Cái tên thay đổi Châu Âu

Thứ ba, 29/01/2019 11:41

Cuối cùng, sau những sóng gió và tranh cãi, Hy Lạp đã nhất trí để “người hàng xóm” của mình có thể sử dụng cái tên Macedonia, chấm dứt cuộc tranh chấp lịch sử lâu dài và làm gia tăng bầu không khí hòa bình phủ khắp khu vực Balkan.

Ở đông nam Châu Âu, khu vực tâm điểm của những cuộc chiến lớn trong thế kỷ XX là Balkan. Nhưng mọi việc đang thay đổi. Hồi cuối tuần qua, Quốc hội Hy Lạp đã phê chuẩn một biện pháp chấm dứt tranh chấp 27 năm với nước láng giềng phía bắc về tên chính thức của quốc gia đó. Sau cuộc bỏ phiếu, người hàng xóm thường được gọi là Macedonia sẽ được gọi là Cộng hòa Bắc Macedonia. Và khu vực phía bắc của Hy Lạp, cũng được gọi là Macedonia, sẽ giữ lại tên cổ của nó.

Nếu tranh chấp này có vẻ không có gì phức tạp với những người bên ngoài, đó không phải là trường hợp của những người theo chủ nghĩa dân tộc hăng hái ở mỗi quốc gia. Cả hai dân tộc đều tuyên bố là di sản của Alexander Đại đế và nỗi sợ mất bản sắc văn hóa tương ứng và một cuộc xâm lược lãnh thổ đã khiến tranh cãi càng thêm sâu sắc.

Khi cả hai bất ngờ đồng ý về một cái tên, mỗi quốc gia quyết định đặt lý tưởng cao hơn niềm kiêu hãnh bướng bỉnh. Lý tưởng đó là một Châu Âu thịnh vượng và hội nhập hơn. Cộng hòa Bắc Macedonia, nơi đã bỏ phiếu năm ngoái cho tên mới của mình, dự kiến sẽ sớm gia nhập NATO và cuối cùng là Liên minh Châu Âu (EU). Trong nhiều năm, Hy Lạp, vốn là một phần của cả hai khối, đã phủ quyết tư cách thành viên cho nước láng giềng, làm gia tăng căng thẳng ở Balkan.

Và giờ đây, một trang sử mới được viết lên cho Balkan. Căm thù, chủ nghĩa dân tộc, tranh chấp và xung đột sẽ được thay thế bằng tình bạn, hòa bình và hợp tác. Năm 1991, Balkan bùng nổ trong xung đột sau sự sụp đổ của đế chế Liên Xô và Nam Tư cũ. Sau nhiều nỗ lực, khu vực này mới bắt đầu chấm dứt chiến tranh, giải quyết biên giới và thống nhất tên. Montenegro hiện là thành viên NATO. Bosnia gần đây đã tổ chức một cuộc bầu cử hòa bình. Và các cuộc đàm phán giữa Kosovo và Serbia có vẻ đầy hy vọng.

Nếu tất cả diễn ra theo đúng kế hoạch, ông Tsipras và người đồng cấp của ông, Zoran Zaev, có thể giành giải thưởng Nobel Hòa bình. Mỗi người đã có một cuộc đấu tranh chính trị lâu dài để xác định lại bản sắc của các quốc gia của họ. Những nỗ lực như vậy là giúp Châu Âu phát triển hòa bình sau nhiều thập kỷ chiến tranh.

THANH VĂN