Các nước Arab “hóa giải” khủng hoảng Lebanon
Ngoại trưởng Saudi Arabia và các nước Arab khác tổ chức họp khẩn tại Cairo, Ai Cập để thảo luận về “Iran và nhóm đồng minh Hezbollah của Tehran ở Lebanon” trong bối cảnh khủng hoảng chính trị giữa các bên chưa có dấu hiệu lắng dịu.
Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (phải) tiếp đón Thủ tướng Lebanon Saad Hariri tại Điện Elysee hôm 18-11. Ảnh: EPA |
Căng thẳng khu vực giữa Saudi Arabia theo dòng Hồi giáo Sunni và Iran theo dòng Shiite gia tăng trong những tháng gần đây, đặc biệt là do vấn đề Yemen, Qatar và mới đây nhất là tuyên bố từ chức bất ngờ của Thủ tướng Lebanon Saad Hariri.
Ông Hariri tuyên bố từ chức tại Riyadh, thủ đô của Saudi Arabia, viện dẫn nỗi lo sợ bị ám sát và buộc tội Iran và Hezbollah truyền bá xung đột trong thế giới Arab. Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, có nhiều bí mật ẩn chứa trong tuyên bố từ chức này. Theo một số người, động thái từ chức này là do chính quyền Riyadh dàn xếp, trong khi ông Hariri bị Saudi Arabia bắt làm con tin. Giới chức Lebanon cũng khẳng định như vậy, khiến mối quan hệ giữa Beirut và Riyadh liên tục nổi sóng trong những ngày qua.
Và Saudi Arabia cùng ngoại trưởng các nước Arab khác đã quyết định tổ chức cuộc họp khẩn tại Cairo, Ai Cập trong ngày 19-11 để tìm cách giải bài toán này.
Lebanon tẩy chay
Theo Reuters, cuộc họp khẩn các ngoại trưởng Arab được triệu tập theo yêu cầu của Saudi Arabia với sự ủng hộ của Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE), Bahrain, Kuwait và Djibouti, quốc gia hiện đang giữ chức Chủ tịch luân phiên của AL. Mục đích chính của cuộc họp là thảo luận phương thức đối phó với Iran.
Hồi tuần trước, ngoại trưởng Saudi Arabia Adel Jubeir nói với Reuters rằng, hành động họ ở Trung Đông chỉ là phản ứng lại cái mà ông gọi là “xâm lược” của Iran. Ông Hossam Zaki, Thư ký Trợ lý Liên đoàn Arab (AL) nói với tờ Asharq al Awsat rằng, điều mà Iran đang làm với một số nước Arab đòi hỏi nhiều hơn một biện pháp để ngăn chặn. Iran mạnh mẽ bác bỏ những cáo buộc này. Hơn một thập kỷ qua, giới chính trị tại Lebanon bị chia rẽ nghiêm trọng giữa một bên là phong trào Hồi giáo Hezbollah do Iran hậu thuẫn cùng các đồng minh và một bên là liên minh được Saudi Arabia ủng hộ do Thủ tướng Hariri đứng đầu.
Tuy nhiên, ngoại trưởng Lebanon đã tuyên bố không tham dự cuộc họp bất thường này theo yêu cầu của Saudi Arabia. Theo đó, đại diện Lebanon có mặt tại cuộc họp là Antoine Azzam, đại diện thường trực của nước này tại AL.
Thủ tướng Hariri vẫn quyết định từ chức?
Sau chuyến dừng chân tại Saudi Arabia vốn dẫn đến nhiều lo ngại về một cuộc khủng hoảng chính trị mới tại Lebanon, Thủ tướng Hariri đã đến Pháp hôm 18-11 và gặp Tổng thống nước chủ nhà Emmanuel Macron.
Đây là lần xuất hiện đầu tiên của ông Hariri ở ngoài Saudi Arabia, kể từ sau khi ông bất ngờ tuyên bố từ chức hôm 4-11. Pháp có quan hệ lâu năm với Lebanon và Tổng thống Macron đã đề nghị làm trung gian hòa giải cho cuộc khủng hoảng tại quốc gia Trung Đông này. Tại Paris, ông Hariri nhấn mạnh, ông sẽ trở lại Beirut vào ngày 22-11 tới. “Tôi sẽ tham dự lễ quốc khánh Lebanon (22-11)”, ông nói trong cuộc họp báo ngắn được truyền hình từ Điện Elysee sau cuộc gặp với Tổng thống Macron.
Tuy nhiên, sự trở về này lại đánh dấu chương mới trong bộ phim chính trị kỳ quặc đã đẩy Lebanon vào cuộc chiến giữa Saudi Arabia và Iran khi ông Hariri tuyên bố: “Các bạn biết tôi đã nộp đơn từ chức và... ở Lebanon, chúng ta sẽ lại nói về điều này”. Nỗi lo của Lebanon chưa dừng lại ở đó. Một chuyên gia cho rằng nước này có thể phải đối mặt với các lệnh trừng phạt kinh tế từ các quốc gia Arab nếu mọi việc vượt tầm kiểm soát. Theo các nguồn tin chính trị, các lệnh trừng phạt tiềm tàng mà các nước Arab có thể áp dụng chống lại Lebanon bao gồm cấm bay, ngừng cấp thị thực cho công dân Lebanon, ngừng xuất hàng hóa vào thị trường quốc gia Trung Đông này cũng như cấm chuyển kiều hối về nước.
KHẢ ANH