Tiếp xúc cử tri trước kỳ họp thứ 8, HĐND TP khóa VIII:

Cần lắng nghe dân để rút kinh nghiệm

Thứ năm, 28/11/2013 10:10

(Cadn.com.vn) - Ngày 27-11, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Đà Nẵng Trần Thọ và các ĐB HĐND TP: Nguyễn Nho Trung, Thượng tọa Thích Thiện Nguyện, Phan Thị Tuyết Nhung đã tiếp xúc cử tri (TXCT) các phường Khuê Mỹ và Mỹ An (Q. Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng).

Hơn 20 ý kiến của cử tri (CT) đề xuất, kiến nghị với ĐB HĐND TP về những vấn đề liên quan đến công tác bố trí tái định cư (TĐC), đền bù, giải tỏa, ô nhiễm môi trường và các vấn đề dân sinh khác.

Q. Ngũ Hành Sơn là địa phương có nhiều dự án giải tỏa, đền bù và bố trí TĐC. Trong đó, P. Khuê Mỹ tập trung nhiều dự án di dời, giải tỏa. Việc thực hiện công tác giải tỏa, đền bù đúng quy trình, quy định của pháp luật nhưng trong một số trường hợp vẫn chưa thỏa đáng khiến người dân bức xúc.

CT Vũ Tấn Tài (tổ 49) bày tỏ bức xúc về công tác áp giá đền bù, bố trí TĐC chưa thỏa đáng dẫn đến gây thiệt thòi cho nhân dân. Đồng quan điểm trên, các CT Trần Viết Hai, Hoàng Ngọc Tân cho rằng, đất đai gắn liền với cuộc sống của người dân nên việc giải quyết bố trí TĐC cho dân phải sống tốt hơn trước. “Vì sao lại bố trí cho dân ở những nơi  chưa có điện, nơi sụt lún và nếu người dân làm nhà, bị lún, hư hỏng thì ai chịu trách nhiệm?”- CT Tân nói.

CT Phan Minh Đông, Trần Viết Luyện kiến nghị khi tiến hành quy hoạch và bố trí phương án TĐC cần công khai họp dân, có thông báo cụ thể đến tận từng hộ dân để nhận biết và thực hiện, tránh để xảy ra tình trạng người dân tự mò mẫm tìm hiểu thông tin, không nắm được các chính sách đền bù.

CT Đông kiến nghị trong thời gian đến cần tiến hành thanh, kiểm tra công tác bố trí TĐC trên địa bàn thành phố nhằm bảo đảm tính công khai, minh bạch và công bằng cho người dân.

Các CT Trần Phước Thiện, Nguyễn Hưng Thạnh lại nêu ra vấn đề ra quyết định cưỡng chế của UBND Q. Ngũ Hành Sơn còn bất nhất, khiến người dân không biết thực hiện thế nào. Do vậy, CT mong các ban, ngành, địa phương cần lắng nghe và giải quyết tâm tư, nguyện vọng của người dân. Trong đó, cần giải quyết đúng quy định của pháp luật và thấu tình, đạt lý đối với các trường hợp bắt buộc phải cưỡng chế.

Về vấn đề ô nhiễm môi trường, thiếu điện chiếu sáng, công trình ở dưới chân đường điện cao thế, thiếu nhà sinh hoạt cộng đồng, thu phí sử dụng đường bộ... được các CT Lê Đắc Cử, Nguyễn Xược, Đinh Đoàn (P. Khuê Mỹ), Võ Văn Bảy, Huỳnh Thị Trường, Nguyễn Văn Điểu, Nguyễn Văn Hiệp, Phan Thị Nhật Hà, Ngô Minh Khải, Hồ Sĩ Hoàng, Trần Anh Đào (P. Mỹ An) kiến nghị và đề nghị HĐND TP có hướng sớm giải quyết.

Bí thư Trần Thọ trả lời chất vấn cử tri phường Khuê Mỹ và Mỹ An.

Phát biểu tại các buổi TXCT, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND TP Trần Thọ ghi nhận những kiến nghị, đề xuất của CT. Những kiến nghị liên quan đến các chính sách bố trí TĐC cho dân, Bí thư Thành ủy yêu cầu Trưởng Ban giải tỏa đền bù số 1 và Chủ tịch UBND Q. Ngũ Hành Sơn giải đáp và tiếp tục phối hợp với các cấp, ngành có liên quan tích cực xem xét, giải quyết thấu đáo nguyện vọng của dân. Thay mặt Thành ủy, HĐND TP, đồng chí Trần Thọ đã giải đáp nhiều vấn đề như: chính sách giải tỏa đền bù của TP sẽ không thay đổi và cái gì đúng sẽ tiếp tục thực hiện, còn điểm nào chưa đúng, chưa hợp lý thì tiếp tục sửa đổi trên tinh thần không có hồi tố. “Qua kiểm tra, tôi thấy rằng thời gian qua các cấp, các ngành và chính quyền địa phương đã có nhiều cố gắng trong công tác đền bù, giải tỏa nhưng một số người dân vẫn chưa thấy thỏa đáng, tôi đề nghị tiếp tục rà soát, kiểm tra thêm một lần nữa để giải quyết cho dân trên cơ sở tình-lý”- Bí thư Trần Thọ nhấn mạnh.

Về vấn đề cưỡng chế, Bí thư, Chủ tịch HĐND TP cho rằng, việc thực hiện bất nhất của chính quyền, gây tâm lý hoang mang cho người dân là chưa đúng. Về phản ánh của các hộ dân ở dưới đường dây cao thế (tổ 27, 28, 33 P. Khuê Mỹ), đồng chí yêu cầu Q. Ngũ Hành Sơn và các ngành có liên quan kiểm tra sớm, với những hộ không nằm trong hành lang điện lưới thì xem xét, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất và hoàn thành trong tháng 1-2014.

Đối với vấn đề xây dựng nhà họp tổ dân phố, hiện TP đã chia nhỏ nên không nhất quyết tổ nào cũng phải xây dựng mà dành cho liên tổ, có thể 3-4 hoặc 4-5 tổ có một nhà họp và sử dụng chung và chỉ triển khai thực hiện đối với những khu vực thực sự cần thiết.

Nguyễn Tuấn