Cần giải pháp căn cơ trong tuyển dụng viên chức giáo dục

Thứ hai, 23/07/2018 10:47

Thời gian qua, tỉnh Quảng Nam đã có nhiều đổi mới trong công tác thi tuyển, tuyển dụng viên chức ngành GD-ĐT nhằm nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giải quyết những bất cập trong công tác tuyển dụng, xét tuyển giáo dục tại các địa phương. Tuy nhiên, những nỗ lực đó vẫn chưa thật sự đạt được kết quả như mong muốn, nhất là trong hai kỳ thi tuyển viên chức vừa qua. Tình trạng thiếu giáo viên ở các cơ sở trường học vẫn chưa được giải quyết. Nguy cơ mất việc làm của đội ngũ giáo viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội khiến họ không yên tâm công tác. Hoạt động của các trường học gặp không ít khó khăn khi tình trạng thiếu giáo viên kéo dài…

Mặc dù tỉnh Quảng Nam đã tổ chức hai kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nhưng vẫn chưa giải quyết được tình trạng thiếu giáo viên cho các trường học.

Nỗ lực cải cách, đổi mới tuyển dụng giáo viên

Trong năm 2017, UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức hai kỳ thi tuyển viên chức giáo dục cho các đơn vị sự nghiệp công lập. Đây là hai kỳ thi đầu tiên do UBND tỉnh Quảng Nam tổ chức thi tuyển để tuyển dụng giáo viên các bậc học mầm non, tiểu học, THCS cho các địa phương. Theo ông Hà Thanh Quốc - Giám đốc Sở GD-ĐT tỉnh Quảng Nam, để kỳ thi diễn ra nghiêm túc, chất lượng, đảm bảo yêu cầu công khai, khách quan, dân chủ, cạnh tranh và đúng quy định của pháp luật, công tác tổ chức thi, ra đề, coi thi đều được thực hiện một cách chặt chẽ, dưới sự giám sát của các ngành chức năng như Ban Văn hóa - xã hội HĐND tỉnh, Công an tỉnh, Thanh tra tỉnh, Sở Nội vụ…

Không chỉ thay đổi cách thức tuyển dụng bằng việc thi tuyển, lần đầu tiên việc bố trí công tác đối với những người trúng tuyển cũng được đổi mới. Trước đây, Sở GD-ĐT quyết định phân công công tác đối với tất cả giáo viên THPT. Song vừa qua, Sở chỉ làm nhiệm vụ ban hành quyết định, còn lựa chọn đơn vị công tác ở đâu là do thí sinh. Dựa trên chỉ tiêu tuyển dụng được Sở GD-ĐT công bố công khai, thí sinh có điểm cao nhất chọn trước rồi đến thí sinh khác theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến khi hết chỉ tiêu. Đối với các bậc mầm non, tiểu học, THCS cũng thay đổi với việc khi đăng ký dự thi, thí sinh đăng ký chọn nơi công tác và vị trí việc làm trong đơn đăng ký dự thi. Khi có kết quả thi tuyển, người trúng tuyển là người có điểm thi cao hơn, lấy theo thứ tự từ cao xuống thấp cho đến hết chỉ tiêu tuyển dụng của trường mà thí sinh đăng ký.

Ông Hà Thanh Quốc cho hay: "Việc tổ chức thi tuyển và người trúng tuyển được lựa chọn nơi công tác dựa trên kết quả điểm thi trong tuyển dụng viên chức giáo dục rõ ràng sẽ đảm bảo các yêu cầu công khai, cạnh tranh, công bằng, chất lượng, giúp tuyển dụng được những người có năng lực thật sự. Quan trọng hơn, điều này đã nhận được sự ủng hộ của hầu hết thí sinh và phần nào xóa đi suy nghĩ tiêu cực trong nhiều người về công tác tuyển dụng giáo viên và bố trí nhiệm sở. Cách làm này rõ ràng, không có chỗ cho sự thân quen hay con cháu của bất kỳ ai; mọi thí sinh đều như nhau và người nào học tập giỏi hơn, có điểm thi cao hơn sẽ có cơ hội trúng tuyển, được chọn nơi công tác. Đó là cuộc cạnh tranh công bằng, công khai, đúng quy định".

Còn đó những bất cập

Kỳ thi viên chức ngành GD-ĐT tỉnh Quảng Nam vào tháng 2-2017 thu hút số lượng thí sinh dự thi lên đến 3.895 người, trong khi chỉ tiêu tuyển dụng là 1.193 giáo viên bậc học mầm non, tiểu học và THCS. Tuy nhiên, kết quả kỳ thi đã gây không ít ngạc nhiên cho nhiều người khi chỉ có 304 thí sinh trúng tuyển, so với chỉ tiêu tuyển dụng chỉ đạt 25%. Điều này cũng đồng nghĩa, trong số 3.895 thí sinh dự thi có đến 3.591 thí sinh không đạt điểm trung bình. Kỳ thi lần thứ 2 vào tháng 12-2017 thu hút gần 3.400 thí sinh tham gia thi tuyển cạnh tranh ở 1.191 chỉ tiêu viên chức giáo dục, bao gồm 684 chỉ tiêu giáo viên mầm non, 437 tiểu học và 70 THCS. Kết quả cũng xảy ra tương tự kỳ thi lần trước khi chỉ tiêu tuyển dụng viên chức tại 14 huyện, thị xã, thành phố vẫn còn thiếu rất nhiều, trong đó có những địa phương có chỉ tiêu tuyển dụng khá nhiều như TX Điện Bàn 230 giáo viên, H. Núi Thành 213, Thăng Bình 185, Đại Lộc 125.

Hiện nay, chỉ tính riêng tại thị xã Điện Bàn, TP Hội An, H. Đại Lộc có gần 400 giáo viên, nhân viên hợp đồng lao động dài hạn có đóng bảo hiểm xã hội. Trong đó, Điện Bàn có số lượng lớn nhất, chỉ tính riêng số lượng giáo viên, nhân viên thư viện, nhân viên lưu trữ có thời gian đóng bảo hiểm xã hội từ 12 tháng đến 48 tháng thuộc ngành GD-ĐT lên đến hàng trăm người. Theo ông Nguyễn Tấn Ngọc - Trưởng phòng GD-ĐT TX Điện Bàn, hiện nay số lượng giáo viên, nhân viên hợp đồng dài hạn có thời gian đóng bảo hiểm xã hội chiếm tỷ lệ lớn trong đội ngũ cán bộ, giáo viên, nhân viên trường học. Vì vậy, khi tổ chức thi tuyển viên chức giáo dục, tâm trạng các giáo viên, nhân viên tỏ ra hết sức lo lắng, nhiều người không yên tâm đứng lớp dạy học, làm việc. Cho nên, vấn đề mà ngành GD-ĐT Điện Bàn quan tâm nhất hiện nay là công tác ổn định nề nếp dạy học ở các trường học. "Mặc dù đã trải qua hai kỳ thi tuyển viên chức giáo dục nhưng đến nay tỉnh Quảng Nam vẫn chưa tuyển dụng đủ số lượng chỉ tiêu giáo viên cho các địa phương. Việc này đã làm ảnh hưởng không nhỏ đến tình hình hoạt động của các cơ sở trường học. Những giáo viên hợp đồng không an tâm đứng lớp. Trong thời gian qua đã có nhiều giáo viên hợp đồng tự xin nghỉ việc khiến cho các trường học rơi vào cảnh thiếu giáo viên, công tác dạy học gặp rất nhiều khó khăn. Chúng tôi cảm thấy rất lo lắng nếu tình hình này tiếp tục kéo dài", ông Ngọc bày tỏ.

Một điều mà lãnh đạo ngành GD-ĐT các địa phương hết sức trăn trở nữa là: Trong số hàng trăm giáo viên, nhân viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội đang công tác, giảng dạy tại các trường học, có nhiều người là giáo viên dạy giỏi, chiến sĩ thi đua cơ sở nhiều năm liền. Ông Nguyễn Văn Dung - nguyên Trưởng phòng GD-ĐT TP Hội An chia sẻ: "Hiện nay, trong ngành GD-ĐT Hội An có gần hàng chục giáo viên, nhân viên hợp đồng có đóng bảo hiểm xã hội. Lãnh đạo chính quyền, ngành GD-ĐT địa phương rất lo lắng khi không biết tương lai công việc của họ như thế nào? Chúng tôi thật sự trăn trở về việc này".

Xây dựng và phát triển đội ngũ nhà giáo là một trong những nhiệm vụ trọng tâm của ngành GD-ĐT nhằm góp phần nâng cao chất lượng giáo dục, thực hiện hiệu quả công cuộc đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT. Vì vậy, những năm qua, ngành GD-ĐT đã triển khai thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp, từ việc đào tạo, bồi dưỡng, luân chuyển đến công tác tuyển dụng, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giáo viên vừa có tầm, vừa có tâm phụng sự cho sự nghiệp trồng người. Tuy nhiên, làm thế nào để giải quyết những bất cập trong tuyển dụng, thi tuyển viên chức giáo viên đang là bài toán cấp thiết đặt ra cho các địa phương.

KHẢI MINH