Các địa phương khẩn trương ứng phó bão Nari

Thứ hai, 14/10/2013 15:24

(Cadn.com.vn) - Đà Nẵng: Sáng 14-10, UBND H. Hòa Vang đề ra các nhiệm vụ cấp bách để phòng chống cơn bão số 11 (bão Nari) và lũ lớn sau bão. Lãnh đạo từ huyện đến cơ sở phân công người trực 24/24 giờ, số còn lại cùng với các lực lượng CA, quân sự tăng cường chỉ đạo và giúp dân trong công tác phòng chống nhất là 4 xã miền núi cánh Bắc do địa hình hiểm trở lại sát địa bàn Q. Liên Chiểu nên ảnh hưởng bão rất lớn.

Riêng xã Hòa Liên có nhiều thôn nằm ở vùng trũng thấp, nhiều dự án đang thi công san lấp mặt bằng, ảnh hưởng đến hệ thống thoát nước, nên huyện yêu cầu các chủ đầu tư tiếp tục nạo vét kênh mương, khơi thông dòng chảy, tháo dỡ các ống cống lắp đặt trên các đường công vụ nhằm giải phóng và tăng lưu lượng nước từ các khu dân cư thoát ra sông; yêu cầu các chủ đầu tư khu Công nghệ cao phối hợp với địa phương khẩn cấp di dời 15 hộ dân xung quanh dự án; Cty Trung Nam khẩn trương lắp đặt tạm thời đường vượt cầu số 2 để sơ tán dân qua khu TĐC Hòa Liên 4 khi bị lũ cô lập…

Theo ông Đặng Phú Hành, Phó Chủ tịch UBND H. Hòa Vang, toàn huyện hiện có 5.299 hộ dân nằm trong vùng xung yếu phải di dời đến nơi an toàn; trong đó có 1.360 ngôi nhà có kết cấu không đảm bảo, 185 hộ dân trong vùng có nguy cơ sạt lở, lũ quét; số còn lại đều trong vùng trũng thấp. Để hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người và tài sản, các địa phương đã bố trí xong địa điểm cùng các vật dụng cần thiết cho 18.673 nhân khẩu trú bão lũ.

Mọi công tác chuẩn bị phải hoàn thành trước 16 giờ hôm nay.

Cty Trung Nam khẩn trương lắp đặt tạm thời đường vượt cầu số 2
để sơ tán dân qua Khu TĐC Hòa Liên 4.

V.H

+ Liên quan đến công tác phòng chống cơn bão số 11, ông Đoàn Ngọc Hiên, Phó Giám đốc Đài thông tin Duyên hải Đà Nẵng (DaNangRadio) cho hay, từ ngày 12-14-10, Đài TTDH Đà Nẵng cùng hệ thống Đài TTDH Việt Nam liên tục phát tin liên quan đến cơn bão với 132 phiên/ngày, trong đó trên tần số 7906 KHz là 96 phiên 1 ngày (15 phút/1phiên), tần số 8294 KHz 36 phiên/1ngày.

Những bản tin thực hiện phát với nội dung tin bão gần biển đông; tin bão trên biển đông; tin bão gần bờ và tin bão khẩn cấp. Cũng theo ông Hiên, hiện công tác kiểm tra, chằng chống, bảo đảm cơ sở vật chất phục vụ thông tin liên lạc như nhà trạm, anten, nguồn điện dự phòng, thiết bị thu phát và phân công trực khai thác, kỹ thuật đã được hệ thống đài hoàn thành từ trưa 14-10.



Ngư dân Đà Nẵng tất bật chằng chống tàu thuyền và đưa phương tiện
đánh bắt lên bờ tại vịnh Mân Quang và đường Hoàng Sa

Quảng Nam:

Sáng 14-10, tại cuộc họp trực tuyến về phòng chống cơn bão số 11, lãnh đạo tỉnh Quảng Nam yêu cầu các đơn vị quản lý các hồ chứa thủy điện trên địa bàn thực hiện nghiêm quy trình xả lũ.

Trước đó vào sáng ngày 13-10-2013, Ban Chỉ huy PCBL tỉnh Quảng Nam đã có Công văn yêu cầu thủy điện Đắk Min 4, thủy điện A Vương xả nước đón lũ, đồng thời, thực hiện xả lũ trước khi có mưa lớn trên diện rộng, thông tin về việc xả lũ phải kịp thời, chính xác và đầy đủ để hạn chế đến mức thấp nhất mức ảnh hưởng cho nhân dân vùng hạ lưu.

Ông Phan Đức Tính, Phó Chủ tịch UBND H. Đại Lộc cho biết, sáng 14-10, địa phương đã được các nhà máy thủy điện thông báo, thủy điện Đắk Min bắt đầu xả lũ vào lúc 9 giờ 30, với dung lượng 300 m3/giây, từ 13 giờ cùng ngày sẽ xả lên mức 500m3/giây và tục xả với dung lượng từ 500m3 lên 1.000m3/giây.

Thủy điện A Vương bắt đầu xả lũ từ lúc 13 giờ ngày 14-10 với dung lượng từ 300 đến 700m3/giây tùy theo diễn biến của tình hình mưa lũ… Hiện mực nước ở hầu hết các hồ chứa thủy điện trong tỉnh đều ở mức trung bình và cao.

Theo thông tin từ BĐBP Quảng Nam, đến trưa ngày14-10-2013, tất cả các phương tiện hành nghề trên biển đều đã tìm được nơi trú ẩn an toàn. Đến thời điểm này, toàn tỉnh có 73 chiếc tàu đánh cá với 2.230 lao động đang hành nghề ở ngư trường xa bờ nhưng tất cả các phương tiện đã neo trú an toàn tại quần đảo Trường Sa.

BĐBP Quảng Nam nhắc nhở các chủ tàu thuyền tìm nơi trú ẩn an toàn

H.T

+ Tại Núi Thành, ngay sau cuộc họp khẩn, chiều 14-10, UBND huyện có Công vân chỉ đạo các biện pháp quyết liệt đối phó với bão. Theo đó, Đài truyền thanh huyện và Trạm Truyền thanh các xã, thị trấn đưa tin vào đầu giờ, định kỳ mỗi giờ một lần về tình hình và diễn biến bão, lũ và chỉ đạo của cấp trên để nhân dân biết, chủ động phòng tránh.

Chủ tịch UBND 17 xã, thị trấn chủ động triển khai ngay phương án phòng, chống lụt, bão theo phương châm 4 tại chỗ, chỉ đạo tổ chức chèn chống nhà ở, trụ sở làm việc, công trình công cộng, kiểm tra, rà soát, bổ sung việc dự trữ lương thực, các mặt hàng thiết yếu, nhất là ở những vùng dễ bị cô lập như thôn Long Thạnh Tây, Xóm Chùa, Xóm Gành, Xuân Mỹ (xã Tam Hải), thôn Đồng Vẹt, Tiến Thành, Cù Lao, Tú Phong (xã Tam Tiến), thôn Xuân trì (xã Tam Anh Nam), Vũng Lắm (xã Tam Anh Bắc), Xóm Dệnh (xã Tam Nghĩa), thôn Phú Tân (xã Tam Xuân 1)...

Các phương án sơ tán dân ở huyện Núi Thành triển khai hoàn tất trước 17 giờ hôm nay.

UBND huyện cũng nghiêm cấm các tuyến đò ngang hoạt động kể từ chiều ngày 14-10 cho đến khi nhận được tin cuối cùng về cơn bão.

V.P

TT-Huế: Sáng 14-10, Đoàn kiểm tra Ban PCLB&TKCN T.Ư do Phó ban Chỉ đạo Thường trực, Bộ trưởng Bộ NN&PTNT- Cao Đức Phát và lãnh đạo Quân Khu 4 đã về kiểm tra tình hình sạt lở biển tại các xã: Vinh Giang, Vinh Hiền, Vinh Hải (H. Phú Lộc) và âu thuyền tránh bão tại xã Phú Thuận (H. Phú Vang.

Sau khi thị sát, Bộ trưởng Cao Đức Phát yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế phải quyết liệt hơn nữa, khẩn trương di dời 3.500 hộ dân ở các vùng sạt lở biển, những điểm xung yếu đến nơi an toàn. Công tác di dời phải hoàn thành ngay trước cuối giờ chiều nay. Ngoài ra, các lực lượng bộ đội, CA… cần khẩn trương giúp dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền an toàn, tránh va đập gây thiệt hại về tài sản.

Tại cuộc họp khẩn với lãnh đạo tỉnh TT-Huế vào trưa cùng  ngày, Bộ trưởng Cao Đức Phát đề nghị địa phương tăng cường hơn nữa công tác thông tin qua hệ thống truyền thanh của các xã, nhất là các xã bãi ngang ven biển, giúp người dân thấy rõ tác hại của bão để có sự đề phòng.

Thiếu tướng Nguyễn Tấn Cương, Phó Tư lệnh, Tham mưu trưởng Quân khu 4 cho biết, hiện Quân khu đã sẵn sàng điều động toàn bộ lực lượng vào Quảng Trị; TT-Huế để giúp người dân chống bão. Tính đến sáng 14-10, lực lượng BĐBP tỉnh đã kêu gọi hơn 1.820 phương tiện tàu thuyền vào bờ trú ẩn an toàn, hiện không còn phương tiện đánh bắt nào trên khu vực biển TT-Huế. Tỉnh đã dự trữ 100 tấn gạo, 100 tấn mì ăn liền, 230 ngàn lít xăng dầu...

Do trời mưa to, đường trơn nên sáng ngày 14-10, trên QL 1A qua địa bàn tỉnh đã xảy ra 2 vụ lật xe khách. Vào lúc 7 giờ 30, khi đang lưu thông từ Quảng Bình vào Đà Nẵng khi qua địa bàn thị trấn Phong Điền (H. Phong Điền), xe khách BKS 73B-00158 đã bị lật nhào.

Lực lượng CSGT CA tỉnh và CAH Phong Điền nhanh chóng có mặt tại hiện trường để điều tiết giao thông và đưa người đi cấp cứu. Theo CAH Phong Điền, trên chiếc xe này, có 5 trong tổng số 10 hành khách bị thương hiện đang được điều trị tại BV Đa khoa tỉnh TT-Huế. Hiện, cơ quan chức năng đang xác minh danh tính của những người bị thương. Cùng thời điểm này, cách đó khoảng 1km, xe tải BKS đang lưu thông hướng Nam- Bắc cũng bị lật; rất may, tài xế và phụ xe chỉ bi xây xát nhẹ.

Trong một diễn biến khác, sáng 14-10, Chủ tịch UBND tỉnh TT-Huế Nguyễn Văn Cao đã kiểm tra Nhà máy thủy điện Hương Điền (đóng tại thị xã Hương Trà). Và đã lập biên bản vi phạm đối với nhà máy này vì đã không chấp hành đúng yêu cầu của UBND tỉnh và công điện của Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh về việc điều tiết xả nước hồ thủy điện.

Ông Trần Kim Thành, Phó Trưởng Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh TT-Huế cho biết, lúc 15 giờ chiều 13-10, Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh đã yêu cầu nhà máy thủy điện Hương Điền xả nước xuống mức 56m để đón lũ nhưng  mực nước kiểm tra vào lúc 9 giờ 14-10 là 57,9m.

Thủy điện Hương Điền xả nước sau khi Đoàn kiểm tra của UBND tỉnh làm việc
và lập biên bản (ảnh chụp trưa 14-10).

H.L

Hà Tĩnh: Đến đầu giờ chiều 14-10 trên địa bàn Hà Tĩnh chưa có biến động gì về cơn bão số 11 nhưng để chủ động trước diễn biến của cơn bảo, lãnh đạo chính quển, người dân các huyện ven biển Hà Tĩnh đã chủ động các phương án đối phó với bão.

Theo đó các địa phương ven biển gồm: Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên và Kỳ Anh đã ra quân gia cố các tuyến đê kè ven sông, ven biển và các hồ đập mất an toàn.  Các địa phương cũng triển khai các phương án đảm bảo an toàn cho các hồ nuôi trồng thủy sản, có kế hoạch sơ tán dân vùng xung yếu.

Tại H. Lộc Hà đã huy động hơn 1.000 người gồm các lực lượng quân đội, CA, BĐBP, người dân địa phương cùng ô-tô, hàng ngàn bao tải cát để tiến hành đắp, gia cố tuyến kè chắn sóng biển ở xã Thạch Kim.

CAH Lộc Hà và các lực lượng chức năng khác giúp người dân xã Thạch Kim – Lộc Hà – Hà Tĩnh
neo chống nhà cửa đối phó với bão.

Cũng trong sáng ngày 14-10, ông Bùi Lê Bắc- Chánh Văn phòng Thường trực BCH PCLB tỉnh Hà Tĩnh cho biết, từ chiếu tối qua (13/10), toàn bộ 3.898 tàu cá với 14.145 lao động của Hà Tĩnh đã nắm được thông tin về bão số 11 và đang vào bờ trú ẩn...

Ông Bắc cho biết thêm, trước xu hướng bão có khả năng đổ bộ từ Quảng Trị đến Quảng Ngãi, các địa phương ven biển Hà Tĩnh cần chủ động sơ tán ở các khu vực nhạy cảm như: Cồn Gò (Cẩm Nhượng - Cẩm Xuyên), Thạch Kim..., sau đó, tuỳ tình hình diễn biến của bão để quyết định sơ tán số lượng nhân khẩu theo 3 kịch bản: bão cấp 8, cấp 9, tổ chức sơ tán 2.967 hộ với 10.574 nhân khẩu; bão cấp 10, cấp 11, tổ chức sơ tán 6.763 hộ với 22.465 nhân khẩu; bão cấp 12 trở lên, tổ chức sơ tán 14.280 hộ với 50.240 nhân khẩu.

Về an toàn đê điều và hồ chứa, hiện nay hầu hết các hồ chứa đã tích đầy nước, nếu tiếp tục mưa lớn thì nguy cơ mất an toàn đập là rất cao, đặc biệt là một số hồ chứa nhỏ đã xuống cấp. Đối với các hồ có cửa điều tiết sâu như: Kẻ Gỗ, Sông Rác, Kim Sơn, Sông Trí và Tàu Voi, cần tính toán và chủ động xả lũ đảm bảo đúng quy trình được duyệt; đặc biệt là tập trung cho điều tiết xả lũ liên hồ Kẻ Gỗ - Bộc Nguyên.

Để đảm bảo an toàn một số vị trí đê điều xung yếu như: đê biển thôn Long Hải (Thạch Kim), Hữu Phủ (Thạch Hà), Cẩm Hà - Cẩm Lộc (Cẩm Xuyên), đê Phúc - Long - Nhượng đang thi công, cần tập trung gia cố, xử lý kịp thời trước bão số 11...

V.T