Cần thay đổi tư duy, nhận thức về tự chủ đại học

Thứ tư, 12/04/2017 09:23

(Cadn.com.vn) - Sáng 11-4, Đoàn công tác do ông Phan Thanh Bình - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc Hội (UBVHGDTTNNĐ) làm trưởng đoàn đã có buổi làm việc với Đại học (ĐH) Đà Nẵng nhằm khảo sát việc thực hiện chính sách, pháp luật Luật giáo dục Đại học (GDĐH) và vấn đề tự chủ ĐH. Nhiều vấn đề liên quan đến tự chủ ĐH cũng như mô hình, vai trò của ĐH Vùng trong xu thế đổi mới theo hướng tự chủ ĐH được đặt ra.

GS-TS Trần Văn Nam- Giám đốc ĐH Đà Nẵng, trình bày các vấn đề liên quan đế tự chủ ĐH của ĐH Đà Nẵng. 

Tự chủ ĐH không chỉ là tự chủ tài chính

 GS.TS Trần Văn Nam - Giám đốc ĐH Đà Nẵng cho biết, ĐH Đà Nẵng đang triển khai tự chủ theo cấp độ thứ hai, nghĩa là tự chủ giữa ĐH Đà Nẵng với cơ sở GDĐH thành viên.  Lộ trình dự kiến đến năm 2020, tất cả các cơ sở GDĐH thành viên sẽ triển khai thực hiện tự chủ.

Tuy nhiên, khi triển khai vấn đề tự chủ ĐH đã xuất hiện nhiều vướng mắc, thiếu cơ sở để triển khai. Cụ thể, tự chủ phải bắt đầu tự quan hệ giữa Bộ chủ quản và các trường trực thuộc Bộ, trong đó có các ĐH Vùng. Theo đó, nếu như hiện nay, Bộ GD-ĐT quyết định tất cả các vai trò quan trọng trong đầu tư, chỉ tiêu tuyển sinh và mở ngành (gần đây Bộ đã giao lại cho ĐH Vùng) thì rất khó để triển khai tự chủ. GS.TS Trần Văn Nam phân vân, nếu như phân quyền rộng cho các trường thành viên thì ĐH Vùng, cơ quan ĐH vùng trở thành cấp trung gian. Điều này sẽ làm giảm đi vai trò của ĐH Vùng. Tự chủ không thể thực hiện bằng cách quản lý như hiện nay là cấp giấy phép “được làm hay không” cho từng năm ở các trường. Luật GDĐH, Điều lệ chủ động đưa ra các quy chế hoạt động, các quyết định của mình, công khai các nguồn lực, chương trình và chất lượng, chịu trách nhiệm về tính trung thực các dữ liệu công bố để xã hội có thể giám sát. Cũng theo GS.TS Trần Văn Nam, thì cần phải có quan niệm đúng đắn hơn về tự chủ. Không nên có quan điểm tự chủ có nghĩa là cắt giảm tài chính từ ngân sách Nhà nước. GS.TS Trần Văn Nam đơn cử, ở các nước tư bản cũng không hề cắt hết tài chính đối với các cơ sở GDĐH.

Đồng quan điểm này, PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn - Hiệu trưởng Trường ĐH Kinh tế - ĐH Đà Nẵng, cho rằng: Tự chủ ĐH không chỉ thể hiểu là tự chủ về tài chính, mà phải tự chủ cả về bộ máy, nhân sự, tự chủ trong việc thực hiện các chức năng, nhiệm vụ ĐH đó là 2 chức năng lớn: nghiên cứu khoa học và đào tạo. Có như thế, các trường ĐH mới thực hiện được sứ mệnh đào tạo nguồn nhân lực cho xã hội, mới tham gia vào thị trường lao động toàn cầu và nằm trong xếp hạng cùng với thế giới. Trong các mặt tự chủ đó, có tự chủ về tài chính.

Cũng theo PGS.TS Nguyễn Mạnh Toàn, trong tự chủ tài chính cần phải phân biệt giữa chi thường xuyên và chi đầu tư. Theo đó, đối với các trường ĐH thực hiện tự chủ thì phần chi thường xuyên do nhà trường đảm bảo. Tuy nhiên, Nhà nước vẫn phải đầu tư nhưng có trọng tâm, trọng điểm. Bởi lẽ, với nguồn lực và mức thu nhập của người dân hiện nay, nếu Nhà nước không có sự đầu tư ngân sách thì các trường ĐH Việt Nam khó có thể đứng trong tốp các trường ĐH có chất lượng trên thế giới. Nhà nước nên quan tâm 2 đối tượng đó là SV nghèo, chính sách và nhân tài. Phần còn lại thì người học tự lo. Tránh đầu tư theo kiểu dàn trải. Với học phí thấp và mức đầu tư thấp thì khó lòng đòi hỏi thành quả cao trong đào tạo nguồn nhân lực, đặc biệt là nhân tài cho đất nước. 

Ông Phan Thanh Bình - Ủy viên BCH T.Ư Đảng, Chủ nhiệm UBVHGDTTNNĐ của Quốc Hội, phát biểu tại buổi làm việc.

Phải giao cho ĐH Vùng quyền tự chủ cao hơn

Thực tế cho thấy, đến nay, vẫn có không ít người làm công tác quản lý phụ trách GD vẫn chưa hiểu rõ khái niệm về ĐH Vùng. Theo PGS.TS Đoàn Quang Vinh - Phó Giám đốc ĐH Đà Nẵng, xác định về vai trò của ĐH Vùng vẫn chưa thể hiện rõ trong Luật GDĐH. Theo đó, ông Vinh đề nghị nếu có chỉnh sửa Luật GDĐH nên có thêm về định nghĩa vai trò của ĐH Vùng. Đồng thời, phải giao quyền tự chủ cao hơn cho ĐH Vùng. Bởi lẽ, một khi tất cả các trường ĐH thành viên đều tự chủ thì ĐH Vùng cũng phải tự chủ với một quyền cao hơn các trường ĐH thành viên. Có như thế mới cân bằng, mới không tạo ra mâu thuẫn. Và như thế thì sự tồn tại của ĐH Vùng mới có ý nghĩa, mới tạo động lực để phát  triển.

GS.TS Trần Văn Nam cho rằng, một khi các trường thành viên đều thực hiện tự chủ thì ĐH Vùng cũng phải thực hiện tự chủ. Theo đó, mô hình ĐH Vùng của ĐH Đà Nẵng cũng phải thay đổi.

Chia sẻ với đội ngũ cán bộ quản lý ĐH Vùng-ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên, ông Triệu Thế Hùng - Ủy viên Thường trực Ban VHGDTTNNĐ của Quốc hội, cho rằng: Luật GDĐH được xây dựng và thông qua năm 2012. Tuy nhiên, những văn bản dưới luật mang tính chất cốt lõi vẫn chưa được hoàn thiện. Theo đó, Luật GDĐH chưa định nghĩa rõ ràng vai trò, chức năng của ĐH Vùng. Vấn đề cốt lõi nữa là việc phân tầng, xếp hạng cũng chưa thực sự rõ ràng. Ngay như cơ chế tài chính GDĐH cũng chưa được rõ ràng. 

Tiếp thu những ý kiến, kiến nghị của ĐH Đà Nẵng và các trường thành viên về các nội dung cần sửa đổi, bổ sung trong Luật GDĐH, ông Phan Thanh Bình cho biết, để có cơ sở để chỉnh sửa Luật GDĐH, thời gian tới sẽ gửi công văn cho Bộ GD-ĐT đề nghị đánh giá về ĐH Vùng trong thời gian qua. Theo đó, cái gì hay, hiệu quả thì tiếp tục phát huy, cái gì đang vướng thì phải chỉnh sửa. Ông Phan Thanh Bình đặc biệt đánh giá cao vai trò, vị thế và những đóng góp của ĐH Vùng - ĐH Đà Nẵng trong việc đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng cho khu vực miền Trung-Tây Nguyên, cũng như cả nước.

Chia sẻ với ĐH Vùng - ĐH Đà Nẵng, ông Phan Thanh Bình cho rằng, điều cần làm trước tiên là phải thay đổi được nhận thức, quan niệm về tự chủ ĐH. Tự chủ ĐH phải tự chủ về cơ cấu tổ chức, tài chính, học thuật, nhân sự là đúng. Nhưng đó cũng chỉ là những điều kiện, nội hàm lớn hơn của tự chủ ĐH là môi trường cho sự sáng tạo. Theo đó, phải làm sao tạo được môi trường để người trí thức phát huy được năng lực, sức sáng tạo của mình. Có như thế họ mới toàn tâm, toàn ý cống hiến cho sự nghiệp GD-ĐT. Một khi người thầy luôn ở trong tâm thế cống hiến, sáng tạo thì sẽ tạo động lực để SV sáng tạo. Có như vậy mới có sản phẩm và nguồn lực của các trường sẽ được tăng lên.

Cũng theo ông Phan Thanh Bình, tự chủ thì đi kèm phải nói đến trách nhiệm giải trình với xã hội. Song hành đó cũng cần đề cập đến trách nhiệm tương đồng của xã hội. Ông Bình cũng cho rằng, tự chủ ĐH không phải là Nhà nước cắt giảm ngân sách đầu tư, mà là đầu tư ngân sách có trọng tâm, trọng điểm. Tuy nhiên, liên quan đến vấn đề tài chính, ông Phan Thanh Bình đề nghị các trường cũng phải tính toán chi phí thật trong đào tạo. Chỉ khi nào chúng ta nói được đơn giá đào tạo thật sự  thì mới thực sự sòng phẳng với người học.

Có thể nói, tự chủ ĐH là xu hướng tất yếu của ĐH Việt Nam trong xu thế cạnh tranh để hội nhập. Theo đó, đối với các trường ĐH thành viên của ĐH Vùng, khi thực hiện tự chủ ĐH phải tính trong sự phát triển chung tổng thể của ĐH Vùng.

P.Thủy