Theo chương trình kỳ họp, hôm nay, QH biểu quyết thông qua Luật Đất đai (sửa đổi):

Nhìn lại những ý kiến tiêu biểu

Chủ nhật, 24/11/2013 23:04

(Cadn.com.vn) - Dự thảo Luật Đất đai là một tài sản trí tuệ của toàn dân, cho dù, đến những giờ phút cuối cùng bàn thảo nó, vẫn còn rất nhiều ý kiến khác nhau. Thực tiễn đã chứng minh rằng, không phải ý kiến phản đối nào cũng vô giá trị, bị rơi vào quên lãng; ngược lại, không phải mọi sự đồng tình với đa số đều là chân lý, đều ứng dụng được trong thực tiễn.

Nhân sự kiện này, chúng tôi điểm lại một vài ý kiến tiêu biểu trong quá trình góp ý dự thảo Luật Đất đai (sửa đổi) của các tầng lớp nhân dân, các chuyên gia và các vị đại biểu QH.

Cần công nhận sở hữu tư nhân về đất đai

Ông Lê Cao - Cty Luật hợp danh FDVN (Đà Nẵng), nêu ý kiến ngày 3-11-2012: “Theo tôi, bên cạnh xác định hình thức sở hữu Nhà nước về đất đai cũng cần công nhận sở hữu tư nhân về đất đai. Chỉ khi trao quyền sở hữu đất đai thực sự cho người dân thì họ mới yên tâm đổ công sức vào đầu tư, làm tăng giá trị của đất đai, mang lại lợi ích cho chính họ và qua đó là cho Nhà nước.

Đối với đất sản xuất nông nghiệp, việc tăng thời hạn sử dụng lên 40 năm, 50 năm cũng chỉ thể hiện về mặt hình thức, và vẫn giữ tư duy cần chia lại đất sau một thời hạn chứ chưa có đột phá trong việc bỏ hạn điền để người nông dân có thể đầu tư lớn, đổ mồ hôi công sức vào việc khai thác tiềm năng của đất”.

Cũng về chủ đề này, ngày 6-11-2013, thảo luận tại Kỳ họp thứ 6, QH Khóa XIII. ĐBQH Đàng Thị Mỹ Hương cho rằng: “Điều 4 về chế độ sở hữu đất đai, dự thảo luật quy định đất đai thuộc sở hữu toàn dân. Tôi thấy khái niệm về sở hữu toàn dân là quá chung và có tính pháp lý chưa cao và chưa thật đúng với thực tế. Để phù hợp hơn so với thực tế và thống nhất với các quy định khác trong hệ thống pháp luật Việt Nam, tôi đề nghị quy định tại đây là sở hữu Nhà nước sẽ có cơ sở pháp lý hơn và quy định như vậy cũng không làm mất đi bản chất của chế độ.

Phạm vi quyền định đoạt của Nhà nước quá lớn

ĐBQH Đặng Thuần Phong, đưa ý kiến tại Phiên họp tại hội trường, kỳ họp thứ 4, QH Khóa XIII, ngày 19-11-2012:

“Về quyền của Nhà nước đối với tư cách là đại diện chủ sở hữu đất đai và thực hiện chức năng quản lý Nhà nước đối với đất đai, Chương II. Trong đó, phạm vi quyền định đoạt của Nhà nước là quá lớn, các quyết định hành chính được thi hành sẽ rất nhiều, có thể làm méo mó thị trường bất động sản, khó ngăn chặn đầu cơ sử dụng đất đai tham nhũng trong quản lý và lạm dụng trong quy hoạch định giá giao đất và thu hồi đất. Tuy nhiên, cơ chế giám sát việc thực thi các quyền này của Nhà nước thì lại chưa có quy định cụ thể trong luật với nội dung tương thích. Tôi đề nghị cân nhắc thêm vấn đề này”.

Giá đất là vấn đề cực kỳ nhạy cảm

ĐBQH Huỳnh Nghĩa góp ý tại Kỳ họp thứ 6, QH Khóa XIII, ngày 22-11-2013: “Định giá đất là vấn đề cực kỳ nhạy cảm, phức tạp, trực tiếp liên quan đến lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và hàng triệu người dân.

Đây cũng là nguyên nhân cơ bản làm phát sinh những vụ khiếu kiện kéo dài, dai dẳng, gay gắt và vô cùng phức tạp. Việc xác định thế nào là “phù hợp” với giá trên thị trường hoàn toàn mang tính chủ quan. Khái niệm “giá đất phổ biến” cũng rất mơ hồ và khó xác định đâu là giá chuẩn. Nhiều nơi khung giá đất do Nhà nước quy định không đúng giá thị trường, giá đền bù chưa sát với giá “tiền tươi, thóc thật” mà người dân bán đất.

Chính vì vậy, quy định về tư vấn định giá đất tại Điều 115, 116 là rất cần thiết. Cần khuyến khích việc sử dụng rộng rãi các tổ chức dịch vụ có chức năng tư vấn định giá đất tham gia vào hoạt động xác định giá. Không nên quy định giá đất do tư vấn xác định trong trường hợp cơ quan Nhà nước có thẩm quyền yêu cầu tại Khoản 4 Điều 115 chỉ có giá trị tham khảo. Có như vậy thì việc xác định giá đất mới có căn cứ khoa học, khách quan, trung thực, bảo đảm hài hòa lợi ích của Nhà nước, doanh nghiệp và người dân...”.

Như vậy, rất thiệt thòi cho người dân...

Ngày 26-4-2013, một người dân sử dụng email hoang_ha...@yahoo.com gửi đến trang web duthaoonline.quochoi.vn, nơi thu nhận mọi ý kiến đóng góp các dự án luật của Văn phòng QH: “Về gia hạn thời hạn sử dụng đất: Ngoài việc người dân sử dụng đúng mục đích, có nhu cầu sử dụng tiếp thì phải phù hợp quy hoạch. Tôi cho rằng cần nghiên cứu lại vấn đề phải phù hợp quy hoạch. Vì đối với đất nông nghiệp người dân được công nhận quyền sử dụng đất thì hiện tại khu vực đó đã được quy hoạch sang mục đích khác cho phù hợp với tình hình KT-XH của địa phương, như thế thì người dân không đủ điều kiện để được gia hạn mà lại phải bị thu hồi. Như vậy, rất thiệt thòi cho người dân”.

B.T