Cam go chuyện học ở "vùng dịch" Phước Lộc

Thứ ba, 25/08/2015 09:15

(Cadn.com.vn) - Do cuộc sống còn khó khăn, lạc hậu, để vận động người dân vùng dịch bạch hầu ở thôn 8, xã Phước Lộc, H. Phước Sơn, Quảng Nam đi tiêm phòng đã khó, nay năm học mới đến, vận động người dân đưa con em đến lớp càng khó khăn bội phần.

"Cưỡng chế" đi học

Thôn 8 được chia thành hai thôn 8A và 8B nhưng tổng cộng chỉ có 45 hộ dân với hơn 200 khẩu. Những năm trước, tại điểm trường hai thôn này có một lớp mầm non và một lớp ghép cho học sinh lớp 1 và 2. Tuy nhiên, việc học của các học sinh ở đây không được đảm bảo. Chính vì vậy, hàng chục năm qua, cả thôn chỉ có một học sinh học đến lớp 11.

"Những năm học qua, việc vận động học sinh đến lớp ở thôn này gặp rất nhiều khó khăn. Nguyên nhân do cuộc sống còn khó khăn và lạc hậu nên phụ huynh chưa ý thức được nghĩa vụ đưa con em đến lớp. Khi nào giáo viên đến gõ cửa từng nhà thì họ mới để con em đi học. Mặt khác, do học sinh còn ham đi rẫy hơn ham đi học nên các em cứ học theo kiểu "giã gạo", bữa đi bữa nghỉ. Do vậy, việc dạy và học ở thôn những năm qua chưa được hiệu quả", thầy Trần Đình Ngộ, Phó hiệu trưởng Trường Phổ thông dân tộc bán trú Tiểu học - THCS Phước Lộc cho biết.

Thầy Ngộ cho biết thêm, lường trước được vấn đề dạy và học ở đây, để chuẩn bị cho năm học mới, Phòng GD-ĐT H. Phước Sơn quyết định vận động, "cưỡng ép" hơn 40 học sinh từ mầm non đến lớp 1 và lớp 2 ra ở hẳn ngoài điểm trường chính của xã để được chăm lo ăn học và dễ quản lý. Thế nhưng, việc vận động các em ra học bán trú ở đây không đơn giản. Hiện tại vẫn còn nhiều em chưa được gia đình cho đi học.

"Một số phụ huynh lấy lý do rằng con mình ra ngoài trường ở sẽ không có người chăm sóc, hoặc sợ trường không cho ăn sẽ đói... nên không muốn cho con đi học. Trước thực trạng đó, thời gian qua, giáo viên của trường đã vào tận nhà vận động người dân cho con em đến trường. Thế nhưng đến nay, nhiều phụ huynh vẫn chưa chịu cho con em đi học. Do vậy, dù năm học mới đã bắt đầu nhưng ngoài việc dạy ở lớp, thời gian còn lại giáo viên của trường tiếp tục vào từng nhà để vận động, thậm chí "cưỡng chế" để phụ huynh cho con đi học", thầy Ngộ chia sẻ

Dạy-học ở Phước Lộc gặp nhiều khó khăn do người dân chưa ý thức được tầm quan trọng của việc cho con đến trường.

Nguyên nhân từ lạc hậu

Theo chân những giáo viên nơi đây đến từng nhà vận động phụ huynh cho con đến trường, chúng tôi mới thấu hiểu được nỗi vất vả của những người gieo chữ vùng cao. Mới 10 giờ sáng, ông Hồ Văn Đời (35 tuổi, thôn 8A) đã say ngất ngưởng. "Thiếu rượu mình không chịu được. Mấy năm trước, Nhà nước đền bù thủy điện được 150 triệu đồng, mình uống rượu vài tháng thì hết", ông Đời "khoe". Thấy chúng tôi đến, cháu Hồ Thị Hoài (học lớp 9, con ông Đời) nấp vào tấm phên nhà vì nghĩ rằng mình bị mắc lỗi khi không đến lớp. Giáo viên hỏi thì Hoài im lặng khóc mà không trả lời. Hỏi ông Đời thì ông nói: "Mình cho nó đi học đấy chứ, nhưng nó còn phải ở nhà giữ em nữa. Mà nó đi học tiếp thầy cô có cho nó bế em lên trường học cùng được không?". Câu trả lời của ông Đời khiến các thầy cô giáo cũng... thả tay.

Là người địa phương nhưng cán bộ y tế thôn Hồ Thị Nhung cũng "bó tay" với người dân trong thôn. "Mình cũng thường xuyên đến các gia đình vận động cho con đi học, nhưng họ không nghe. Hiện tại đã vào năm học mới nhưng có đến 6 hộ dân dẫn con lên nhà chòi trên rẫy ở. Khi cán bộ lên vận động thì họ chạy trốn vào rừng. Vì cái nghèo, cái khó, lạc hậu mà đa số người dân trong thôn không biết chữ. Xã nhiều lần muốn tìm người bổ nhiệm trưởng thôn mới nhưng không có ai đủ điều kiện...", bà Nhung cho biết.

Có thể nói, cháu Hồ Văn Hậu là niềm tự hào của người dân trong thôn lúc này. Vượt lên những khó khăn và những rào cản từ quan niệm lạc hậu, sau khi học xong bậc trung học cơ sở, Hậu khăn gói vượt hơn 60km ra TT Khâm Đức học cấp 3. Sau những năm chăm chỉ miệt mài đèn sách, giờ đây tuy mới học lớp 11 nhưng Hậu là người có trình độ cao nhất hai thôn 8A và 8B.

Đến thời điểm này, Phước Lộc là xã duy nhất của H. Phước Sơn vẫn chưa có điện. Do vậy, bao đời qua, người dân nơi đây luôn sống trong cảnh mù mịt, u tối, không tiếp cận được khoa học, kỹ thuật và cuộc sống hiện đại từ bên ngoài. Một phần vì điều này đã khiến nhận thức của người dân còn nhiều hạn chế. Trước sự quyết tâm của huyện và tỉnh, đặc biệt sau đợt dịch bạch hầu vừa qua bùng phát tại đây, các ngành chức năng đã gấp rút cho triển khai kéo điện vào đến trung tâm xã. Dự kiến đến ngày 2-9 này, người dân nơi đây sẽ đón nhận nguồn ánh sáng đầu tiên từ điện lưới quốc gia. Hy vọng, với sự thay đổi lớn này, cái đói nghèo, lạc hậu nơi đây sẽ dần được đẩy lùi.

Bão Bình