 |
Altantuya Shaaribuu. |
(Cadn.com.vn) - Gần đây, tờ Libération (Pháp) đã đăng bài điều tra của nhà báo Arnaud Dubus về những bí ẩn chung quanh cái chết của cô thông dịch viên xinh đẹp người Mông Cổ, Altantuya Shaaribuu, tại Kuala Lumpur (Malaysia). Vụ việc này từng dính líu đến hồ sơ mua tàu ngầm giữa Pháp và Malaysia. Không những vậy, nó có thể liên lụy đến ông Najib Razak - người sắp làm Thủ tướng Malaysia vào cuối tháng 3 này.
Vụ ám sát rùng rợn
Nhà báo Arnaud Dubus đã trích dẫn một đoạn báo cáo dài 5 trang của cảnh sát mà Libération có được, tiết lộ rằng: “Khi cô gái người Hoa thấy tôi lấy súng ra, cô đã van xin tha mạng vì cô đang mang thai”. Đây là lời kể của Sirul Omar, thuộc lực lượng Cảnh sát Đặc biệt (Special Branch) của Malaysia, với một đồng nghiệp ở đồn cảnh sát tại Kuala Lumpur. Sirul kể tiếp: “Azilah, người đi cùng và cấp trên của anh, đã tóm lấy Altantuya, đẩy cô ngã xuống đất. Và khi ấy, Sirul đã nhắm bắn ngay vào màng tang bên trái của cô. Sau đó, Azilah lột quần áo nạn nhân, bỏ vào một túi plastic đen. Azilah thấy bàn tay cô gái còn nhúc nhích nên đã ra lệnh cho Sirul bắn thêm một phát nữa và Sirul đã làm theo lệnh. Sau đó, 2 người mang thi hài nạn nhân vào rừng, Azilah quấn thuốc nổ vào và họ đã cho phát nổ”.
Vụ ám sát xảy ra vào tháng 10-2006. Theo tác giả bài báo, Sirul vẫn nghĩ rằng cô gái mà anh sát hại là người Hoa, nhưng thật ra cô là người Mông Cổ. Arnaud Dubus kể lại sự kiện ly kỳ không khác gì một câu chuyện trinh thám mà các nhân vật là giới bán vũ khí Pháp và chính khách Malaysia. Tiết lộ của Libération về bản phúc trình của cảnh sát nêu trên là một yếu tố mới.
Câu chuyện ly kỳ
Hồ sơ như một quả bom nổ chậm không những đối với chính quyền Malaysia, đặc biệt với Phó Thủ tướng Najib Razak, người bị tình nghi đã ra lệnh ám sát cô Altantuya, mà còn có thể liên lụy đến TậP đoàn công nghiệp Pháp DCNS chuyên đóng tàu chiến. Bởi lẽ, năm 2007, tập đoàn này đã mua lại Tập đoàn Armaris - một hãng Pháp và Tây Ban Nha.
Chính Armaris vào năm 2002 đã bán 3 chiếc tàu ngầm cho Malaysia, 2 tàu Scorpène và 1 tàu Agosta, với số tiền tổng cộng 1 tỷ EUR, trong đó có những khoản hoa hồng, mà một trong những hậu quả là Altantuya bị ám sát. Armaris, theo bài báo, đã rót 114 triệu EUR cho phía Malaysia. Chính quyền Kuala Lumpur đã chính thức công nhận điều này trước Quốc hội. Nhưng chính vụ chi tiêu này đã dẫn đến một loạt sự cố, với những nhân chứng chủ chốt bị mất tích, còn cô Altantuya bị giết chết. Tác giả bài báo tỏ vẻ khâm phục người phụ nữ xấu số, chết thảm lúc 28 tuổi. Altantuya rất xinh đẹp, nổi tiếng trong giới thượng lưu Châu Á. Thời thơ ấu, cô ở Saint Petersburg (Nga), rồi qua Trung Quốc, theo học tại Viện Quản lý Kinh tế Bắc Kinh. Ngoài tiếng Anh, cô còn nói thông thạo tiếng Nga, tiếng Hoa và tiếng Triều Tiên.
Câu chuyện đưa cô vào cõi chết như kể trên khởi đầu vào năm 2004, khi Altantuya ở Hồng Kông gặp Abdul Razak Baginda, một chuyên gia quân sự, đứng đầu Viện Nghiên cứu Chiến lược Malaysia. Câu chuyện tình sớm chớm nở giữa 2 người. Altantuya xinh đẹp, còn Baginda giàu có, hào hoa, phong nhã và là người thân cận, thường xuyên cố vấn cho Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Quốc phòng Malaysia, ông Najib Razak, trên các vấn đề an ninh. Baginda thường xuất hiện với vợ của ông trong giới quyền thế rất khép kín ở Kuala Lumpur. Sau cuộc gặp gỡ ở Hồng Kông, Altantuya trở thành người trợ lý đắc lực cho Baginda, như trong việc dịch các tài liệu Nga. Tháng 3-2005, Baginda và Altantuya đi một vòng Châu Âu: Pháp, Đức, Italia, Bồ Đào Nha, dừng chân ở những khách sạn sang trọng nhất, nhưng họ không chỉ có đi du lịch. Thỏa thuận mua bán tàu ngầm được ký năm 2002, nhưng còn nhiều chi tiết quan trọng cần phải thảo luận. Như lời giải thích sau này của một chuyên gia trong khu vực về các vấn đề an ninh rằng, ông Baginda thường được Phó Thủ tướng Malaysia sử dụng làm trung gian trong một số hợp đồng vũ khí, đặc biệt là những hợp đồng cấp cao.
Đòi tiền hoa hồng
Cuối tháng 3-2005, Baginda và Altantuya đặt chân đến Paris (Pháp) và gặp Phó Thủ tướng Najib Razak tại đây. Một bức ảnh chụp lúc đó cho thấy cả 3 người có mặt tại một câu lạc bộ tư ở Paris. Theo một nhà trinh thám tư điều tra về hồ sơ này, Altantuya đôi khi cũng là tình nhân của Phó Thủ tướng. Baginda đã giới thiệu Altantuya với ông Najib Razak cuối năm 2004. Bài báo cho rằng, câu chuyện đã trở thành thảm kịch khi vào tháng 10-2006, Altantuya biết được tiền hoa hồng của Tập đoàn Armaris đã được chuyển vào một trương mục tại Kuala Lumpur, và được Cty Perimekar của Baginda nhận lãnh. Lúc đó Altantuya đã chia tay với Baginda và trở về Mông Cổ. Khi biết tin, từ Ulan Bator, cô đã quay trở lại Kualar Lumpur để đòi phần của mình: 500.000 USD đã được hứa trước đây. Nhưng do ghen tuông với Altantuya, phu nhân của Phó Thủ tướng, bà Rosmah Mansor, vốn sừng sỏ trong giới kinh doanh, đã không đồng ý trả cho cô một đồng xu nào. Altantuya đến Malaysia cùng với 2 phụ nữ Mông Cổ khác, trong đó 1 người chuyên nghề thầy pháp. Người này có nhiệm vụ bỏ bùa cho Baginda nếu ông không trả tiền cho cô. Trong nhiều ngày trời, Altantuya đến đứng trước nhà người yêu cũ đòi tiền.
Ngày 18-10-2006, không chịu được cảnh la lối trước nhà, Baginda gọi cho Giám đốc Cảnh sát ĐặC biệt Malaysia, Musa Safrie, đồng thời cũng là phụ tá của Phó Thủ tướng Najib Razak. Ngày 19-10, vào đầu buổi tối, Azilah Hadridam và Sirul Omar được phái đến trước nhà Baginda, trong lúc Altantuya vẫn ở đó la hét. Hai người này được lệnh “vô hiệu hóa cô gái người Hoa”. Họ bắt cóc Altantuya, đưa đến một nơi cách nhà Baginda 10km, bắn chết và cho nổ xác như tường thuật trong bản phúc trình. Thuốc nổ mà họ sử dụng là loại plastic C-4, phải có giấy phép của Bộ Quốc phòng mới lấy được.
 |
Abdul Razak Baginda bị tố cáo là đã ra lệnh ám sát Altantuya. |
Xóa sạch dấu vết
Phải nói là cảnh sát Malaysia cố xóa các dấu tích: ngày, tháng cô Altantuya vào Malaysia bị xóa khỏi sổ của cảnh sát nhập cư. Như thế là Altantuya đã không hề vào Malaysia trong tháng 10-2006 vì không còn một dấu tích gì của cô. Tuy nhiên, theo bài báo, cho dù vụ ám sát có được thực hiện kỹ lưỡng đến đâu thì vẫn có những yếu tố bất ngờ. Tài xế taxi mà Altantuya thuê trong ngày đã chứng kiến cảnh cô bị đưa lên một chiếc xe khác, trong khi tiền taxi chưa trả. Ông đã ghi lại số xe của những người bắt cóc và đến trình vụ việc ở một trạm cảnh sát gần đó. Vài ngày sau, cảnh sát nhận dạng được chiếc xe: đây là một chiếc xe công vụ. Vụ việc chuyển biến đến mức mà ngay Phó Thủ tướng không thể thoát được việc bị liên lụy. Ông Najib Razak đã gửi tin nhắn đến Baginda và nói như sau: “Tôi gặp Tổng Thanh tra cảnh sát vào lúc 11 giờ..., mọi việc sẽ được giải quyết..., hãy bình tĩnh”.
Ông Baginda bị bắt vài giờ sau đó, cũng như Azilah và Sirul. Sau một vụ xét xử mà nhiều quan sát đánh giá là không đáng tin cậy, Baginda - vốn bị tố cáo là đã ra lệnh ám sát Altantuya - được tha bổng vào năm 2008. Azilah cùng Sirul, những kẻ ra tay hạ sát Altantuya, đã ra trước tòa trong tháng qua và họ có thể bị án tử hình. Tòa án sẽ đưa ra phán quyết vào ngày 9-4 tới.
Hồ sơ Altantuya đã trở thành yếu tố chính trong cuộc đọ sức chính trị ở Malaysia giữa ông Najib Razak và lãnh đạo đối lập Anwar Ibrahim. Trước mắt có lẽ không có gì cản trở Najib Razak lên nắm chiếc ghế Thủ tướng. Đến nay, ông đã vượt qua được các trở ngại nhưng vụ ám sát Altantuya vẫn là một lưỡi gươm treo lơ lửng trên đầu ông.
Altantuya để lại 2 người con trai ở Ulan Bator: một đứa 12 tuổi, một đứa 5 tuổi. Cậu bé bị thần kinh, vẫn chưa hiểu là sẽ không bao giờ gặp lại mẹ. Cha của Altantuya, một giáo sư tâm lý học, đã phẫn nộ trước việc Baginda được tha bổng. Ông đến Quốc hội Malaysia để gặp Najib Razak nhưng ông Razak đã tránh né và ra bằng cửa hậu.
Hồ sơ vụ bán tàu ngầm vẫn còn mập mờ
Theo nhà báo Arnaud Dubus, còn nhiều điểm chưa rõ ràng trong hồ sơ mua tàu ngầm. Một trong những điểm này liên quan đến số tiền mà TậP đoàn Armaris rót cho phía Malaysia. Tháng 10-2007, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Malaysia, ông Zainal Abdidin Zin, đã công nhận trước Quốc hội rằng Armaris có rót 114 triệu EUR cho Cty Perimekar. Tuy nhiên, ông khẳng định đó không phải là tiền hối lộ, mà là tiền trả cho những “dịch vụ hỗ trợ và phối hợp”. Câu hỏi bài báo nêu lên là có hay không vấn đề tham nhũng, như trong hợp đồng mua bán tàu chiến giữa Pháp và Đài Loan, mà TậP đoàn công nghiệp DCNS cũng đã dính vào. DCNS - tập đoàn tư nhưng có vốn công - đã không chịu trả lời phóng viên Libération. Người phụ trách báo chí chỉ nói ngắn gọn: “Không ai có thể bình luận về hồ sơ này”. Riêng về tài liệu chứng minh mối liên hệ giữa Altantuya và Tập đoàn DCNS, đó có thể là lá thư bảo đảm mà Abdul Razak Baginda đã viết năm 2005, để xin chiếu khán cho Altantuya vào không gian Châu Âu Shenghen. Vai trò của Altantuya trong vụ mua bán tàu ngầm cũng không rõ ràng lắm, có điều cô gây thắc mắc trong giới tình báo. Tình báo Nga rất quan tâm đến hồ sơ này. Còn ông Baginda hiện nay đang định cư với gia đình ở Anh. Theo tác giả bài báo, Baginda không có một lời tiếc nuối nào trước số phận bi thảm của người phụ nữ đã chia sẻ cuộc sống của ông trong suốt 2 năm.
Mai Vân