Cẩn thận khi nhận được tin nhắn tài khoản ngân hàng bị khóa
Khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng, ngày 10-2, chị N.T.T.T. (1997, trú Q. Liên Chiểu, Đà Nẵng) đã đến Công an quận Thanh Khê (Đà Nẵng) trình báo và đề nghị cơ quan Công an điều tra, xử lý đối tượng lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của mình và bảo vệ quyền tài sản của mình.
Bị hại nhận tin nhắn của các đối tượng lừa đảo. |
Theo chị N.T.T.T. trình bày, lúc 16 giờ 38 ngày 7-2, đang làm việc tại cơ quan trên đường Điện Biên Phủ (Đà Nẵng) thì nhận được tin nhắn của Vietcombank thông báo tài khoản Banking Vietcombank của mình bị khóa kèm theo trang Web: www.vcbdivbink.com. Tin nhắn yêu cầu tôi đăng nhập để đổi mật khẩu cho tài khoản Banking của chị T. Sau khi đăng nhập vào web trên và đổi mật khẩu, chị T. tiếp tục nhập mã OTP vào trang web. Ngay sau đó, chị nhận được tin nhắn báo tài khoản ngân hàng của mình bị trừ 45,8 triệu đồng. Khi chị T. đã làm việc với ngân hàng và được biết thông tin tài khoản hưởng số tiền 45,8 triệu đồng là STK 189100… tên Le Hoang Canh, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam.
Đây chưa phải là vụ duy nhất xảy ra trên địa bàn Q. Thanh Khê. Trước và sau thời điểm đó cũng đã có nhiều người rơi vào “bẫy” với cùng thủ đoạn tương tự. Lúc 15 giờ 50 ngày 7-2, anh N.H.T. (1995, trú đường Phạm Như Xương, TP Đà Nẵng) đang làm việc tại một địa chỉ trên đường Điện Biên Phủ (TP Đà Nẵng) thì có tin nhắn của ngân hàng Vietcombank gửi đến với nội dung tài khoản của anh đã bị khóa và kèm theo một đường link www.vcbdivbink.com đăng nhập để xác thực.
Thiếu úy Trần Hoài Nam, cán bộ Công an phường Chính Gián (Q. Thanh Khê) cho biết, theo trình bày của anh T., là do anh không để ý nên đã bấm vào đường link và làm theo hướng dẫn thì tài khoản của anh T., bị trừ mất 10 triệu đồng. Toàn bộ số tiền nói trên đã được chuyển vào một tài khoản của ngân hàng BIDV mang tên Le Hoang Canh với số tài khoản 189100…
Tương tự với các trường hợp nói trên, chị N.T.T.V., (1980, trú P.Thạc Gián, Q.Thanh Khê, TP Đà Nẵng) cũng bị “một vố” lừa khá đau. Đó là lúc 8 giờ 46 ngày 8-2, chị V., cũng nhận được một tin nhắn từ ngân hàng Vietcombank với nội dung “Tài khoản của bạn đã bị khóa. Đăng nhập www.vietombink.com để xác thực ngay hôm nay”. Chị V. cứ nghĩ tin nhắn trên là của ngân hàng nên chị đã đăng nhập vào trang web trên. Sau khi nhập thông tin tài khoản của mình vào trang web này thì ngay lập tức tài khoản của chị V., đã bị trừ 49 triệu đồng. Lúc này, chị V., liền liên hệ với ngân hàng thì được biết tin nhắn trên giả mạo ngân hàng để chiếm đoạt tiền của khách hàng. Qua tra soát từ ngân hàng Vietcombank thì phát hiện số tiền trên đã được chuyển vào tài khoản mang tên Lê Hoàng Cảnh, số tài khoản 189100… mở tại ngân hàng BIDV.
Trong khi đó, chị N.T.T., (1992, trú xã Bình Lâm, H. Hiệp Đức, tỉnh Quảng Nam) đang làm việc tại một đơn vị trên đường Lê Duẩn (TP Đà Nẵng) cho biết: Lúc 10 giờ 13 ngày 8-2-2022, chị đang làm việc thì nhận được tin nhắn từ tổng đài Vietcombank với nội dung: VCB Digibank trân trọng thông báo tài khoản của quý khách hiện tại đã bị khóa. Đăng nhập www.vietombink để xác thực ngày hôm nay. Sau khi tôi kích vào link và đăng nhập tài khoản và thực hiện theo lệnh. Giao diện của link đó giống hệt với giao diện của VCB Digibank nên chị thực hiện theo và tài khoản của chị bị trừ 49 triệu đồng. Đến trưa hôm đó, chị tiếp tục nhận được tin nhắn với nội dung giống như lần trước nhưng biết mình bị lừa nên chị điện báo tổng đài Vietcombank tạm khóa tài khoản của mình.
Sau hàng loạt vụ việc đối tượng có hành vi “Sử dụng mạng máy tính, mạng viễn thông, phương tiện điện tử thực hiện hành vi chiếm đoạt tài sản”, Trung tá Trần Văn Tuấn- Đội trưởng Đội CSHS Công an quận Thanh Khê khuyến cáo: “Khi nhận được tin nhắn từ hệ thống ngân hàng, phải kiểm tra người gửi tin nhắn có phải của hệ thống ngân hàng hay không? Tuyệt đối không đăng nhập vào đường link lạ không phải trang web chính thức của ngân hàng. Không nhập số tài khoản, MK, OTP cho bất kỳ trang web nào. Không làm theo hướng dẫn của người tự xưng cán bộ ngân hàng giao dịch qua điện thoại”.
PHƯƠNG KIẾM