Cái kết cho Anis Amri - nghi phạm tấn công Berlin

Thứ bảy, 24/12/2016 16:07

(Cadn.com.vn) - Anis Amri, nghi phạm tham gia vào cuộc tấn công khu chợ Giáng sinh ở trung tâm thủ đô Berlin của Đức tối 19-12 khiến 12 người thiệt mạng và 48 người bị thương, đã bị cảnh sát bắn chết ở Milan, Italia ngày 23-12.

AFP dẫn lời Bộ trưởng Nội vụ Italia Marco Minniti cho biết, Amri bị bắn chết sau khi bắn vào viên cảnh sát dừng xe y để kiểm tra. Kiểm tra nhận dạng ngay lập tức xác nhận đó là Amri. Amri đã biến mất kể từ khi thoát khỏi cuộc tấn công. Đức đã treo thưởng lên tới 100.000 USD cho ai cung cấp thông tin dẫn đến việc bắt giữ y. Nghi phạm 24 tuổi, người Tunisia từng đến Italia năm 2011, sau đó đến Đức. Y cũng từng lên kế hoạch tấn công Đức trước đây.

Italia

Theo một người tự xưng là cha của Amri trong cuộc phỏng vấn trên đài phát thanh Tunisia, gia đình y có 4 anh chị em. Sau khi bỏ học, Amri rời Tunisia để đến Italia khoảng 7 năm trước. Ở Italia, y ngồi tù 4 năm sau khi tấn công đốt phá một trường học. Amri rời khỏi Đức hơn một năm trước. Cha của Amri cho biết, ông không liên lạc với con trai, mặc dù Amri thường xuyên liên lạc với các anh chị em.

Theo Mario Viola, phát ngôn viên cảnh sát Italia, Amri ngồi tù vào cuối năm 2011 vì tội hủy hoại tài sản nhà nước, tấn công và đốt phá tại các trung tâm tị nạn Lampedusa. Y được thả vào tháng 5-2015. Amri đến  Italia vào tháng 2-2011 mà không có chứng minh thư. Lúc đó, y là trẻ vị thành niên. Các nhà chức trách Italia đã ra lệnh trục xuất y, nhưng Tunisia không chấp nhận do thiếu tài liệu để chứng minh y là công dân của nước này.

Vào thời điểm đó, nhà chức trách Italia yêu cầu Amri rời khỏi đất nước, và các quan chức bị mất dấu y từ đó. Tại thời điểm đó, Amri được coi là một "tội phạm nhỏ" và "không bị nghi ngờ" có liên quan đến chủ nghĩa khủng bố. Y đến Italia tại thời điểm hàng ngàn người khác cũng đến nước này trong bối cảnh đang xảy ra bất ổn Mùa xuân Arab.

Anis Amri bị truy nã gắt gao sau vụ tấn công Berlin. Ảnh: AFP

Đức

Theo người đứng đầu cơ quan Nội vụ bang Rhine-Westphalia, Ralf Jaeger, Amri được cho là đã đi đến Đức tháng 7-2015. Y đến Berlin và nhiều thành phố khác, nhưng hầu hết ở Berlin kể từ tháng 2.

Amri xin tị nạn tại Đức nhưng bị từ chối. Thủ tục trục xuất bắt đầu nhưng không hoàn thành bởi vì không thể xác định được nguồn gốc của Amri. Nhà chức trách Đức theo dõi Amri vì y được cho là có liên lạc với Hồi giáo cực đoan, trong đó có mạng lưới tuyển người cho IS hoạt động tại Đức. Ahmad Abdullah Abdulaziz, hay còn gọi là Abu Walaa, người Iraq, 32 tuổi và 4 nghi phạm khác của mạng lưới này bị bắt và bị buộc tội khủng bố hồi tháng 11. Theo ông Jaeger, không thể xác nhận Amri có liên quan đến Abu Walaa hay không song chính phủ Đức biết rõ Amri đã có quan hệ chặt chẽ với mạng lưới của Abu Walaa.

Amri đặc biệt gần giũ với Boban Simeonovic, một nghi phạm bị xét xử hồi tháng 11. Amri được đề cập nhiều lần trong 345 trang hồ sơ điều tra liên quan đến tên này. Theo tài liệu, Amri đã nhiều lần nói về các cuộc tấn công. Simeonovic và một thành viên khác của mạng lưới ủng hộ điều đó và cung cấp cho y một chỗ để trốn. Các thành viên của mạng lưới Abu Walaa cũng thảo luận về lái xe tải đầy xăng và bom vào đám đông. Vào cuối năm 2015, Simeonovic cố gắng liên lạc với một nhà thờ Hồi giáo ở thành phố Hildesheim, phía bắc của Đức để sắp xếp cho Amri rời khỏi đất nước.

Amri - người được cho là có 6 bí danh khác nhau- cũng bị cảnh sát theo dõi vì đang tìm mua một khẩu súng. Hồi tháng 8, y bị bắt vì mang theo giấy tờ giả mạo tại thị trấn Friedrichshafen, trên đường đến Italia. Tuy nhiên, một thẩm phán sau đó ra lệnh thả y.

An Bình
(Theo CNN)