NGÀY LÀM VIỆC THỨ 10, KỲ HỌP THỨ 8, QUỐC HỘI KHÓA XIII:

Cần quyết sách để kinh tế tăng trưởng cao trở lại

Thứ sáu, 31/10/2014 07:42

(Cadn.com.vn) - Sáng 30-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2014, kinh tế tiếp tục tăng trưởng, tính chung 9 tháng đạt 5,62%, cao hơn cùng kỳ 2 năm trước; ước cả năm 2014 đạt khoảng 5,8%. Tốc độ tăng giá tiêu dùng giảm mạnh, 9 tháng tăng 2,25%, thấp nhất trong 10 năm qua; dự kiến cả năm tăng dưới 5%. Văn hóa, xã hội tiếp tục phát triển, an sinh xã hội được bảo đảm. Các ý kiến tại phiên thảo luận đều nhất trí đánh giá kinh tế xã hội nước ta tiếp tục chuyển biến tích cực. Song, nhiều ý kiến cũng cho rằng, bên cạnh những thành tựu đáng ghi nhận, tình hình sản xuất kinh doanh của đất nước còn gặp rất nhiều khó khăn. Doanh nghiệp còn khó tiếp cận vốn tín dụng. Số doanh nghiệp giải thể, ngừng hoạt động còn lớn. Nợ công tăng nhanh. Nợ xấu còn cao, xử lý còn chậm. Việc huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển chưa đáp ứng yêu cầu.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng trao đổi với các đại biểu trong giờ giải lao của phiên họp toàn thể thảo luận về tình hình kinh tế - xã hội năm 2014 và nhiệm vụ năm 2015.

Đời sống, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn

Cho rằng, Báo cáo của Chính phủ do Thủ tướng trình bày tại phiên khai mạc kỳ họp thứ 8 đã đánh giá khá đầy đủ tình hình của đất nước, song đại biểu Nguyễn Cao Sơn băn khoăn về tình trạng sinh viên không tìm được việc làm, gia tăng tội phạm gây bức xúc dư luận, đời sống vật chất và tinh thần một bộ phận dân cư nông thôn, vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn. Đại biểu đề nghị Chính phủ tính toán cân đối trình Quốc hội cho phép phát hành thêm trái phiếu Chính phủ dành riêng cho đầu tư kết cấu hạ tầng, đồng thời chỉ đạo tăng cường huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển thực hiện hiệu quả các giải pháp chính sách huy động mọi nguồn lực xã hội để giảm đầu tư công; thực hiện tăng đầu tư ngân sách.

Đại biểu Trần Thị Hoa Sinh  đề nghị Chính phủ sớm xây dựng phương án cải cách tiền lương, quan tâm tổng kết sơ kết chương trình giảm nghèo, cắt bỏ chương trình không hiệu quả để cân đối nguồn vốn cho các chương trình giảm nghèo.

Đề nghị Báo cáo của Chính phủ làm rõ hơn về giá trị tăng trưởng ngành nông nghiệp, ngành thủy sản còn thấp hơn so với cùng kỳ, đại biểu Vũ Ngọc Niễn đề nghị đẩy mạnh giá trị sản xuất kinh tế biển cho tương xứng với tiềm năng lợi thế của quốc gia, hướng đến mục tiêu đến năm 2020 nước ta trở thành quốc gia mạnh về biển, đồng thời tăng cường bảo vệ chủ quyền biển đảo –yêu cầu cấp thiết, sống còn của nước ta trong bối cảnh hiện nay.

Đại biểu Trương Văn Vở đề nghị quan tâm 5 vấn đề, trong đó mục tiêu tổng quát cần tập trung tháo gỡ khó khăn sản xuất kinh doanh cho doanh nghiệp và người dân; kịp thời triển khai giải pháp về thuế, hỗ trợ doanh nghiệp, HTX doanh nghiệp theo hướng hỗ trợ doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp nông thôn, công nghiệp phụ trợ; điều chỉnh về thủ tục cho vay, tín chấp, thế chấp, giảm lãi suất cho vay trung và dài hạn...

Tăng nguồn lực cho đầu tư, phát triển

Nêu quan điểm về những tồn tại, yếu kém của nền kinh tế, đại biểu Trương Minh Hoàng cho rằng, có sự chuyển biến chậm chạp của một số lĩnh vực mà báo cáo đã đề cập như phát triển chưa vững chắc, thủ tục hành chính còn nhiều vướng mắc, tái cơ cấu quá chậm... Đại biểu đề nghị Chính phủ cần nghiên cứu giải pháp tăng mạnh hơn nữa tổng vốn xã hội, nghiên cứu kỹ phát hành trái phiếu Chính phủ năm 2015, dồn sức cho công trình lớn còn dở dang mà nếu hoàn thành có tác động tích cực đến sự phát triển, tập trung đầu tư cho ngành nghề, lĩnh vực bám biển bảo vệ chủ quyền, đảm bảo quốc phòng an ninh...

Nhận định việc tình hình thế giới xuất hiện nhiều yếu tố bất thường thời gian qua tác động lớn đối với những nước có độ mở cao, trong đó có Việt Nam, đại biểu Trần Hoàng Ngân khẳng định kinh tế nước ta phục hồi là có cơ sở khi mức tăng trưởng tăng dần. “Đã đến lúc phải tăng trưởng cao trở lại nhưng phải có quyết sách đúng”, đại biểu nêu ý kiến. Đồng tình với mục tiêu tăng trưởng ở mức 6,2%, kiểm soát lạm phát 5,5% nhưng đại biểu cho rằng, cần tăng tổng vốn đầu tư từ 30% lên 32% GDP. Đại biểu Trần Hoàng Ngân kiến nghị, phải có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy sản xuất trong nước. Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao số lượng doanh nghiệp phá sản, giải thể nhiều; cần hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung và dài hạn để đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ, tăng sức cạnh tranh...

Thiếu cơ sở pháp lý về mua bán nợ xấu

Phiên thảo luận ghi nhận một số ý kiến của các đại biểu kiến nghị Chính phủ cần thắt chặt hơn nữa quy định về quản lý, sử dụng vốn ODA, đảm bảo phát huy hiệu quả nguồn vốn này, phục vụ phát triển kinh tế xã hội của đất nước. Một số ý kiến kiến nghị Chính phủ cần kiểm soát tốt nợ công, nợ nước ngoài.

Đề nghị Quốc hội, Chính phủ tiếp tục kiểm soát nợ công và nợ nước ngoài, đại biểu Bùi Đức Thụ lưu ý, trong thời gian tới, Chính phủ cần huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển; thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa; các bộ, ngành tiếp tục phối hợp chặt chẽ với Ngân hàng Nhà nước trong việc xử lý nợ xấu và tái cơ cấu hệ thống tổ chức tín dụng, đẩy nhanh tiến trình tái cơ cấu doanh nghiệp Nhà nước, tái cơ cấu đầu tư và có giải pháp tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, đảm bảo lưu thông dòng vốn trong kinh tế cũng như việc điều hành linh hoạt, thận trọng giá các mặt hàng thiết yếu thúc đẩy tăng trưởng kinh tế ở mức hợp lý ổn định kinh tế vĩ mô.

Nêu quan điểm về trần nợ công quốc gia, đại biểu Đặng Thuần Phong đề nghị Chính phủ tập trung giải quyết xử lý bất cập cho năm 2015: Nợ công hiện là 60,3% GDP, so với bản đồ nợ công thế giới, nước ta đang ở mức trung bình; vấn đề đáng lo là khả năng tích lũy còn thấp; cơ cấu chi chưa thật tốt, 67% chi thường xuyên, 33% chi đầu tư phát triển, trả nợ thực sự chưa ổn, nên quyết liệt hơn cố gắng giảm chi thường xuyên khoảng 10% nữa cho chi đầu tư phát triển và trả nợ.

Về nợ xấu và quản lý nợ xấu, đại biểu cũng cho rằng: Công ty mua bán nợ xấu VAMC sau 1 năm hoạt động đã mua lại số nợ xấu trị giá 86.000 tỷ đồng; Ngân hàng cũng đã tự trích lập 78.000 tỷ đồng xử lý nợ xấu, đây là nỗ lực lớn của ngân hàng trong việc dồn sức xử lý từ nội lực của mình, song điểm thắt của vấn đề là thiếu nguồn lực, thiếu hỗ trợ từ ngân sách, thiếu cơ sở pháp lý cần thiết về mua bán nợ xấu.

Thu Thủy – TTXVN

Không vay ODA để chi thường xuyên

Bên lề kỳ họp, ngày 30-10, bà Lê Thị Nga, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội lên tiếng về vay ODA. Bà Lê Thị Nga nói: “Để hạn chế nợ công, nguyên tắc đầu tiên là không vay ODA để chi thường xuyên. Qua 20 năm chúng ta đã thu hút được 78 tỷ USD, trung bình khoảng hơn 3 tỷ USD/năm. Chính phủ đã rất nỗ lực đưa nguồn vốn này vào phát triển KT-XH, nhiều dự án công được xây dựng bằng nguồn vốn này. Tuy nhiên, thực tế phát sinh nhiều bất cập gây thất thoát, lãng phí, tham nhũng trong nhiều dự án ODA, đã ảnh hưởng không nhỏ đến chất lượng công trình, làm mất đi uy tín của Việt Nam đối với nhà tài trợ”.

Trao đổi bên lề kỳ họp, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Nguyễn Đức Kiên cho rằng: Chúng ta phải nhìn nhận rằng nợ công từ năm 2008 trở lại đây có tốc độ tăng nhanh hơn, thời hạn vay nợ ngày càng ngắn lại gây một áp lực trả nợ rất lớn. Nếu trước đây chúng ta không phải vay để đảo nợ thì từ năm 2012 chúng ta đã phải vay với số lượng vay ngày càng lớn.

Thành công trong năm 2014 là chúng ta đã kéo giãn được thời gian trả nợ và tránh được áp lực lên vấn đề trả nợ của ngân sách Nhà nước vào những năm 2015 -2016. Đại biểu Nguyễn Đức Kiên cũng khẳng định, quan điểm của Đảng, Nhà nước, Quốc hội chỉ rõ, vốn vay ODA là để cho đầu tư phát triển chứ không để phục vụ cho chi thường xuyên. “Chúng ta không tiêu dùng ngày hôm nay bằng sự trả nợ của con cháu chúng ta. Chúng tôi luôn luôn nhớ điều đó”, đại biểu Nguyễn Đức Kiên nói.