Các trung tâm ứng dụng KH&CN hoạt động kém hiệu quả
(Cadn.com.vn) - Hoạt động ứng dụng tiến bộ khoa học và công nghệ (KH&CN) vào thực tiễn trong năm vừa qua đối với hệ thống các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN...
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho biết, việc đẩy mạnh ứng dụng và phát triển KH&CN tại các vùng, địa phương là một trong những định hướng, nhiệm vụ chủ yếu được đặt ra trong Nghị quyết Trung ương 6 Khóa XI về phát triển KH&CN. Đặc biệt khi Việt Nam tham gia Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), hoạt động đổi mới, ứng dụng và phát triển KH&CN càng cần đẩy mạnh để hỗ trợ cũng như nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp. Vì vậy, để đẩy mạnh hoạt động ứng dụng tiến bộ KH&CN vào thực tiễn, các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các tỉnh, thành phố cần tiếp tục có các biện pháp tăng cường tiềm lực, nâng cao hiệu quả hoạt động, lựa chọn, ứng dụng các kết quả nghiên cứu tiến bộ mới cho doanh nghiệp nhằm mang lại hiệu quả KT-XH ở địa phương.
Cũng theo Thứ trưởng Trần Văn Tùng, thúc đẩy hoạt động ứng dụng KH&CN tại địa phương “trông chờ” vào các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN tại các tỉnh, thành phố, vì vậy, các Trung tâm phải trở thành địa chỉ tin cậy, là cầu nối giữa doanh nghiệp, người dân để đưa các thành tựu KH&CN vào sản xuất, nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh. Đồng thời, các cơ quan quản lý phải nắm bắt được tình hình ứng dụng, chuyển giao, đổi mới công nghệ và nhu cầu của địa phương để qua đó hoàn thiện hệ thống cơ chế, chính sách và xây dựng các Chương trình, nhiệm vụ hỗ trợ phù hợp, hiệu quả cho các Trung tâm.
Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng |
Nói về nguyên nhân hoạt động kém hiệu quả, không đạt được mục tiêu đề ra, ông Hồ Ngọc Luật, Vụ trưởng Vụ KH&CN địa phương (Bộ KH&CN) cũng cho rằng: Các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN của các địa phương chưa thực hiện được vai trò kết nối giữa những nhà nghiên cứu với khối sản xuất kinh doanh và người dân. Phần lớn các Trung tâm chưa được đầu tư đồng bộ, đầy đủ để thực hiện các yêu cầu, nhiệm vụ được giao. Nhiều Trung tâm vẫn là nhà cấp 4 hay thậm chí phải thuê chỗ làm việc, không có nhà xưởng, trạm, trại thực nghiệm, thiết bị lạc hậu... Bên cạnh đó, nhân lực KH&CN còn thiếu và yếu, thiếu chuyên môn về công nghệ - chuyển giao công nghệ.
Theo đại diện nhiều Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN, hoạt động của các Trung tâm tương đối giống như hoạt động của doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh khi phải lo đầu vào, lo hoạt động nội tại bên trong và đầu ra cho sản phẩm. Trong khi, mô hình Trung tâm khác doanh nghiệp nên gặp nhiều khó khăn. Ngoài ra, Trung tâm được xác định là mô hình hoạt động công ích, nhằm hỗ trợ, kết nối nhà khoa học - doanh nghiệp - người dân phục vụ sự nghiệp quản lý nhà nước về khoa học và công nghệ nên vấn đề tự trang trải kinh phí gặp rất nhiều khó khăn, đặc biệt tại các địa phương nghèo, vùng sâu, vùng xa.
Tại hội nghị về hoạt động các Trung tâm Ứng dụng tiến bộ KH&CN lần thứ VIII mới diễn ra, Thứ trưởng Bộ KH&CN Trần Văn Tùng cho rằng cần có định hướng phát triển cho các Trung tâm theo tính chất quy mô vùng, địa phương trong lĩnh vực nông nghiệp về khả năng liên kết với Viện, trường, doanh nghiệp để thực hiện các nhiệm vụ thuộc các Chương trình khoa học và công nghệ quốc gia, tham gia vào chuỗi giá trị sản phẩm và thị trường khoa học và công nghệ.
Để việc liên kết, hỗ trợ, phát triển hình thành quy mô vùng, cần sự kết nối, liên kết, hợp tác giữa các viện, trường và doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân; Đồng thời, nâng cao nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, doanh nghiệp về hoạt động ứng dụng, đổi mới, chuyển giao và thương mại hóa công nghệ cũng như nâng cao năng lực khi tham gia các Chương trình KH&CN; xây dựng các nhiệm vụ thường xuyên theo chức năng trong giai đoạn mới.
TT-H.L