Ngày làm việc thứ 2, Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XIII: Cần tính toán đầy đủ nợ công

Thứ tư, 22/10/2014 08:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 21-10, các đại biểu Quốc hội làm việc tại tổ, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ 2015; kết quả thực hiện ngân sách Nhà nước năm 2014; dự toán ngân sách Nhà nước và phương án phân bổ ngân sách trung ương năm 2015.

Đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược

Tán thành với nhiều nội dung đề cập trong Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp, nhưng đại biểu (ĐB) Nguyễn Thị Nguyệt Hường đưa ra phân tích: Báo cáo nêu tổng mức đầu tư toàn xã hội giảm, doanh nghiệp phá sản, giải thể, ngừng hoạt động mấy năm nay rất lớn, nhưng tăng trưởng vẫn tăng cao hơn các năm trước và chỉ tiêu tạo việc làm mới hàng năm đạt xấp xỉ 1,6 triệu lao động là chưa thuyết phục. Nhiều ý kiến cho rằng với thực trạng nền kinh tế và tình hình doanh nghiệp gặp rất nhiều khó khăn trong những năm qua, nhưng số liệu liên quan đến việc làm, thất nghiệp không có biến động lớn là chưa phản ánh đúng thực tế, cần đánh giá thực chất hơn, làm rõ mối quan hệ giữa tăng trưởng kinh tế, khó khăn của các doanh nghiệp với chỉ tiêu việc làm, thất nghiệp.

Nhấn mạnh tới sự bảo đảm để phát triển bền vững, nhiều ý kiến cho rằng cần phải tạo lập một thị trường tốt để doanh nghiệp yên tâm đầu tư dài hạn, ĐB Phạm Huy Hùng đề xuất cần tập trung giải quyết các nút thắt của nền kinh tế, trong đó việc hoàn thiện thể chế cần triển khai ngay các đạo luật liên quan đến các lĩnh vực kinh tế cụ thể hóa tinh thần Hiến pháp năm 2013 như dự án Luật Xây dựng (sửa đổi), dự án Luật Đầu tư (sửa đổi), dự án Luật Doanh nghiệp (sửa đổi)...

ĐB Vũ Viết Ngoạn cho rằng, năm 2015 cần quan tâm nhiều hơn cho duy trì tăng trưởng kinh tế; cần phải bảo đảm hài hòa kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và tăng trưởng. Nhiều ý kiến nhấn mạnh, chính sách cần hướng nhiều hơn nữa đến doanh nghiệp để giúp tăng trưởng, phát triển hơn nữa. Tại phiên thảo luận, nhiều ý kiến tán thành với các giải pháp Chính phủ xác định thực hiện trong năm 2015 tiếp tục tăng cường ổn định kinh tế vĩ mô; đẩy mạnh thực hiện các đột phá chiến lược, tái cơ cấu kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, hiệu quả và năng lực cạnh tranh, phấn đấu tăng trưởng kinh tế cao hơn và vững chắc hơn năm 2014.

Nợ công quá lớn và ngày càng tăng

Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Huỳnh Nghĩa bày tỏ nhất trí với báo cáo của Chính phủ về tình hình KTXH năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015. Theo ĐB, kinh tế vĩ mô xét về trung hạn sẽ không ổn định vững chắc, bởi nợ công quá lớn và ngày càng tăng, do bội chi ngân sách lớn, kéo dài liên tục hàng chục năm, gần đây lại có chiều hướng tăng lên. Nợ xấu ngân hàng đã lớn, không dễ giải quyết lại có xu hướng tăng. Công ty mua bán nợ xấu VAMC mua được 56 ngàn tỷ đồng nhưng mới xử lý 1.462 tỷ đồng, rõ ràng là chỉ mới gom nợ xấu từ các ngân hàng thương mại về và cơ bản để nằm đó. Đây chẳng qua là thủ thuật về tất toán kế toán. Vẫn còn hơn 215 ngàn tỷ đồng nợ xấu còn đó và nằm ở hai nơi là ngân hàng thương mại và VAMC.

Đoàn ĐBQH TP Đà Nẵng thảo luận tại tổ. Ảnh: Hữu Hoa

Theo ĐB thì tình hình doanh nghiệp vẫn còn khó khăn, là nguyên nhân trực tiếp làm kinh tế tăng trưởng chậm trong những năm gần đây. Trong 9 tháng đầu năm 2014 có 53.192 doanh nghiệp đăng ký thành lập, giảm 8,7% so với cùng kỳ; trong khi đó có 48.330 doanh nghiệp tạm ngưng hoặc chấm dứt hoạt động, tăng 13,8% so với cùng kỳ; hơn 60% doanh nghiệp khai thuế báo lỗ... ĐB cho rằng nếu không giải quyết tốt các vấn đề để doanh nghiệp ăn nên làm ra thì KT-XH không thể phát triển nhanh và bền vững.

ĐB nhận định, sự bất bình đẳng ngày càng tăng là nguy cơ gây bất ổn xã hội. Thu nhập, cuộc sống các tầng lớp dân cư càng tăng chênh lệch. Tầng lớp trí thức trẻ tốt nghiệp cao đẳng, đại học mới ra trường không tìm được việc làm ngày càng nhiều, tính đến hết quý I năm 2014 có đến 241,5 ngàn cử nhân, thạc sĩ không tìm được việc làm.

Về biện pháp, ĐB đề nghị cần kiềm chế bội chi ngân sách bằng cách tiết kiệm chi tiêu thường xuyên và nâng cao hiệu quả đầu tư công. Cần phải tính trái phiếu Chính phủ vào bội chi ngân sách và nợ công. Phải tính đủ nợ công, bao gồm cả nợ chính quyền địa phương, nợ của các doanh nghiệp nhà nước, nợ do Chính phủ bảo lãnh, nợ trái phiếu... và kiểm tra chặt chẽ nợ công. Tập trung xử lý nợ xấu ngân hàng theo hướng vừa xử lý nợ cũ vừa ngăn chặn không cho phát sinh nợ mới, chú ý vấn đề xử lý tài sản thế chấp, cầm cố khi đến hạn người vay không trả được nợ. Cần thực hiện phân bổ và sử dụng nguồn lực theo cơ chế thị trường, khắc phục tình trạng xin cho, xóa bỏ độc quyền doanh nghiệp, bất bình đẳng trong cơ hội kinh doanh và tiếp cận các nguồn lực. Chủ động xây dựng và phát triển hệ thống bán buôn, bán lẻ trong nước, đồng thời tham gia vào mạng lưới phân phối toàn cầu, khắc phục dần tình trạng nhập lậu, hàng Thái, hàng Trung Quốc chiếm lĩnh thị trường trong nước. Tập trung chăm lo phát triển 62 huyện nghèo, đẩy nhanh xóa đói giảm nghèo. Đổi mới, kiên quyết thay thế và cắt giảm đội ngũ công chức Nhà nước, thực hiện yêu cầu vừa cắt giảm biên chế vừa nâng cao năng lực, chất lượng công tác quản lý nhà nước ở tất cả các cấp.

Đoàn ĐBQH TP TP Đà Nẵng thảo luận tại tổ.

Cần ưu tiên giải quyết nợ xấu trong năm 2015

Phó Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Thân Đức Nam (Đà Nẵng) đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để đưa nền kinh tế thoát khỏi giai đoạn trì trệ, tạo điều kiện phát triển nhanh và bền vững. ĐB cho rằng nền kinh tế nước ta đang phục hồi nhưng tốc độ phục hồi, tăng trưởng quá yếu ớt. Diễn biến tình hình kinh tế nước ta từ quý III năm 2013 đến nay cho thấy xu hướng tăng trưởng quý sau cao hơn quý trước và tốc độ tăng GDP quý III năm 2014 đã vượt ngưỡng 6% là dấu hiệu thoát dần giai đoạn trì trệ (2012-2013). GDP cả năm 2014 có thể đạt 5,8% (9 tháng đầu năm đạt 5,62%) và kỳ vọng có tốc độ tăng trưởng cao hơn trong năm 2015. ĐB cho rằng, nếu nhìn suốt 4 năm 2011-2014 thì điểm sáng nổi bật của kinh tế nước ta là các chỉ báo kinh tế vĩ mô ngày càng ổn định như kiểm soát CPI, ổn định tỷ giá, tăng dự trữ ngoại hối, tăng xuất khẩu, hạ lãi suất, củng cố tính ổn định của ngân hàng thương mại, chủ động cân đối ngân sách Nhà nước, không tăng tỷ lệ thất nghiệp...

Lỡ hẹn tăng lương!

(Cadn.com.vn) - Phó Chủ tịch Quốc hội Huỳnh Ngọc Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, báo cáo KTXH của Chính phủ đã tiếp thu nhiều vấn đề mà Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã có ý kiến. Tuy nhiên, theo Nghị quyết Quốc hội quyết định bội chi ngân sách Nhà nước năm 2015 là 4,5%, nhưng báo cáo Chính phủ vẫn để ở mức 5%. Về mục tiêu tổng quát năm 2015 đã thảo luận kỹ, nhưng báo cáo vẫn dùng hàng loạt các từ như “tăng cường, đẩy mạnh, phấn đấu, nâng cao...” gần giống như nghị quyết, rất chung chung, không cụ thể. Về tiền lương, theo lộ trình thì năm 2014 phải tăng lương nhưng không tăng được, sang năm 2015 cũng nói không tăng lương được. ĐB cho rằng vấn đề này cũng rất dễ gây bức xúc.

Theo ĐB, trong hai năm qua, Chính phủ đã thành công trong việc thực hiện các giải pháp để đưa nền kinh tế Việt Nam vượt qua giai đoạn bất ổn vĩ mô, đặc biệt là nguy cơ lạm phát cao và đổ vỡ hệ thống ngân hàng thương mại, sử dụng công cụ tín dụng để hỗ trợ thị trường thông qua 5 lĩnh vực ưu tiên tín dụng và các giải pháp đặc thù khác, vẫn thực hiện chính sách an sinh xã hội trong điều kiện kinh tế khó khăn; sự quyết tâm của Chính phủ trong vấn đề cải cách thể chế kinh tế, thực hiện 3 trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015, điều hành nền kinh tế hướng dần vào thị trường nhiều hơn, cải thiện môi trường kinh doanh...

Tuy nhiên, ĐB cho rằng những kết quả trên vẫn chưa có triển vọng về khởi sắc của nền kinh tế trong năm 2015, củng cố niềm tin cho thị trường. Do đó, ĐB đề nghị Chính phủ cần có giải pháp đồng bộ để tăng tổng cầu và khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế. Cần tập trung các biện pháp tổng hợp cùng Ngân hàng Nhà nước ưu tiên giải quyết vấn đề nợ xấu một cách căn cơ trong năm 2015. Ngân hàng Nhà nước nên mạnh dạn hạ lãi suất tái chiết khấu và tái cấp vốn để kích thích ngân hàng thương mại hạ lãi suất trung - dài hạn. Nghiên cứu cơ chế điều hành tỷ giá linh hoạt nhằm mục đích khuyến khích nội địa hóa sản phẩm xuất khẩu và sản phẩm nông nghiệp. Tiến hành rà soát lại tình hình thực tế giải ngân dự án đầu tư ngân sách và nợ xây dựng cơ bản, vấn đề sử dụng và giải ngân vốn trái phiếu, tháo gỡ những vướng mắc trong thủ tục quy trình giải ngân để phát huy tác dụng của nguồn vốn Nhà nước và xem đây là kênh rất quan trọng để kích hoạt tổng cầu.

Thu Thủy - Hữu Hoa