Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII:

Sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự

Thứ năm, 18/06/2015 08:50

(Cadn.com.vn) - Ngày 17-6, các đại biểu Quốc hội làm việc tại hội trường thảo luận về dự án Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Phạm vi sửa đổi của dự án Bộ luật là sửa đổi cơ bản, toàn diện các quy định về tố tụng hình sự, dự thảo Bộ luật có tổng số 486 điều, tăng 140 điều so với Bộ luật hiện hành, trong đó sửa đổi 294 điều, bổ sung mới 172 điều, bãi bỏ 26 điều, chỉ giữ nguyên 20 điều. Với phạm vi sửa đổi rộng, cơ bản và hầu hết các điều luật, đại biểu Nguyễn Thái Học (Phú Yên) cho rằng nên sửa tên gọi của dự án là Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015, là sự đánh dấu việc cụ thể hóa Hiến pháp năm 2013 chứ không như tên gọi đã trình là Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Đại biểu thảo luận ở Hội trường về Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi).

Tán thành với quy định về “quyền im lặng”

Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến của đại biểu Quốc hội quan tâm, cho ý kiến cụ thể về quyền của người bị bắt, bị tạm giữ, bị can, bị cáo không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội, hay còn được gọi là “quyền im lặng”. Đây là một nội dung mới, quan trọng trong dự thảo Bộ luật lần này. Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội tán thành với việc quy định nội dung này tại dự thảo Bộ luật.

Đại biểu Lê Thị Nga thể hiện sự đồng tình quy định về quyền không buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình, hoặc buộc phải nhận là mình có tội với lý do. Đại biểu phân tích, về tính hợp lý và khoa học, xuất phát từ quyền tự nhiên của con người là quyền tự bảo vệ, một người là thủ phạm nhưng có thể có hàng chục người bị tình nghi và bị tình nghi chưa hẳn là có tội. Do vậy, luật cần bảo đảm quyền này cho những người bị tình nghi, khi bản thân họ thấy chưa có đủ điều kiện về nhiều mặt như kiến thức pháp luật, thể chất và tinh thần. Họ cần có thời gian để suy nghĩ, cân nhắc và cần có người trợ giúp pháp lý để tránh tình trạng tự đưa mình vào tình thế bất lợi, tự buộc tội chính mình.

Theo đại biểu Lê Thị Nga, quy định như dự thảo rõ ràng là minh bạch hơn so với hiện hành, vừa giúp cho bị can, bị cáo thấy rõ quyền của mình, người tiến hành tố tụng thấy rõ nghĩa vụ và giúp Nhà nước chống oan, sai. Đây cũng là tiền đề rất quan trọng để thực hiện nguyên tắc “trách nhiệm chứng minh”, “suy đoán vô tội”, “đảm bảo quyền bào chữa”.

Đảm bảo minh bạch quá trình hỏi cung

Quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can là một điểm mới trong dự thảo Bộ luật Tố tụng hình sự (sửa đổi). Qua thảo luận, đa số ý kiến đại biểu tán thành với quy định này và cho rằng việc thực thi được sẽ giảm bớt tình trạng bức cung, dùng nhục hình, đồng thời cũng chính là sự bảo vệ cơ quan điều tra, cơ quan tiến hành tố tụng trong trường hợp bị can, bị cáo phản cung. Tuy nhiên nhiều ý kiến đề nghị cần làm rõ xem triển khai việc này cần bao nhiêu kinh phí, các bước tiến hành...

Đại biểu Vũ Xuân Trường cho rằng cần thiết phải ghi âm, ghi hình tất cả các trường hợp hỏi cung bị can. Việc làm này ngoài chống bức cung, nhục hình còn bảo vệ các cơ quan tố tụng trong những trường hợp bị cáo phản cung, làm minh bạch quá trình xét hỏi. Đại biểu Nguyễn Thái Học đánh giá đây là quy định mang tính tiến bộ, thể hiện việc khi hỏi cung sẽ có sự công khai, minh bạch và có sự giám sát. Nói về những băn khoăn của một số đại biểu về nguồn kinh phí để trang bị các thiết bị ghi âm, ghi hình cho tất cả các cuộc hỏi cung, đại biểu cho biết, nhiều địa phương có thể sẵn sàng bỏ kinh phí để trang bị thiết bị ghi âm ghi hình.

Ủng hộ quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can, đại biểu Hồ Trọng Ngũ cho rằng: Đây là một yếu tố có tác dụng tích cực trong việc chống lạm quyền, vi phạm những trình tự, thủ tục và áp dụng những biện pháp mà pháp luật không cho phép để bức cung, nhục hình đối với bị can, bị cáo, người bị tạm giữ, tạm giam. Tuy nhiên, thực hiện điều này được hay không đòi hỏi không chỉ việc bảo đảm thủ tục pháp lý, mà còn phải bảo đảm điều kiện vật chất. Do đó, dự thảo quy định những vụ việc lớn và chưa làm đại trà ở tất cả các vụ án là hợp lý. Bởi có những vụ án đơn giản, chứng cứ rõ ràng thì không nhất thiết phải bắt buộc ghi âm, ghi hình.

Đại biểu Nguyễn Tiến Sinh đồng tình với quy định bắt buộc phải ghi âm, ghi hình hoạt động hỏi cung bị can và cho rằng: Việc sử dụng, ứng dụng công nghệ vào vấn đề này hoàn toàn phù hợp nhằm tăng tính công bằng, minh bạch trong các cơ quan tiến hành tố tụng nói chung và lấy lời khai của các bị can, bị cáo nói riêng. Điều này cũng rất quan trọng, vừa bảo đảm tính công khai, minh bạch của các cơ quan điều tra, vừa bảo đảm chống việc bức cung, nhục hình hoặc mớm cung để sử dụng lời khai đó làm chứng cứ buộc tội bị cáo.

Thu Thủy – TTXVN