Các nhà lãnh đạo Châu Âu thể hiện sự ủng hộ đối với Ukraine

Thứ sáu, 17/06/2022 15:36
Sáng 16-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Thủ tướng Italia Mario Draghi đã tới thủ đô Kiev của Ukraine bằng tàu hỏa, động thái thể hiện sự ủng hộ của một châu Âu đoàn kết đối với Ukraine.
Từ trái qua phải: Thủ tướng Italia Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trên chuyến tàu đến Ukraine ngày 16-6. Ảnh: AFP
Từ trái qua phải: Thủ tướng Italia Mario Draghi, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, Thủ tướng Đức Olaf Scholz trên chuyến tàu đến Ukraine ngày 16-6. Ảnh: AFP

Người dẫn chương trình bản tin buổi sáng của kênh truyền hình RaiNews24 thông báo: "Các nhà lãnh đạo của ba nước châu Âu đã ở lãnh thổ Ukraine". RaiNews24 cũng đăng tải bức ảnh cho thấy các ông Draghi, Macron và Scholz đang nói chuyện tại một chiếc bàn trên tàu hỏa. Cả 3 nhà lãnh đạo đã cùng đi chuyến tàu đêm qua biên giới Ba Lan tới thủ đô Kiev của Ukraine.

Ngay khi đặt chân xuống ga tàu, Tổng thống Macron cho biết họ sẽ tới thăm những địa điểm bị tấn công. "Đây là một thời khắc quan trọng. Nó thể hiện thông điệp của một châu Âu đoàn kết hướng về người Ukraine", nhà lãnh đạo phát biểu trước các phóng viên tại sân ga. Tổng thống Macron cho biết các nhà lãnh đạo sẽ gặp mặt Tổng thống Ukraine cùng các quan chức cấp cao nước này bàn về "hiện tại và tương lai" của Ukraine.

Đây là chuyến thăm đầu tiên của 3 nhà lãnh đạo Pháp, Đức và Italia tới Kiev kể từ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự ở Ukraine cuối tháng 2. Chuyến thăm là "một thông điệp đoàn kết và ủng hộ của châu Âu đối với Ukraine, là một thông điệp về hiện tại và tương lai bởi vì chúng tôi biết những tuần tới sẽ rất khó khăn", Tổng thống Pháp Macron cho biết. Chuyến thăm được cho là mang tính biểu tượng vì ba cường quốc Tây Âu này thường xuyên phải đối mặt với những lời chỉ trích do không cung cấp cho Ukraine các loại vũ khí quy mô theo yêu cầu cũng như luôn sẵn lòng trò chuyện với Tổng thống Nga Vladimir Putin. Về phần mình, Ukraine hy vọng chuyến thăm có thể đánh dấu một bước ngoặt bằng cách mở rộng con đường tiếp cận các nguồn cung cấp vũ khí mới một cách đáng kể.

Đón tiếp các nhà lãnh đạo châu Âu tới Ukraine, Phó Thủ tướng Ukraine Iryna Vereshchuk cho hay bà không mong đợi "những tuyên bố lạc quan" từ chuyến thăm của các nhà lãnh đạo. "Tôi không chắc sẽ có những tuyên bố tươi sáng sau cuộc gặp, song bất kể cuộc gặp kết thúc như thế nào, đây sẽ là cuộc gặp lịch sử mở đường cho một châu Âu mạnh mẽ hơn hoặc cho một Ukraine kiên cường hơn. Ba nhà lãnh đạo châu Âu đến Ukraine ngay giữa cuộc chiến tổng lực. Đó là một tín hiệu tuyệt vời giúp củng cố Ukraine và châu Âu", bà Vereshchuk nói. Phó Thủ tướng Vereshchuk cho biết có "hai câu hỏi quan trọng" cần đặt ra cho các nhà lãnh đạo. "Làm thế nào để chấm dứt chiến tranh và làm thế nào để Ukraine bước sang một trang mới cũng như mở ra con đường vào Liên minh châu Âu", bà nêu rõ.

Chuyến thăm diễn ra trước thời điểm các nhà lãnh đạo Liên minh châu Âu (EU) chuẩn bị đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến việc xin gia nhập EU của Ukraine vào ngày 23 đến 24-6 tới và trước thềm Hội nghị thượng đỉnh của NATO trong hai ngày 29,30-6 tại Madrid. Cũng trong ngày 16-6, các bộ trưởng quốc phòng NATO sẽ họp tại Brussels để cân nhắc viện trợ quân sự thêm cho Ukraine.

Trước đó một ngày, phát biểu với nhật báo Bild, Thủ tướng Đức Olaf Scholz cam kết sự ủng hộ lâu dài đối với Ukraine. Ông Scholz nêu rõ: "Chúng tôi không chỉ muốn thể hiện sự đoàn kết mà còn đảm bảo rằng, sự giúp đỡ của chúng tôi về tài chính, nhân đạo và có thể là vũ khí sẽ tiếp tục. Chúng tôi sẽ tiếp tục ủng hộ Ukraine chừng nào cần thiết để chống lại Nga". Cũng trong ngày 15-6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã bày tỏ quan điểm cứng rắn hơn đối với Nga nhằm xoa dịu những lo ngại của Ukraine và một số đồng minh châu Âu về lập trường trước đây của ông đối với Moscow. Nhà lãnh đạo nêu rõ: "Chúng tôi sẽ làm mọi việc để ngăn chặn các lực lượng của Nga, giúp đỡ người dân, quân đội Ukraine và tiếp tục đàm phán".

Hôm 14-6, trong chuyến công du tới Romania và Moldova, Tổng thống Macron cho hay "thông điệp ủng hộ" phải được gửi tới Ukraine trước khi các nguyên thủ quốc gia và chính phủ EU "phải đưa ra các quyết định quan trọng" tại cuộc họp ở Brussels. "Chúng ta đang ở trong một thời điểm mà chúng ta cần gửi những tín hiệu chính trị rõ ràng - chúng ta, những người châu Âu, Liên minh châu Âu - tới Ukraine và người dân Ukraine", nhà lãnh đạo nhấn mạnh.

Tổng thống Pháp được cho là nhân vật tham gia tích cực vào các nỗ lực ngoại giao nhằm thúc đẩy một lệnh ngừng bắn ở Ukraine, mở cánh cửa cho các cuộc đàm phán hòa bình trong tương lai. Ông thường xuyên thảo luận với người đồng cấp Zelensky cũng như nhiều lần điện đàm với Tổng thống Nga Vladimir Putin kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự đặc biệt vào cuối tháng 2.

AN BÌNH