Cần chia “lợi ích số” cho người nghèo
(Cadn.com.vn) - Chiều 14-3, tại Hà Nội, Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam công bố chính thức Báo cáo Phát triển thế giới 2016: Lợi ích số. Tham dự có: Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam, Giám đốc WB tại Việt Nam, bà Victoria Kwakwa cùng đông đảo các chuyên gia trong nước và quốc tế.
Phát biểu chào mừng tại lễ công bố, bà Victoria Kwakwa nhấn mạnh: Công nghệ số đã nhanh chóng lan rộng trên thế giới. Nhiều ví dụ cho thấy công nghệ số đã đẩy mạnh tăng trưởng, mở ra nhiều cơ hội và cải thiện cung cấp dịch vụ. Nhưng tác động tổng hợp vẫn chưa cao và chưa được phân phối đều.
Người giàu hưởng lợi nhiều hơn
Theo Báo cáo, internet, điện thoại di động và các công nghệ số khác đang phát triển với tốc độ cao tại các nước đang phát triển, nhưng lợi ích được kỳ vọng để hỗ trợ tăng trưởng, tạo việc làm và nâng cao dịch vụ công đã không được như mong đợi; 60% dân số thế giới vẫn đứng ngoài lề nền kinh tế số đang phát triển như vũ bão này. Trong Báo cáo của hai đồng tác giả, Giám đốc dự án Deepak Mishra và người cùng nhóm công tác Uwe Deichmann, thì nhóm người giàu, có kỹ năng và ảnh hưởng trên thế giới có khuynh hướng hưởng lợi nhiều từ công nghệ số vì họ có khả năng khai thác lợi thế công nghệ tốt hơn. Báo cáo cũng cho biết, tuy số người sử dụng internet trên toàn thế giới đã tăng gấp 3 so với năm 2005 nhưng vẫn còn 4 tỷ người không tiếp cận được với internet
Ông Jim Yong Kim, Chủ tịch Nhóm Ngân hàng Thế giới (WBG) nói: “Công nghệ số đã làm thay đổi thế giới của kinh doanh, việc làm và chính phủ. Chúng ta phải tiếp tục sự nghiệp kết nối mọi người và không được phép để ai bị bỏ rơi bởi chi phí cơ hội do bị bỏ rơi là rất lớn. Nhưng nếu muốn chia sẻ lợi ích do công nghệ số mang lại cho mọi đối tượng trong xã hội thì các quốc gia cũng phải cải thiện môi trường kinh doanh, tăng cường đầu tư vào giáo dục và y tế, và thúc đẩy một nền quản trị tốt”.
Ông Kaushik Basu, Kinh tế trưởng của Ngân hàng Thế giới (WB), nhận định “Cuộc cách mạng số đang làm thay đổi thế giới, thúc đẩy trao đổi thông tin và tạo điều kiện cho các nước đang phát triển nếu họ biết cách tận dụng các cơ hội mới. Thật là một sự chuyển đổi đáng kinh ngạc. Hiện nay, có 40% dân số thế giới kết nối với internet. Đây là một kết quả đáng mừng, nhưng đồng thời nó cũng nhắc ta phải làm sao tránh tạo ra một giai cấp mới bị đẩy xuống dưới đáy xã hội. Khi còn gần 20% dân số mù chữ thì công nghệ số cũng không giúp xóa bỏ được khoảng cách về tri thức trên thế giới”.
Công nghệ số có thể giúp chia đều thành quả, nâng cao hiệu suất và khuyến khích đổi mới sáng tạo. Hơn 40% số người thuộc độ tuổi trưởng thành tại khu vực Đông Phi trả tiền điện, nước thông qua điện thoại di động. Tại Trung Quốc, có 8 triệu doanh nhân, trong đó 1/3 là phụ nữ, thực hiện bán sản phẩm cho các khách hàng trong cả nước và xuất khẩu tới 120 nước khác dựa trên nền tảng thương mại điện tử. Trong vòng 5 năm qua, Ấn Độ đã cấp mã nhận dạng công nghệ số cho 1 tỷ người, qua đó tăng cường tiếp cận và hạn chế tham nhũng trong cung ứng dịch vụ công. Trong lĩnh vực y tế công, dịch vụ tin nhắn (SMS) cũng được sử dụng để nhắc nhở bệnh nhân HIV uống thuốc.
Nhằm thực hiện đầy đủ cam kết về phát triển trong thời đại công nghệ số, WB đề xuất hai hướng hành động chính: một là, xóa bỏ khoảng cách công nghệ số bằng cách cung cấp dịch vụ internet cho toàn dân, với chi phí vừa phải, dịch vụ mở và an toàn; hai là, tăng cường các quy định nhằm bảo đảm thúc đẩy cạnh tranh giữa các doanh nghiệp, nâng cao kỹ năng cho người lao động nhằm đáp ứng đòi hỏi trong thời đại mới và tăng cường trách nhiệm giải trình của các thể chế. Đây được coi là biện pháp bổ trợ tương tự cho các khoản đầu tư công nghệ số.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: CNTT giúp cho mọi người dân, nhất là người dân vùng sâu vùng xa và người nghèo có cơ hội và đầy đủ phương tiện thực hiện quyền làm chủ của mình. Trong ảnh: Trẻ em tiếp cận công nghệ số trong chương trình “Internet về làng”. |
Việt Nam khuyến khích phát triển mạnh mẽ công nghệ số
Phát biểu bày tỏ sự trân trọng đối với các nhà khoa học, những người đã đang và tiếp tục sáng tạo, cải tiến công nghệ số; nhấn mạnh về những lợi ích cũng như những mặt trái mà công nghệ số mang lại, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam khẳng định: Chính phủ Việt Nam luôn chú trọng đưa các chủ trương, chính sách khuyến khích phát triển mạnh mẽ công nghệ số. Nhà nước đưa ra môi trường pháp lý, cổ vũ công nghệ số phát triển và coi đó là công cụ đặc biệt để giúp Việt Nam phát triển nhanh hơn và bền vững. Công nghệ thông tin giúp cho mọi người dân, nhất là người dân vùng sâu vùng xa và người nghèo có cơ hội và đầy đủ phương tiện thực hiện quyền làm chủ của mình. Đối với Chính phủ, người dân cũng có yêu cầu trong việc sử dụng nhiều và mạnh mẽ hơn nữa công nghệ thông tin để thể hiện là Chính phủ minh bạch mang nhiệm vụ giải trình tất cả các vấn đề của xã hội; đồng thời yêu cầu Chính phủ sử dụng công nghệ thông tin để cung cấp tốt hơn các dịch vụ công cho người dân.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng, để thực hiện việc phát triển công nghệ số, không chỉ có Chính phủ mà nòng cốt ở đây là các doanh nghiệp, phải ứng dụng công nghệ thông tin để phát triển. Đối với các doanh nghiệp công nghệ thông tin, ngoài việc phát triển vì lợi ích của doanh nghiệp, cần chú trọng đề cao đến trách nhiệm chung với xã hội để tạo được “hệ sinh thái”, đều có điều kiện phát triển cùng nhau. Doanh nghiệp công nghệ thông tin giúp người dân có điều kiện phát triển thể hiện ở giá thành, độ thuận tiện mà các dịch vụ mang lại. Người dân cũng cần nỗ lực tiếp cận công nghệ thông tin trong công việc và ứng dụng vào cuộc sống. Mọi người dân luôn xây dựng ý thức sử dụng công nghệ số cho đúng để bảo vệ lợi ích của mình và cộng đồng.
Thu Thủy – TTXVN