Kiến nghị nhiều giải pháp nâng cao hiệu quả phòng chống, kiềm chế gia tăng tội phạm
(Cadn.com.vn) - Ngày 25-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, thảo luận về kết quả công tác phòng chống vi phạm pháp luật, Báo cáo của Viện trưởng VKSND Tối cao, Chánh án TAND Tối cao và Báo cáo về công tác thi hành án.
Theo Báo cáo của Chính phủ, năm 2014, trong bối cảnh có nhiều yếu tố tác động tiêu cực đến tình hình an ninh trật tự, nhưng với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, nhất là lực lượng CA, hoạt động của các loại tội phạm đã được kiềm chế. Số vụ án khởi tố mới là 77.913 vụ với 121.039 bị can, tăng 2% về số vụ, nhưng giảm 2,19% về số bị can so với năm 2013. CQĐT cả nước đã khởi tố điều tra 25.934 vụ với 55.944 bị can liên quan đến tội phạm xâm phạm trật tự xã hội, giảm 1,59% về số vụ.
Đại biểu Huỳnh Nghĩa tham gia phát biểu tại hội trường. |
Một số tội phạm nghiêm trọng như giết người, chống người thi hành công vụ giảm. Tuy nhiên, hoạt động của các băng, nhóm tội phạm còn tiềm ẩn phức tạp tại các thành phố và các khu vực giáp ranh, chủ yếu dưới dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức đánh bạc, cá độ bóng đá... Lực lượng CA đã phát hiện, triệt phá 4.904 băng, nhóm tội phạm, trong đó có 161 băng, nhóm tội phạm nguy hiểm. Thủ đoạn hoạt động của các băng, nhóm tội phạm ngày càng tinh vi, núp dưới vỏ bọc doanh nghiệp, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn. Tội phạm sử dụng súng, vật liệu nổ vẫn diễn ra nghiêm trọng. Tội phạm mua bán người phát hiện 220 vụ (tăng 10% so với năm 2013); tội phạm đánh bạc xảy ra khá phổ biến. Tội phạm xâm phạm trật tự quản lý kinh tế phát hiện, khởi tố điều tra 1.318 vụ (tăng 1,62%).
Tội phạm trong lĩnh vực ngân hàng, tài chính diễn biến phức tạp, phát hiện nhiều vụ phạm tội nghiêm trọng, gây thất thoát lớn tài sản của Nhà nước, doanh nghiệp, tác động xấu đến quá trình tái cơ cấu nền kinh tế và hoạt động của hệ thống ngân hàng, tài chính. Tình hình buôn lậu, buôn bán hàng giả diễn ra phổ biến, nhất là các tuyến biên giới. Toàn quốc phát hiện, khởi tố điều tra 303 vụ tội phạm về tham nhũng. Ngoài những vụ tham nhũng lớn, có tổ chức được phát hiện thì tình trạng sai phạm, tiêu cực trong lĩnh vực hành chính, dịch vụ công diễn ra khá phổ biến, song khó phát hiện, do người dân ngại tố cáo, tố giác và thiếu chứng cứ để xử lý. Tội phạm ma túy, môi trường tiếp tục xảy ra gây nhức nhối trong nhân dân...
Theo chương trình làm việc, hôm nay (27-10), Kỳ họp sẽ có các nội dung: * Bộ trưởng Bộ Tư pháp Hà Hùng Cường, thừa ủy quyền của Thủ tướng Chính phủ, trình bày Tờ trình về dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); * Chủ nhiệm Ủy ban pháp luật của Quốc hội Phan Trung Lý trình bày Báo cáo thẩm tra dự án Bộ luật Dân sự (sửa đổi); * Ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); * Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Tòa án nhân dân (sửa đổi); * Ủy viên Ủy ban thường vụ Quốc hội, Chủ nhiệm Ủy ban tư pháp của Quốc hội Nguyễn Văn Hiện trình bày Báo cáo giải trình, tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi); * Thảo luận ở hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Tổ chức Viện kiểm sát nhân dân (sửa đổi). |
Chiều 25-10, thảo luận về các nội dung trên, nhiều đại biểu Quốc hội tán thành với những nội dung trong các Báo cáo về phòng chống vi phạm pháp luật và tội phạm, báo cáo công tác của các ngành Kiểm sát và Tòa án về diễn biến, tình hình tội phạm và những vấn đề cần đặt ra trong công tác phòng chống tội phạm thời gian tới. Các đại biểu Quốc hội đề nghị cần có nhiều biện pháp xử lý nghiêm các hoạt động vi phạm pháp luật và tội phạm; hạn chế những nguyên nhân chủ quan làm phát sinh tội phạm như: Tham nhũng, hối lộ, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức. Đại biểu Trương Thị Huệ (Thái Nguyên) bày tỏ bức xúc trước thực trạng thời gian qua có tình trạng đội ngũ công chức, cán bộ Nhà nước đánh nhau vì say rượu, thậm chí vì những cái nhìn không vừa mắt làm cho người dân bức xúc. Có nhiều biểu hiện cán bộ, công chức làm sai nhưng không được xử lý nghiêm minh và chưa được đề cập sâu trong các báo cáo. Đại biểu đề nghị Quốc hội xây dựng Luật Giám sát HĐND để tăng cường hoạt động kiểm tra, giám sát đội ngũ cán bộ, công chức trong công tác, lối sống; Chính phủ cần tăng cường thực thi các biện pháp rèn luyện phẩm chất đạo đức cán bộ, công chức, xử lý nghiêm các sai phạm.
Trong công tác truy tố, xét xử, một số ý kiến tại buổi thảo luận cho rằng, thời gian qua, số vụ tội phạm tham nhũng bị trả hồ sơ tăng lên, hoạt động tranh tụng tại một số cấp xét xử còn hình thức, hạn chế. Số bản án bị kháng cáo, kháng nghị tăng; số đơn đề nghị giám đốc thẩm, tái thẩm còn tồn đọng lớn, một số vụ án nghiêm trọng từ nhiều năm vẫn chưa được giải quyết triệt để... chưa đáp ứng yêu cầu cải cách tư pháp.
Kiến nghị những giải pháp nâng cao hiệu quả công tác phòng chống tội phạm, đại biểu Vũ Chí Thực đề nghị Quốc hội cần ban hành các văn bản tạo điều kiện cho lực lượng chuyên trách đủ sức tấn công tội phạm; đồng thời tiếp tục đẩy mạnh công tác đảm bảo an sinh xã hội, chăm lo hơn nữa đến đời sống nhân dân; bịt kín các sơ hở, thiếu sót trong quản lý Nhà nước, hạn chế nguyên nhân phát sinh tội phạm.
Cuối giờ chiều 25-10, Quốc hội làm việc tại hội trường, nghe Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ ngoại giao Phạm Bình Minh trình bày Báo cáo về tình hình biển Đông.
Thu Thủy – Hữu Hoa