để giữa giờ chiều phải về. "Ai cũng phải về làng, về nhà trước 4 giờ chiều. Còn buổi tối không ai dám ra vườn hay đi vào gần rẫy nữa. Cuộc sống của bà con phải phụ thuộc vào nó rồi", bà Bích lo lắng. Theo người dân địa phương cũng như chính quyền xã Jơ Ngây, khác với thời gian đầu phải phân công người đi thành nhóm vào rừng để "rình" con vật thì những ngày gần đây, khoảng cuối giờ chiều, bò tót ngang nhiên đi về và ở lại rất lâu trên một khu rừng keo lá tràm tại thôn Sông Voi - vùng giáp ranh giữa xã Jơ Ngây và xã Ating, cách quốc lộ 14B chỉ khoảng 400-500 mét, ai cũng có thể nhìn thấy.
Thầy Lê Văn Trung - Phó hiệu trưởng Trường THCS bán trú Lê Văn Tám (xã Jơ Ngây), người đầu tiên quay được video clip về "con Atắt" cho biết, bây giờ người dân đứng xem ồn ào nó cũng không chạy nữa, càng ngày nó về càng gần khu dân cư. Bà con đang rất lo lắng vì chưa nghe chính quyền cũng như cơ quan Kiểm lâm có hướng giải quyết như thế nào.
Người dân xã Jơ Ngây phải đi làm qua trưa để chiều về sớm, tránh đụng bò tót |
Chưa quyết định phương án tái nhập đàn
Ngày 9-4, ông Phan Tuấn - Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm Quảng Nam cho biết, qua hình ảnh mà cơ quan này cung cấp, nhờ xác định, các chuyên gia của Đại học Quốc gia Hà Nội đã khẳng định và có kết luận đây là cá thể bò tót. Nhiều khả năng nó đã đi lạc từ Lào, qua nhiều khu rừng của vùng biên giới và đến địa phận xã Jơ Ngây trong thời gian qua. Kể từ khi có kết luận đây là bò tót, Chi cục Kiểm lâm đã điều động cán bộ từ Khu bảo tồn sao la (Tây Giang) về Jơ Ngây cùng kiểm lâm địa bàn, chính quyền và người dân sở tại triển khai các biện pháp bảo vệ con vật này.
Ông Tuấn cho biết, trước mắt cơ quan Kiểm lâm tham mưu UBND tỉnh Quảng Nam, H. Đông Giang tiến hành tuyên truyền, vận động người dân tránh xung đột với bò tót, tự bảo vệ mình và tài sản bằng cách xua đuổi từ xa. Về phương án tái nhập đàn, theo ông Tuấn, Chi cục Kiểm lâm tỉnh đã có công văn gửi Bộ NN&PTNT và các tổ chức quốc tế kêu gọi hỗ trợ kinh phí và chuyên gia triển khai các biện pháp để đưa con bò tót này về với môi trường sống của nó. "Sẽ có 3 phương án. Đầu tiên, nếu được sẽ đưa nó về lại vùng biên giới Việt - Lào. Thứ hai là đưa ra Quảng Trị để nó sống cùng các cá thể bò tót khác tại Khu bảo tồn thiên nhiên Bắc Hướng Hóa. Hoặc sẽ đề xuất phương án cho nhập đàn tại Rừng Quốc gia Nam Cát Tiên - nơi tồn tại đàn bò tót sinh sống trong điều kiện môi trường tự nhiên", ông Tuấn cho hay.
Theo ông Alăng Thiên thì đã tròn 1 tháng kể từ khi người dân phát hiện bò tót về phá rẫy, làm đảo lộn cuộc sống của bà con. Cũng đã ròng rã một tháng trời chính quyền địa phương mệt nhoài vì phải theo sát con vật để bảo vệ nó và tuyên truyền, trấn an bà con. Nhưng cho đến nay vẫn chưa có phương án khả dĩ nào để tái nhập đàn, trả lại cuộc sống hoang dã cho nó. "Người dân lo sợ khi đi làm đã đành, mà có trồng hoa màu lên cũng sẽ bị phá hết. Giờ đã có 36,5 sào gồm đậu, bắp, rau bị ngốn hết rồi. Dân kiến nghị hỗ trợ thì chúng tôi cũng chỉ mới thống kê chứ huyện chưa quyết. Còn xử lý nó làm sao, cả "đội liên ngành" cũng bó tay, chờ Chi cục Kiểm lâm song không nghe nói gì. Chẳng lẽ cả xã mất mùa, mất ăn, mất ngủ, cuộc sống đảo lộn miết chỉ vì một con bò", ông Thiên nói.
C.K