Cảm ơn chiếc máy ảnh và cuộc điện thoại bất ngờ!
Những ngày này, cơ quan chộn rộn chuẩn bị lễ kỷ niệm 30 năm ngày thành lập Báo. Lục tìm trong file tư liệu ảnh tác nghiệp, bất chợt tôi nhìn thấy tấm ảnh mô tả hành khách đang hiệp sức đẩy xe lên con dốc lầy lội, ghi ngày chụp là 16-12-2007. Một lúc tôi mới nhớ ra đó là tấm hình chụp cách đây 10 năm trong hành trình từ xã Trường Sơn (Quảng Ninh- Quảng Bình) về lại TP Đồng Hới. Cũng nhờ có chiếc máy ảnh, tôi đã thoát khỏi một sự cố rắc rối. Đó là một trong những chuyến đi đáng nhớ của tôi trong 21 năm làm phóng viên Báo Công an Đà Nẵng...
Chuyến xe đắng đót một kỷ niệm khó quên! |
Đầu tháng 12-2007, tôi lên lại cửa khẩu Cha Lo (H.Minh Hóa, Quảng Bình) viết bài cho báo tết và tuyên truyền ngày QĐNDVN. Xong việc ở Cha Lo, tôi xuống Đồng Hới gặp bạn bè thời đại học trước khi về lại Đà Nẵng. Qua chuyện trò, một người bạn ở Báo Quảng Bình kể cho tôi nghe nhiều chuyện về xã vùng rẻo cao Trường Sơn (Quảng Ninh), một trong những nơi còn nhiều cách trở, khó khăn nhất của Quảng Bình; nơi mà vào thời điểm ấy vẫn chưa có giáo viên về cắm bản mà chỉ có BĐBP đồn 597 Làng Mô -Trường Sơn đứng cánh kiêm luôn việc xóa mù... Nghe bạn kể, dù rất mệt nhưng tôi vẫn quyết định sớm hôm sau đón xe lên xã Trường Sơn. Lúc bấy giờ, đường Hồ Chí Minh qua địa bàn xã mới thông tuyến được 2 năm, mỗi ngày chỉ có một chuyến xe lên và về. Tháng 12 thời tiết thất thường, đường lên xã Trường Sơn lầy lội, đầy ổ voi, ổ trâu. Không ít lần hành khách phải xuống phụ đẩy xe. Mãi gần đến 5 giờ chiều, tôi mới có mặt tại Đồn Biên phòng 597 Làng Mô. Những ngày có mặt ở vùng rẻo cao này, tôi nghe và chứng kiến không biết bao câu chuyện xúc động về tình quân dân, về tấm lòng các thầy cô gieo chữ nơi này...
Sau hai ngày lội bộ cùng BĐBP Làng Mô về các thôn bản thực tế, sáng 16-12-2007, tôi được một chiến sĩ biên phòng chở ra đón xe về lại Đồng Hới. Xe chật như nêm, chỉ còn một băng ghế ngang đặt ở đầu hồi xe là còn trống chỗ. Ngồi cạnh tôi là một phụ nữ và đứa con nhỏ. Tôi nói mình say xe, nhờ chị coi hộ túi xách để tranh thủ chợp mắt. Xe chạy được một đoạn, tôi chợt giật mình tỉnh giấc khi nghe như ai đó chạm vào vai mình. Nhìn sang, tôi không thấy hai mẹ con chị phụ nữ ngồi bên cạnh nữa mà là một gã đàn ông vẻ mặt bặm trợn, nham nhở nhìn mình. Lúc ấy, tôi đoán chắc đây là một tên lâm tặc. Tự nhiên tôi nói to lên để cả xe cùng nghe: "Yêu cầu anh ngồi nghiêm túc". Gã cất tiếng cười đểu nham nhở: "Mỏi tay nên duỗi ra, không may đụng vai em thôi mà! Làm gì mà khó tính thế, em gái?!". Tôi nói tài xế sắp xếp chỗ ngồi khác cho mình. Tài xế nói thông cảm vì không còn chỗ nào nữa. Nhìn xuống hai dãy ghế thấy gương mặt hành khách ai nấy đều lộ vẻ căng thẳng. Còn hai mẹ con nhà nọ thì bị đẩy xuống ngồi cuối xe, mắt cứ nhìn tôi âu lo. Không thể thay đổi được chỗ ngồi, tôi lấy túi xách chắn ở giữa nhưng lát sau, tôi lại thấy gã kia cố tình chạm vào vai mình. Lúc này tôi nhảy sang ngồi trên chiếc thùng máy xe nhưng khi thấy tôi chợp mắt gã lại đưa chân đụng vào chân tôi. Thế là tôi không nhịn được nữa, co chân (mang giày cao gót) đạp mạnh vào người gã. Bất ngờ lãnh "chưởng" đau quá, gã la lên rồi văng tục: "Nhìn mặt cũng hiền mà dữ như bà chằng!". Đến lúc này, anh tài xế lên tiếng: "Anh đừng quấy nữa. Chị ấy là người nhà Bộ đội biên phòng Làng Mô đó. Hồi sáng mấy anh biên phòng chở ra, có gửi gắm tôi". "Mặc xác, sợ đếch gì!"- gã đáp. Đúng lúc đó đến đoạn đường xấu, tài xế dừng lại nhờ mọi người xuống... phụ đẩy xe lên dốc. Lúc ấy tôi rút máy ảnh trong túi xách ra chụp cảnh mọi người đang đẩy xe. Khi lên lại xe, anh tài xế nháy mắt: "Thì ra, em không phải là người nhà của bộ đội biên phòng mà là phóng viên?". Hiểu ý anh, tôi đáp to: "Dạ! Em là phóng viên báo Công an Đà Nẵng". Liếc sang, tôi thấy gương mặt gã kia không còn ngầu như trước...
Chiếc máy ảnh ngày ấy. Ảnh: P.T |
Xe qua khỏi dốc lầy một đoạn, tôi nhận điện thoại của người bạn công tác tại CA tỉnh Quảng Bình. Mừng quá, hỏi anh tài xế về Đồng Hới còn bao xa, có chạy ngang qua CA tỉnh không để bạn ra đón? Cuộc trò chuyện vừa kết thúc cũng là lúc tôi phát hiện gã sàm sỡ kia rời khỏi ghế ngang và mẹ con người phụ nữ lúc nãy lên ngồi. Xe chạy thêm một đoạn thì gã xin xuống xe. Cả xe thở phào nhẹ nhõm. Lúc này, anh tài xế mới phân bua: "Xin lỗi em nghe! Biết hắn có ý định quấy rối em, nhưng ngày nào cũng chạy xe trên tuyến này, đành bấm bụng không dám nói. Mong em thông cảm. Ngó em nhỏ nhắn rứa mà cũng gan phết hè". Bụng vẫn còn run, nhưng tôi đáp cứng: "Đối với loại người đó, phải làm như rứa mới được"...
Giờ nhìn lại tấm ảnh, tôi lại nhớ đến chuyến đi đáng nhớ ấy. Lòng thầm biết ơn chiếc máy ảnh cũ và cú điện thoại bất ngờ của người bạn đã cứu mình thoát khỏi sự quấy rối của tên lâm tặc...
PHAN THỦY