Cần hướng đi mới cho người nuôi heo

Thứ năm, 11/05/2017 08:25

(Cadn.com.vn) - Sau nhiều nỗ lực của các cấp, các ngành và toàn xã hội, giá heo bán tại chuồng đã nhích dần lên, gần đạt ngưỡng giá thành chăn nuôi, giúp hàng nghìn hộ nuôi heo tạm thời vượt qua khó khăn trong đợt giảm giá kéo dài mấy tháng qua. Nhưng nếu không có một hướng đi mới, nhiều người lo ngại rằng, tình trạng cung vượt cầu, giá heo rớt mạnh, sẽ sớm quay trở lại. Ngay lúc này, vấn đề đặt ra cho ngành chức năng là cần phải có những biện pháp cụ thể, thiết thực và căn cơ hơn để hỗ trợ, tìm hướng đi mới cho người chăn nuôi.

Khi thị trường Trung Quốc “đóng cửa”

Từ sau Tết Nguyên đán đến nay, thị trường Trung Quốc ngừng nhập khẩu heo thịt từ Việt Nam nên số heo xuất chuồng chỉ tiêu thụ nội địa. Do đó, giá heo thịt sụt giảm liên tục. Anh Kiều Văn Phẩm (trú xã Duy Nghĩa, H. Duy Xuyên, Quảng Nam) chia sẻ: “Chưa năm nào giá thịt heo hơi xuống thấp kỷ lục như năm nay. Nhiều người đang bỏ trống chuồng trại bởi vì thả nuôi lúc này chắc chắn bị lỗ. Hy vọng, thời gian sắp tới, giá heo hơi sẽ bình ổn trở lại”. Theo anh Phẩm vừa rồi giá thịt heo giảm còn 40 nghìn đồng/kg nhưng anh vẫn cố cầm cự không xuất chuồng. Đến khi mức giá hạ kỷ lục còn 22 nghìn đồng/kg anh Phẩm lỗ gần 100 triệu đồng cho cả đàn heo gần 300 con.

Giá thịt heo giảm mạnh khiến người chăn nuôi đối mặt với nguy cơ thua lỗ, không còn vốn tái đầu tư chăn nuôi. 

Trong khi đó, anh Võ Đoàn Sông Hàn (trú xã Tam Ngọc, TP. Tam Kỳ, Quảng Nam) chủ trại heo hơn 100 con cho biết với mức giá như hiện nay người chăn nuôi lỗ từ 800 nghìn đến 1 triệu đồng /con. Cuối năm 2016, trại heo của anh Hàn có khoảng 90 con heo thịt, anh cho xuất chuồng toàn bộ với giá 41 nghìn đồng/kg heo hơi. Với mức giá đó, anh Hàn chỉ lãi khoảng 50 nghìn đồng/con sau khi trừ chi phí. Trước tình hình biến động từ đầu năm đến nay anh chỉ nuôi 11 con heo nái cầm chừng chứ chưa dám thả nuôi heo con trở lại.

Rơi vào tình cảnh tương tự nhiều hộ nuôi heo tại Đà Nẵng vẫn đang “méo mặt” với giá heo thấp kỷ lục. Theo thống kê của phòng NN&PTNT H. Hòa Vang - nơi tập trung đông các trang trại, hộ chăn nuôi heo nhất Đà Nẵng trên địa bàn huyện hiện có tổng cộng 59.629 con đang được người dân thả nuôi lấy thịt. Trong đó, tập trung nhiều nhất tại xã Hòa Tiến với 12.900 con và Hòa Phú với 13.222 con. Ông Trần Hùng (trú thôn Lệ Sơn, xã Hòa Tiến) than thở: “Việc nhiều người đầu tư nuôi heo ào ạt với số lượng lớn tăng theo mỗi năm cũng làm cho thị trường thịt biến động khi cung vượt quá cầu. Có những trường hợp đầu tư hàng tỷ đồng nhưng cuối cùng đành “nhắm mắt” thu về vài trăm triệu vì giá heo giảm”.

Giá thịt heo thu mua tại chuồng giảm mạnh nhưng có một thực tế trái ngược là giá thịt heo trên thị trường không hề giảm.

Cần hướng đi mới

Trong lúc giá heo thu mua tại chuồng thấp kỷ lục khiến người nuôi chao đảo thì giá thịt heo trên thị trường vẫn “đóng đinh” trên cao. Trung bình heo thịt tại các chợ, siêu thị từ 80-100 nghìn đồng/kg. Thực tế đó đặt người nuôi heo vào tình thế không còn đường lùi khi không còn vốn và động lực tái đầu tư. Thực tế, tại Quảng Nam cũng đã có nhiều mô hình chăn nuôi heo khép kín, kết nối với các doanh nghiệp hoặc nuôi gia công cho Cty nước ngoài để ổn định đầu ra.

Cụ thể, gia đình ông Trần Văn Xông (trú  P. Điện Dương, TX. Điện Bàn) đầu tư mô hình chăn nuôi heo gia công khép kín cho Cty cổ phần chăn nuôi C.P Việt Nam. Ông Xông cho biết: “Để nuôi gia công cho Cty phải tuân thủ nhiều quy định về chăm sóc. Theo đó, để thực hiện mô hình liên kết này, nông dân tự bỏ vốn và xây dựng chuồng trại theo tiêu chuẩn kỹ thuật của Cty. Sau khi hoàn tất chuồng trại, Cty sẽ tiến hành cung cấp giống heo chất lượng cao để người dân chăn nuôi. Đồng thời, đội ngũ kỹ sư chăn nuôi và bác sĩ thú y của công ty sẽ hướng dẫn, giám sát, giúp nông dân thực hiện quy trình kỹ thuật chăn nuôi hiệu quả”. Tuy nhiên, giá thịt heo giảm cũng kéo theo nhiều khó khăn. “Trước đây trung bình mỗi lần xuất chuồng với việc công ty trả 40.000 đồng/kg heo hơi với những con heo đạt trọng lượng 100kg hơi nhưng vì giá heo giảm, heo 100kg hơi không bán được nên công ty cho xuất khi đạt 70kg. Điều đó đồng nghĩa với việc thu nhập của gia đình tôi cũng giảm”, ông Xông, kể.

Ông Lê Muộn, Phó Giám đốc sở NN&PTNT tỉnh Quảng Nam cho hay việc người nuôi heo phải đối mặt với nhiều khó khăn là mẫu số chung trên địa bàn toàn tỉnh cũng như cả nước. Về việc thịt heo giảm mạnh cũng là do người dân đầu tư nuôi với số lượng lớn trong khi thị trường nội địa vốn không ổn định. Hơn nữa, thịt heo từ chuồng ra đến chợ, siêu thị phải qua ít nhất 4 giai đoạn trung gian. Theo sở NN&PTNT TP Đà Nẵng để khắc phục, tháo gỡ tình trạng như hiện nay người chăn nuôi phải chủ động cập nhật tình hình, nắm bắt thị trường để đầu tư chăn nuôi, tránh trường hợp chăn nuôi ào ạt. Khuyến khích việc người chăn nuôi bắt tay, hợp tác xây dựng thành các chuỗi liên kết giữa các hộ chăn nuôi - hộ chăn nuôi hoặc hộ chăn nuôi - doanh nghiệp cùng với đầu tư, xây dựng chuồng trại thoáng mát, khoa học nâng chất lượng thịt để ổn định thị trường.

Phi Nông – Đồng Dao

Hỗ trợ nông dân tiêu thụ sản phẩm chăn nuôi

Ngày 10-5, Tỉnh Đoàn Kon Tum phối hợp với Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Kon Tum tổ chức chương trình thu mua heo do nông dân trong tỉnh chăn nuôi để cấp cho các bếp ăn của Trung tâm Bảo trợ xã hội tỉnh, Bệnh viện đa khoa tỉnh và Trường Phổ thông Dân tộc nội trú tỉnh Kon Tum. Ông Nguyễn Công Trứ, Giám đốc Ngân hàng TMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Kon Tum cho biết, sau khi tham khảo thị trường và chi phí của các hộ nông dân, những người thực hiện chương trình đã quyết định thu mua với giá 37.000 đồng/kg thịt heo hơi, cao hơn giá trên thị trường gần 10.000 đồng/kg. Mức giá thu mua này sẽ cắt được lỗ cho người chăn nuôi và đảm bảo có lãi nếu các hộ chăn nuôi chủ động được nguồn lợn giống. Tổng kinh phí thu mua lợn thịt là 550 triệu đồng do Ngân hàng Thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt và các cán bộ Chi nhánh ngân hàng này tại tỉnh Kon Tum đóng góp. Dự kiến, chương trình này sẽ kéo dài trong 2 tháng. Ngoài việc giúp các hộ nông dân tiêu thụ heo thịt, dịp này, Ngân hàng TTMCP Bưu điện Liên Việt Chi nhánh Kon Tum và Tỉnh Đoàn Kon Tum còn tổ chức Lễ hội ẩm thực bắc Tây Nguyên tại Nhà rông Kon Klor (TP Kon Tum). Đến lễ hội, ngoài việc được thưởng thức các món ẩm thực chế biến từ thịt heo, mỗi hộ dân còn được tặng 5 kg thịt lợn.

C.N