Các bị cáo cựu lãnh đạo SCB khai về sự “đặt để” của bà Chủ tịch Vạn Thịnh Phát

Thứ ba, 12/03/2024 15:42
Ngày 12-3, TAND TP Hồ Chí Minh tiếp tục xét xử sơ thẩm vụ án xảy ra tại Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, Ngân hàng Thương mại cổ phần Sài Gòn (SCB) và các công ty, đơn vị liên quan với phần tham gia xét hỏi của các luật sư.
Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn
Các Luật sư tham gia bào chữa cho các bị cáo trong vụ án.

Như đã thông tin, trong ngày xét xử 11-3, HĐXX và Viện kiểm sát đã xét hỏi xong các bị cáo. Đáng chú ý, bị cáo Trương Mỹ Lan cho rằng cáo trạng truy tố không đúng hành vi của mình, nhiều bị cáo khai không đúng sự thật về mình. Bị cáo Trương Mỹ Lan không thừa nhận 9 thủ đoạn, phương thức phạm tội mà VKSND Tối cao liệt kê.

Cụ thể, phủ nhận chỉ đạo thành lập, sử dụng các công ty "ma", câu kết với các đối tượng là chủ sở hữu, đại diện theo pháp luật của nhiều công ty để tạo lập khoản vay, chiếm đoạt tiền của SCB; tạo lập hồ sơ vay vốn khống để hợp thức việc rút tiền từ SCB; thông đồng, câu kết với công ty thẩm định giá để cấp chứng thư nâng khống giá trị tài sản bảo đảm, đưa vào hồ sơ vay vốn; đưa tài sản bảo đảm không đủ pháp lý… Ngoài ra, bị cáo Trương Mỹ Lan đã khai chính nhóm cựu lãnh đạo SCB đã tự tạo lập các khoản vay và mượn tài sản của Vạn Thịnh Phát đưa vào để thế chấp, rồi rút tiền của ngân hàng, không phải bị cáo Lan làm việc này.

Trái lại, trong phần trả lời xét hỏi của luật sư, các bị cáo trong nhóm cựu lãnh đạo SCB, gồm: Bùi Anh Dũng (cựu Chủ tịch HĐQT SCB); Võ Tấn Hoàng Văn (cựu Tổng Giám đốc SCB); Trần Thị Mỹ Dung (cựu Phó Tổng Giám đốc SCB) lại thể hiện rõ quyền lực thao túng của bị cáo Trương Mỹ Lan đối với ngân hàng này. Theo đó, các bị cáo cựu lãnh đạo SCB khẳng định, bị cáo Trương Mỹ Lan là người quyết định tại SCB; khi cần tiền, bà Lan sẽ tổ chức họp, chỉ đạo lập hồ sơ, giải ngân, và thực hiện các công việc liên quan. Về sổ, sách mặc dù bà Lan chỉ đứng 4,9% nhưng thực chất bị cáo Trương Mỹ Lan nắm phần phần lớn cổ phần SCB. Các cựu lãnh đạo SCB cũng khai nhận, bị cáo Trương Mỹ Lan thường triệu tập cuộc họp với lãnh đạo SCB để chỉ đạo giải ngân cho vay; những hồ sơ mà các bị cáo ký đều theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan...

Bị cáo Bùi Anh Dũng

Theo bị cáo Bùi Anh Dũng khai, quá trình làm việc tại SCB có biết rõ khoản vay nào là khoản vay của bị cáo Trương Mỹ Lan và Tập đoàn Vạn Thịnh Phát, vì hồ sơ này có ghi ký hiệu "HSTT" (hội sở tiếp thị). Đối với các khoản vay "HSTT", bị cáo Dũng khai chỉ ký hợp thức hồ sơ theo chỉ đạo của bị cáo Trương Mỹ Lan.

Bị cáo Trần Thị Mỹ Dung

Còn bị cáo Trần Thị Mỹ Dung thừa nhận hành vi giúp bị cáo Trương Mỹ Lan hợp thức 617 khoản vay, chiếm đoạt 200.690 tỷ đồng của SCB trong giai đoạn 2017-2022. Tuy nhiên, bị cáo Dung khẳng định không tham gia vào việc tìm người vay hay tạo lập công ty mà bị cáo chỉ yêu cầu cấp dưới thực hiện thủ tục hồ sơ vay. Theo đó, khi bị cáo Trương Mỹ Lan cần một số tiền để phục vụ nhiều mục đích thì Dung được chỉ đạo phối hợp với nhóm Vạn Thịnh Phát để lấy thông tin về cá nhân, pháp nhân đứng tên khoản vay, tài sản đảm bảo…

Khai về quyền chi phối của bị cáo Trương Mỹ Lan tại SCB, bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn kể, tháng 7-2013, được bị cáo Nguyễn Thị Thu Sương (cựu Chủ tịch HĐQT SCB) tuyển dụng vào làm việc với chức vụ Phó Tổng Giám đốc SCB. Sau đó, bị cáo Văn được sắp xếp gặp Trương Mỹ Lan và được thuyết phục giữ chức Tổng Giám đốc SCB.

Bị cáo Võ Tấn Hoàng Văn

Theo bị cáo Văn, có ý kiến của bị cáo Trương Mỹ Lan nên bản thân mới được bổ nhiệm làm Tổng Giám đốc SCB. “Sau đó, mỗi tháng bà Lan gọi cho bị cáo vài lần nói bâng quơ về việc cần một khoản tiền. Sau những cuộc gọi đó, bị cáo hiểu là phải thực hiện ký khống hồ sơ cho vay tiền”, bị cáo Văn khai.

T.H