Ngày làm việc thứ 3, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII:

Cần cụ thể hóa việc trưng cầu ý dân

Thứ năm, 23/10/2014 09:06

(Cadn.com.vn) - Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 8 Quốc hội Khóa XIII, sáng 22-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Tờ trình và Báo cáo thẩm tra các dự án Luật Tài nguyên, môi trường biển và hải đảo; Luật Mặt trận Tổ quốc Việt Nam (sửa đổi), nghe báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý và thảo luận về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Buổi chiều, các đại biểu Quốc hội tiếp tục thảo luận tại Hội trường về dự thảo Luật tổ chức Quốc hội (sửa đổi).

Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) tham gia thảo luận tại hội trường.

Trưng cầu ý dân là nhiệm vụ quan trọng

Đa số ý kiến của các đại biểu Quốc hội tán thành với nhiều nội dung đã được thể hiện trong Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội.

Về vị trí, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội (Điều 1), tiếp thu ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị chỉnh lý các quy định về nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội thành 16 điều tương ứng với 3 chức năng của Quốc hội là lập pháp, giám sát, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đã được ghi nhận tại Điều 69 và Điều 70 của Hiến pháp. Khoản 4, Điều 4 quy định: Hiến pháp được Quốc hội thông qua khi có ít nhất hai phần ba tổng số đại biểu Quốc hội biểu quyết tán thành. Trong trường hợp cần thiết, Quốc hội có thể quyết định tổ chức trưng cầu ý dân về Hiến pháp theo quy định tại Điều 19 của Luật này.

Theo đại biểu Tô Văn Tám (Kon Tum) thì việc trưng cầu ý dân chỉ thực hiện khi có đủ điều kiện. Ý kiến khác đề nghị trong các dự thảo luật không nên ghi những cụm từ “trong trường hợp cần thiết” mà cần quy định cụ thể ngay trong dự thảo luật. Hơn nữa quyết định trưng cầu ý dân là một trong những nhiệm vụ quan trọng của Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận, quy định trong Hiến pháp năm 2013.

Về vấn đề này, Báo cáo tiếp thu giải trình, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Quốc hội (sửa đổi) của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đề nghị Quốc hội cho cụ thể hóa một bước các trường hợp Quốc hội xem xét quyết định việc trưng cầu ý dân, các chủ thể có quyền đề nghị Quốc hội trưng cầu ý dân là Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ tịch nước, Chính phủ hoặc một phần ba tổng số đại biểu Quốc hội; đồng thời khẳng định kết quả trưng cầu ý dân có giá trị quyết định đối với vấn đề được đưa ra trưng cầu ý dân; cách thức, trình tự, thủ tục trưng cầu ý dân sẽ do Luật trưng cầu ý dân quy định.

ĐB Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) nêu ý kiến: Về trưng cầu ý dân (Điều 19, 59), theo dự thảo luật thì thẩm quyền này thuộc về Quốc hội, việc tổ chức trưng cầu ý dân thuộc về Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nhưng luật chưa quy định cơ quan nào giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội thực hiện nhiệm vụ này.

Do đó, ĐB đề nghị cần xem xét lại vấn đề này, phải chỉ rõ trong luật cơ quan nào có trách nhiệm triển khai thực hiện quyết định trưng cầu ý dân của Quốc hội, cách thức thực hiện như thế nào nhằm đảm bảo tính khả thi của điều luật.

ĐB Huỳnh Nghĩa đề xuất nên giao cho Hội đồng bầu cử Quốc gia giúp Ủy ban Thường vụ Quốc hội triển khai nhiệm vụ quan trọng này, vì hoạt động tổ chức bầu cử và tổ chức trưng cầu ý dân có điểm tương đồng nhau về bản chất và cách thức thực hiện, đều là kiểm tra sự đồng thuận của người dân về một vấn đề cụ thể của quốc gia; để tổ chức bầu cử, Hội đồng bầu cử phải thống kê, cập nhật và quản lý danh sách cử tri thường xuyên nên sẽ thuận lợi cho việc tổ chức trưng cầu ý dân; và đây là một cơ quan Hiến định độc lập nên sẽ thuận lợi hơn trong việc đem lại kết quả khách quan của việc trưng cầu ý dân. Đồng thời, ĐB đề nghị Quốc hội sớm xây dựng Luật trưng cầu ý dân nhằm quy định rõ những vấn đề nào được đưa ra trưng cầu, quy mô của các cuộc trưng cầu...

Nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội

Về vị trí, vai trò của đại biểu Quốc hội (Điều 21), dự thảo luật đã có các quy định để thể hiện rõ hơn trách nhiệm của đại biểu Quốc hội trong việc tham gia hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội; trách nhiệm với cử tri và tiếp công dân, tiếp nhận và xử lý các kiến nghị, khiếu nại, tố cáo của công dân; thể hiện rõ các quyền của đại biểu Quốc hội đã được Hiến pháp ghi nhận như quyền trình dự án luật, pháp lệnh, kiến nghị về luật, pháp lệnh, quyền tham gia làm thành viên và tham gia các hoạt động của Hội đồng Dân tộc, Ủy ban của Quốc hội; quy định cụ thể chế độ lương, phụ cấp cho đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách và các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội...

Bàn về tiêu chuẩn đại biểu Quốc hội, đại biểu Đỗ Văn Đương (TPHCM) cho rằng quy định trong dự thảo luật về tiêu chuẩn của đại biểu Quốc hội còn chung chung, gần giống với tiêu chuẩn của cán bộ công chức. Đại biểu đề xuất cần bổ sung quy định đại biểu Quốc hội phải trung thành với lợi ích quốc gia, dân tộc và lợi ích nhân dân để khi quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước phải trên tinh thần lợi ích quốc gia, dân tộc để quyết định.

Đại biểu cũng cho rằng quy định về trình độ năng lực của đại biểu Quốc hội vẫn chưa cụ thể và đề nghị cần ghi rõ trong dự thảo là đại biểu Quốc hội phải có chính kiến, có năng lực đại diện cho ý chí nguyện vọng của nhân dân; dám nói, dám làm, dám chịu trách nhiệm trước Quốc hội và cử tri.

Đại biểu Nguyễn Thị Thanh Hòa (Bắc Ninh) đánh giá số lượng đại biểu Quốc hội nữ chưa đạt tỷ lệ và giảm dần đều qua các nhiệm kỳ. Để khắc phục tình trạng này, theo đại biểu cần bổ sung vào Điều 23 quy định tỷ lệ đại biểu Quốc hội mỗi giới không quá 65% để chủ động chuẩn bị ứng cử viên. Đại biểu cũng đề nghị bổ sung quy định về nữ đại biểu Quốc hội chuyên trách, nữ ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, nữ đại biểu Quốc hội trong các Ủy ban và Hội đồng Dân tộc của Quốc hội.

Đại biểu Trần Ngọc Vinh (Hải Phòng) đánh giá các quy định về cơ chế hoạt động của đại biểu Quốc hội còn nặng về hành chính, quyền hạn của đại biểu Quốc hội chưa rõ ràng. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ trách nhiệm, quyền hạn và bổ sung các quy định để bảo đảm tính độc lập của đại biểu Quốc hội; hạn chế tình trạng hành chính hóa của đại biểu Quốc hội cũng như thể hiện rõ tinh thần, tiêu chuẩn quan trọng nhất của đại biểu Quốc hội là phải được cử tri tín nhiệm, tin tưởng.

Thu Thủy – Hữu Hoa