Cám cảnh tái định cư thủy điện (3)

Thứ sáu, 04/04/2014 11:01

* BÀI CUỐI: BAO GIỜ MỚI AN CƯ LẠC NGHIỆP?

(Cadn.com.vn) - Về thực tế chất lượng đất sản xuất của những hộ tái định cư thuộc dự án thủy điện An Khê - Ka Nak, ông Phạm Thế Dũng, Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai trăn trở: "Việc xây dựng công trình thủy điện An Khê - Ka Nak đã làm ngập hơn 2.000ha đất, nhiều làng bản phải di dời nhưng do thiếu thống nhất của chủ đầu tư với địa phương trong việc xây dựng dự án ban đầu chúng ta làm không kỹ nên hậu quả trong công tác đền bù, tái định cư, định canh cho người dân vẫn chưa hoàn thành. Giờ chúng ta phải có trách nhiệm với dân".

"Chúng ta phải có trách nhiệm với dân"

Trước vấn đề nan giải thiếu đất sản xuất đối với hơn 92 hộ dân ở làng Groi (thị trấn K'Bang, H. K'Bang), UBND tỉnh Gia Lai yêu cầu: 81ha thuộc trách nhiệm quản lý của Cty TNHH MTV lâm nghiệp Lơ Ku (H. K'Bang) thì có 29ha dân đã sản xuất ổn định lâu nay nên không thu hồi nữa; 52ha diện tích còn lại tiếp tục giải quyết cho 92 hộ dân mất đất do sản xuất thủy điện còn lại chưa giải quyết (bình quân 0,5-0,7ha/1 hộ). Cùng với đó, UBND tỉnh cũng tiến hành chỉ đạo cho các sở, ngành và địa phương tiến hành thu hồi 92ha đất rừng nghèo do Cty TNHH MTV lâm nghiệp Sơ Pai quản lý (khu vự xã Sơ Pai, H. K'Bang) để giải quyết thêm cho 92 hộ dân thiếu đất nói trên (1ha/1 hộ).

Đây được xem là cơ sở để tiếp tục giải quyết vấn đề đất sản xuất còn thiếu cho các làng tái định cư khác như làng Krối 1, làng Chợch xã Đăksơma và những làng bản lân cận nằm trong vùng chịu ảnh hưởng vẫn chưa có đất hoặc chưa nhận đất sản xuất. Một trong những khó khăn mà chính quyền H. K'Bang cũng gặp phải vướng mắc là hơn 432ha đất sản xuất của người dân không có đường đi vào để canh tác khi thủy điện An Khê - Ka Nak chặn dòng làm ngập con đường đi. Để tiếp tục canh tác, người dân buộc phải mạo hiểm vượt qua lòng hồ bằng thuyền tự chế hoặc đi đường bộ gần 20km. Chính vì thế, diện tích này dường như đã bỏ hoang. Liên quan đến vấn đề này, UBND tỉnh Gia Lai đã có báo cáo với Chính phủ và các Bộ, ngành liên quan, Chính phủ đã đồng ý theo đề xuất của UBND tỉnh Gia Lai. Theo đó, tỉnh Gia Lai yêu cầu Ban 7 đền bù, hỗ trợ cho nhân dân phần diện tích này.

Bên cạnh đó, nhằm đảm bảo ổn định đời sống nhân dân trong vùng bị ảnh hưởng dự án còn vướng mắc, UBND tỉnh Gia Lai cũng yêu cầu H. K'Bang có trách nhiệm chỉ đạo các ngành chức năng hướng dẫn nhân dân sản xuất có hiệu quả trên diện tích đã giao nói trên, không để dân bán đất cho người khác, đặc biệt là người đồng bào DTTS. Việc làm trên của UBND tỉnh Gia Lai là cần thiết, thế nhưng vẫn thể hiện những sự lúng túng trong việc tái định cư, định canh cho người dân. Bên cạnh đó, sau khi chặn dòng thủy điện An Khê - Ka Nak thì Ban 7 không tích cực phối hợp với địa phương để giải quyết những nội dung còn tồn tại thuộc trách nhiệm của Ban 7 và Tập đoàn Điện lực Việt Nam.

Những ngôi nhà tái định cư ở làng Gút bỏ hoang không người ở.

"Bài toán" cần giải sớm

Thực tế cho thấy, việc triển khai công tác tái định cư các địa phương vùng ảnh hưởng bởi các dự án thủy điện còn nhiều vướng mắc, trong đó nổi bật là thiếu đất, hoặc đủ đất nhưng đất xấu, đất xa nhà ở... khiến nhiều người dân bỏ nơi ở mới quay lại làng cũ. Không những thế, một vài nơi cơ sở vật chất yếu kém không đảm bảo đời sống sinh hoạt của bà con đồng bào DTTS là nguyên nhân làm cho đời sống người dân gặp nhiều khó khăn. Hàng loạt chủ trương được đưa ra nhằm đảm bảo cho nhân dân sau khi thu hồi đất có nơi ở mới bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ, có điều kiện ổn định đời sống, yên tâm đầu tư sản xuất... vẫn chưa được giải quyết thấu đáo. Bởi vậy, hình ảnh bếp lửa nguội tàn với vài bộ áo quần, nồi chảo, vài ghè rượu, cái tivi cũ kỹ là tài sản lớn nhất ở trong nhà dễ dàng bắt gặp ở bất cứ làng tái định cư nào của H. K'Bang.

Theo kết quả thực hiện chính sách bồi thường, hỗ trợ và tái định cư các công trình thủy lợi, thủy điện trên địa bàn tỉnh Gia Lai, Sở TN-MT tỉnh Gia Lai đánh giá: Về tái định cư và cơ sở hạ tầng khu tái định cư những năm qua còn bị động, trong đó tồn lại lớn nhất là cơ sở hạ tầng khu tái định cư mặc dù đã đáp ứng phần nào nhu cầu của nhân dân nhưng vẫn chưa sát với yêu cầu thực tế; đa số các hộ là lao động phổ thông khi thu hồi đất nông nghiệp, đặc biệt là đồng bào DTTS khi đến nơi ở mới chỉ giao diện tích hạn chế nên không đủ điều kiện sinh kế, không có việc làm ổn định, đất sản xuất mới khai hoang năng suất hạn chế. Với trình độ nhận thức và khả năng thâm canh kém thì trong một vài năm sẽ không còn khả năng sản xuất ảnh hưởng đến đời sống của người bị thu hồi đất.

Những bếp lửa nguội lạnh trong một ngôi nhà tái định cư ở làng Tung Hưng.

Một thực tế khác đặt ra là các cơ sở đào tạo, dạy nghề, quỹ đất sản xuất... chưa đáp ứng được nhu cầu người dân, trong khi họ mới chỉ nhận được một phần của khoản tiền hỗ trợ. Thế nên, sau một thời gian không thể chuyển đổi nghề nghiệp, nhiều hộ dân lại tiếp tục khai hoang, lấn chiếm đất lâm nghiệp để sản xuất gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh, chính trị, xã hội tại địa phương và công tác quản lý bảo vệ rừng.

Có thể thấy, việc tái định cư, định canh không đến nơi đến chốn sẽ có những tác động tiêu cực đến đời sống của người dân như: thu nhập, mất việc làm, phá vỡ mối quan hệ xã hội và môi trường sống quen thuộc... đặc biệt đối với nếp nghĩ, nếp làm vẫn còn lạc hậu của một bộ phận đồng bào DTTS. Điều này dẫn đện những hệ quả nhãn tiền ở các làng tái định cư của H. K'Bang và một số địa phương khác của tỉnh Gia Lai: chông chênh cả về vật chất lẫn tinh thần. Việc đảm bảo cho người dân nhanh chóng ổn định điều kiện ở, điều kiện sống và sản xuất, có cơ hội để phát triển một cách vững chắc là một bài toán cần giải sớm.

Minh Tân