TÂN TỈNH TRUNG LỘC:

Căn cứ độc đáo của Nghĩa hội Quảng Nam

Thứ bảy, 21/01/2023 22:34
Sau cuộc tấn công của quân Pháp, ngày 5-7-1885 Kinh thành Huế thất thủ, vua Hàm Nghi rút lên Tân Sở. Ngày 22-5, vua Hàm Nghi hạ chiếu Cần Vương. Lời hịch Cần Vương lan ra khắp cả nước, dấy lên một cao trào chống Pháp mạnh mẽ.
Núi Hòn Than, khu vực Nghĩa hội Quảng Nam chọn làm nơi chứa quân lương, huấn luyện.
Cánh đồng Khe Canh, nơi Nguyễn Duy Hiệu xây dựng trung tâm hành chính - quân sự Tân Tỉnh - Trung Lộc.

Tại Quảng Nam, các sĩ phu yêu nước đã kêu gọi, tập hợp sĩ phu và nhân dân trong tỉnh hưởng ứng chiếu Cần Vương và Nghĩa hội Quảng Nam được thành lập do tiến sĩ Trần Văn Dư làm Hội chủ cùng với Phan Bá Phiến, Nguyễn Thành, Nguyễn Duy Hiệu, Đỗ Đăng Tuyển,... Nghĩa hội lập các căn cứ ở Dương Yên, An Lâm, Đại Đồng để đánh Pháp. Các nghĩa binh đã nhiều lần tấn công và gây nhiều thiệt hại cho thực dân Pháp và quân của triều đình. Tháng 12-1885, triều đình Đồng Khánh đã bàn bạc với quân Pháp phối hợp tấn công vào căn cứ sơn phòng ở Quảng Nam, nhằm tiêu diệt đầu não chỉ huy của cuộc kháng chiến. Ngày 13-12-1885, tiến sĩ Trần Văn Dư bị Pháp bắt và xử bắn, Nghĩa hội Quảng Nam cử Phó bảng Hồng lô tự khanh Nguyễn Duy Hiệu lên làm Hội chủ. Nguyễn Duy Hiệu đã xây dựng nhiều căn cứ kháng chiến và trở thành thủ lĩnh của Nghĩa hội ba tỉnh Quảng Nam, Quảng Ngãi, Bình Định. Nghĩa quân đã đánh nhiều trận, gây cho Pháp nhiều thiệt hại.

Do lực lượng ít, vũ khí trang bị thô sơ, lạc hậu nên sau mấy năm cầm cự, Nghĩa hội rơi vào thế cùng lực kiệt. Sơn phòng Dương Yên thất thủ. Nguyễn Duy Hiệu đi tìm một nơi hiểm yếu nhằm chống cự lâu dài với giặc và làm nơi chiêu mộ, luyện tập nghĩa quân. Lúc đầu, ông chọn Nghi Thượng (nay thuộc xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) làm căn cứ nhưng do địa thế bất lợi, ông quyết định chọn vùng thung lũng Trung Lộc (nay thuộc xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn, Quảng Nam) để xây dựng căn cứ và căn cứ này được gọi là Tân Tỉnh - Trung Lộc.

Khu nghĩa trủng Trung Yên.

Nguyễn Duy Hiệu chọn Trung Lộc làm nơi đóng căn cứ vì nơi đây nằm gọn trong thung lũng vốn có địa hình khá phức tạp với đồi, núi, sông, suối liền kề, lại gần Tỉnh lộ 611 (trước đây là 105) là trục lộ chính nối liền miền xuôi với miền ngược. Thung lũng trải dài từ chân đèo Le ra đến bến chợ Trung Phước bên sông Thu Bồn dài đến 10km, bề ngang rộng từ 1-2km, đa phần là ruộng vườn. Có đường bộ qua đèo Le lên Phú Cốc, Phú Bình ở phía Nam, về phía tây có đường qua Mộ Long đi Phước Sơn. Đường sông từ Trung Phước lên Hòn Kẽm - Đá Dừng, Bình Huề, Phước Sơn nơi từ lâu vốn nổi tiếng giàu có nguồn lâm thổ sản. Xuôi dòng Thu Bồn, về tận các đồng bằng trù phú các huyện Đại Lộc, Duy Xuyên, Điện Bàn nên rất lợi cho việc tải lương. Có cả mỏ sắt An Xuân để rèn nông cụ, vũ khí. Khi bị bao vây thì cánh đồng lúa Trung Lộc vốn mệnh danh “Đồng Nai con” có thể nuôi sống hàng ngàn người trong nhiều tháng trời.

Tân Tỉnh - Trung Lộc được xây dựng vào đầu năm 1886 đến khoảng tháng 5-1886 thì cơ bản hoàn thành, thuộc vùng Khe Canh, Hiệp Trung, tổng Trung Lộc (nay là thôn Lộc Tây, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn). Đại bản doanh của Nguyễn Duy Hiệu được xây dựng trên diện tích khoảng 40.000m2 , có vị trí thuận lợi nhờ núi non hiểm trở, cây cối rậm rạp, nhiều vực thẳm hào sâu lại có điều kiện dễ dàng về giao thông cả thủy lẫn bộ. Về phía tây nam Khe Canh chừng 1.500m có dãy núi sở hữu có hai địa điểm vừa cao vừa bằng phẳng, tầm quan sát rộng có tên Đám Bằng - Miếng Kho, rộng khoảng 60.000m2 , sau này là nơi tập hợp, huấn luyện quân lính của Nghĩa hội, nơi cất giấu quân khí, quân lương...

Tại Tân Tỉnh - Trung Lộc, Nguyễn Duy Hiệu đã tổ chức gần như một triều đình hoàn chỉnh bên cạnh một căn cứ đóng quân còn có cả một cơ cấu hành chính gồm nha, thự, ty, niết, có cả bãi luyện quân, kho tàng ở lưng chừng núi, văn miếu, có cả ngục thất, bãi chém... Tất cả tạo nên những điều kiện vô cùng thuận lợi giúp ông “tính kế lâu dài”.

Bảo vệ cho căn cứ có nhiều phòng tuyến quan trọng, nhất là phòng tuyến bên bờ sông Vu Gia do Tán tương quân vụ Trần Đĩnh chỉ huy, trải dài suốt 9 xã vùng Sông Côn lên tận Nông Sơn. Dựa vào vùng đất đắc địa này, nghĩa quân có thể tổ chức tiến quân đánh địch về mọi hướng, ngược lại, nó cũng là nơi có thể phòng thủ tốt. Nơi này cũng có nguồn lương thực dồi dào để duy trì việc chiến đấu lâu dài, khi bị bao vây có thể tự sản xuất lương thực để nuôi quân...

Dựa vào căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc, Nguyễn Duy Hiệu đã lãnh đạo phong trào nghĩa hội tổ chức phòng thủ và đánh trả nhiều cuộc tấn công của giặc Pháp và quân lính Nam triều. Với chiến thuật du kích, Nguyễn Duy Hiệu đã tổ chức tiến công địch ở khắp mọi nơi nhằm tạo thanh thế, tạo nên thế chủ động và góp phần tổ chức chiến đấu lâu dài. Nghĩa hội đã cho xây dựng tuyến phòng thủ phía Bắc khu vực Phường Rạnh (Quế Trung) và đèo Le (Quế Lộc), có đồn đóng ngay trên đỉnh Đèo Le ngăn giặc tấn công từ hướng đông lên để bảo vệ khu căn cứ. Từ căn cứ Tân Tỉnh, nghĩa quân đã tiến công các đồn lũy như Bãi Chài (Duy Xuyên), Nam Chơn, Hà Thân (Đà Nẵng), Gò Mùn, Hà Nha (Đại Lộc)..., tiến công vào cả sào huyệt các thành, tỉnh như Đà Nẵng, La Qua... Trong đó, cuộc tấn công đánh chiếm thành tỉnh La Qua là chiến công lớn nhất của Nghĩa hội Quảng Nam.

Núi Hòn Than, khu vực Nghĩa hội Quảng Nam chọn làm nơi chứa quân lương, huấn luyện.

Trước sự phát triển ngày càng lớn mạnh của Nghĩa hội, quyền Tuần phủ Quảng Nam Châu Đình Kế nhiều lần cầu cứu triều đình Huế. Tháng 9-1887, triều đình Huế sai Nguyễn Thân từ sơn phòng Nghĩa - Định (Quảng Ngãi - Bình Định) đem quân ra phối hợp với quân của Phan Liêm và quân Pháp với hơn 400 lính Pháp và 200 lính tập được trang bị vũ khí tối tân phối hợp cùng quân của triều đình đã mở nhiều đợt tấn công vào các cứ điểm phòng ngự của Tân Tỉnh - Trung Lộc. Ngược lại, quân của Nghĩa hội tuy đông nhưng đa số chưa được huấn luyện kỹ, vũ khí trang bị thô sơ nên khó lòng chống đỡ. Sau một thời gian chiến đấu kiên cường, dũng cảm dưới sự chỉ huy của Nguyễn Duy Hiệu, Phan Bá Phiến, nghĩa quân Tân Tỉnh không đủ sức chi viện cho các tuyến phòng thủ nên căn cứ Trung Lộc bị rơi vào tay quân địch và Nghĩa hội dần dần tan rã sau những cuộc truy kích của quân triều đình ở An Lâm, Đại Đồng, Gò May (Phước Sơn), mở đầu cho giai đoạn suy vong của nghĩa hội và sự tan rã của căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc.

Trước thất bại của Nghĩa hội, Phan Bá Phiến tự vẫn. Nguyễn Duy Hiệu bị thực dân Pháp và Nam triều bắt và kết án tử hình vào ngày rằm tháng 8 năm Đinh Hợi (nhằm ngày 15-10-1887, an táng tại Hội An), phong trào nghĩa hội đi vào giai đoạn suy vong, khu căn cứ Tân Tỉnh Trung Lộc tan rã...

Hiện nay, khu căn cứ Tân Tỉnh - Trung Lộc chỉ còn là một vài phế tích thuộc thôn Lộc Đông, xã Quế Lộc, huyện Nông Sơn. “Tân Tỉnh Trung Lộc - Căn cứ Nghĩa hội Quảng Nam” đã được tỉnh Quảng Nam quyết định xếp hạng di tích cấp tỉnh vào ngày 09-8-2021.

Đã hơn 135 năm trôi qua, Tân tỉnh - Trung Lộc vẫn còn ghi dấu trong tâm thức người dân Quảng Nam.

LÊ TRÂM