KỲ HỌP THỨ 9, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Cần bỏ ngay những loại phí và lệ phí không hợp lý

Thứ sáu, 19/06/2015 08:56

(Cadn.com.vn) - Ngày 18-6, Quốc hội chính thức thông qua Nghị quyết về chương trình hoạt động giám sát của Quốc hội năm 2016 với 433 phiếu tán thành (435 ĐB tham gia) chiếm 87,47% và hai phiếu không tán thành chiếm 0,40%.  Sau đó, QH bước vào phiên thảo luận về dự Luật Phí và Lệ phí.

Góp ý cho dự luật, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (TP Đà Nẵng) cho biết, tán thành 3 vấn đề, một là nâng Pháp lệnh phí và lệ phí lên thành Luật phí và lệ phí. Hai là luật này chỉ quy định phí dịch vụ công, các loại phí khác điều chỉnh theo Luật giá và cơ chế thị trường. Ba là giảm bớt hoặc gộp một số loại phí, lệ phí do trùng lặp, do đã được chuyển sang cơ chế giá dịch vụ, do yêu cầu cải cách hành chính, yêu cầu khuyến khích xuất khẩu, do không sát thực tế. Theo ĐB Thúy về phạm vi điều chỉnh, dự thảo luật không điều chỉnh một số khoản phí như: học phí, viện phí với lý do đã được quy định ở luật khác và trả theo cơ chế dịch vụ của thị trường nêu tại trang 9 của Tờ trình Chính phủ.

“Tôi cho rằng quy định này không phù hợp với quy định về phí là khoản tiền mà tổ chức, cá nhân phải trả khi được cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập cung cấp dịch vụ. Do đó, tôi đề nghị phải đưa các khoản phí của trường công, bệnh viện công vào luật này mới đúng. Mặt khác, quy định này mâu thuẫn với quy định về việc đưa một số khoản phí đã được quy định ở luật khác như phí công chứng, phí bay qua vùng trời vào dự thảo luật này với lý do là để thống nhất, quy định thành một mối, điều này được nêu tại trang 4, Tờ trình của Chính phủ”, ĐB Thúy đề nghị.

Về thẩm quyền quy định điều chỉnh danh mục phí, lệ phí, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy cho rằng: thiết nghĩ đây là một việc quan hệ đến lợi ích và nghĩa vụ của người dân. Thực tế cho thấy nhiều khoản phí lớn không kém gì thuế, không thể nói là chúng ta chưa có kinh nghiệm trong lĩnh vực này vì Pháp lệnh phí và lệ phí đã được thực hiện gần 14 năm nay, khác hẳn những lĩnh vực mới phải giao Chính phủ quy định cho phù hợp với thực tế, rồi nâng thành luật sau.

ĐB Trần Quốc Tuấn (Trà Vinh) cho rằng, trước tiên, tôi có một nhận định rằng việc loại bỏ các khoản phí, lệ phí không cần thiết để giảm bớt gánh nặng, góp phần nâng cao mức sống cho người dân. “Đặc biệt, là những hộ nông dân ở các vùng nông thôn là hoàn toàn phù hợp với tâm tư, nguyện vọng của nhân dân. Vì hiện nay đang tồn tại nhiều loại phí rất bất hợp lý và không cần thiết, gây khó khăn cho người dân, gây trở ngại cho sự phát triển của xã hội. Câu chuyện con gà từ lúc nuôi đến lúc giết thịt phải chịu 14 loại phí đã được Chủ tịch Quốc hội và 2 Bộ trưởng NN&PTNT, Bộ Tài chính ghi nhận tại phiên chất vấn là một minh chứng cụ thể”, ĐB Tuấn nói.  Theo ĐB Tuấn thì luật cần quy định tất cả các khoản phí và lệ phí thu được phải nộp vào ngân sách Nhà nước, sau đó ngân sách Nhà nước sẽ điều tiết và phân bổ lại cho các địa phương hay các bộ, ngành. Tuy nhiên, luật cần bổ sung một điều khoản quy định về cơ chế nhằm khuyến khích các tổ chức, cá nhân cung cấp dịch vụ công, thu đúng, thu đủ các khoản phí, đồng thời sử dụng tốt các tài sản công để tạo ra các dịch vụ công đó.

“Tôi không đồng tình với ý kiến của Ban soạn thảo về nguyên tắc xác định mức thu phí là cần tính đến mức lợi nhuận phù hợp để khuyến khích, thu hút doanh nghiệp đầu tư cung cấp dịch vụ công. Xác định như vậy là không hợp lý”, ĐB Tuấn nhấn mạnh.

* Dự kiến, hôm nay, 19-6, Quốc hội làm việc tại hội trường. Buổi sáng, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật tổ chức Chính phủ (sửa đổi), Luật tổ chức chính quyền địa phương và thảo luận về dự án Luật tổ chức cơ quan điều tra hình sự. Buổi chiều, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật nghĩa vụ quân sự (sửa đổi), Luật thú y và thảo luận về dự án Luật tạm giữ, tạm giam.

Lê Hoàng Sa

Chiều 18-6, Quốc hội chính thức bỏ phiếu bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà Châu Thị Thu Nga (ĐBQH đoàn TP Hà Nội). Kết quả bỏ phiếu chỉ có 5 ĐB không đồng ý bãi nhiệm đối với bà Châu Thị Thu Nga còn lại 461 ĐB đồng ý bãi nhiệm tư cách ĐBQH đối với bà này. Trước đó, ĐBQH Châu Thị Thu Nga đã bị bắt tạm giam để điều tra về hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền hơn 377 tỷ đồng.