Các nước châu Âu chạy đua cứu trợ lũ lụt

Thứ năm, 22/07/2021 17:22

Các quốc gia Châu Âu ngày 21-7 đang gấp rút chạy đua với thời gian để khắc phục hậu quả của đợt lũ lụt được xem là "trăm năm có một" trong tuần qua, vốn khiến hàng trăm người thiệt mạng, phá hủy nhiều cơ sở hạ tầng thiết yếu và đẩy người dân rơi vào tình cảnh hỗn loạn chưa từng thấy.

Đường phố ở Bad Neuenahr-Ahrweiler, bang Rhineland-Palatinate, Đức hôm 20-7 sau khi lũ rút. Ảnh: Reuters

Theo tờ SCMP, hôm 20-7, các tình nguyện viên của Hội Chữ thập đỏ và dịch vụ khẩn cấp ở Đức đã đến các khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Lực lượng chức năng gấp rút dọn dẹp các đống đổ nát, sửa chữa đường ống và cung cấp nước uống an toàn cho người dân. Giới chức cũng triển khai xe chở vaccine lưu động đến các vùng bị tàn phá bởi lũ lụt, trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng khẩn cấp về y tế cộng đồng.

Trận lũ lụt lịch sử tại Đức vào tuần trước đã khiến ít nhất 170 người thiệt mạng, phá hủy nhiều dịch vụ thiết yếu ở những ngôi làng thuộc thị trấn Ahrweiler, bang Rheinland-Pfalz và khiến hàng nghìn người dân mất nhà cửa, không có nước uống, nước sinh hoạt và mất điện. "Chúng tôi không có nước, không có điện và ga. Nhà vệ sinh cũng không sử dụng được, cũng không thể tắm...Tôi đã gần 80 tuổi nhưng chưa từng trải qua bất kỳ tình cảnh nào như thế này", Ursula Schuch, một dân làng cho biết.

Tại làng Dernau, cô Carina Dewald cho biết đã mất tất cả khi lũ lụt tàn phá khu vực này. Trạm xăng nơi cô và chồng làm quản lý đã bị san phẳng trong khi ngôi nhà của gia đình cô cũng bị tàn phá nặng nề khi nước sông Ahr dâng lên đến cửa sổ tầng 1. Hầu hết người dân ở Dernau, một ngôi làng với 1.800 người ở vùng thung lũng Ahrweiler, lo rằng, phải mất vài tháng nữa cuộc sống mới bắt đầu trở lại bình thường. Tại nhiều khu vực ở vùng Tây Nam nước Đức, người dân và các nhân viên cứu trợ đang phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn sau khi nước lũ rút đi do những lo ngại về nhiều dịch bệnh khác bùng phát ngoài mối lo COVID-19.

Không ai có thể ngờ rằng ở một nơi thịnh vượng tại một trong những quốc gia giàu có nhất thế giới, người dân lại phải đối mặt với tình cảnh hỗn loạn như vậy. Đặc biệt, rất ít người có thể thực hiện các biện pháp phòng ngừa virus trong hoàn cảnh này. Do đó, chính phủ Đức đã mở chiến dịch tiêm chủng lưu động trong khu vực. Olav Kullak, Giám đốc Điều phối vaccine trong khu vực cho biết: "Mọi thứ đã bị phá hủy trong nước lũ nhưng virus thì không. Do mọi người phải cùng nhau khắc phục hậu quả của lũ lụt, không thể tuân thủ bất kỳ quy tắc phòng dịch nào, nên ít nhất chúng tôi phải nỗ lực bảo vệ họ tốt nhất bằng việc tiêm vaccine".

Chi phí khắc phục thảm họa thiên nhiên tồi tệ nhất trong gần 60 năm ở Đức ước tính sẽ đè nặng lên chính phủ. Hôm 18-7, đến thăm hiện trường các khu vực bị lũ lụt tàn phá nghiêm trọng ở miền tây nam nước Đức, Thủ tướng Đức Angela Merkel khẳng định sẽ nhanh chóng tung ra các gói tài chính trị giá nhiều tỷ EUR nhằm trợ giúp người dân và tái thiết cơ sở hạ tầng tại các vùng vừa bị lũ lụt tàn phá.

Trong khi đó, tại Bỉ, nơi ghi nhận ít nhất 31 người đã thiệt mạng và hàng trăm người đang mất tích, các khu vực bị lũ lụt đã "thoát khỏi tình trạng nguy hiểm". Trung tâm chống khủng hoảng liên bang Bỉ cho biết, công tác tìm kiếm nạn nhân vẫn tiếp tục và mối quan tâm lớn nhất lúc này là thiếu nước sinh hoạt ở một số khu vực bị ảnh hưởng nặng nề nhất. Tuy nhiên, một trong những thách thức lớn nhất đối với chính quyền các địa phương hiện nay là xử lý hàng tấn rác thải tích tụ sau trận lũ lụt lịch sử.

KHẢ ANH