Dạy-học kiểu chạy sô ?!
(Cadn.com.vn) - Đấy là cách gọi đùa, ví von của không ít sinh viên (SV) khi nói về những giờ dạy - học thỉnh giảng. Bên cạnh việc ghi nhận đội ngũ giảng viên, người được mời dạy thỉnh giảng phần lớn đều giàu kinh nghiệm, giàu kiến thức, kỹ năng và vốn sống, nhiều SV phàn nàn cho biết rất mệt mỏi với kiểu dạy - học "sô" như thế.
Không chỉ mệt mỏi khi phải học "sô" với thời khóa biểu phụ thuộc vào điều kiện, thời gian mời được người thỉnh giảng, theo phản ánh của nhiều SV, chất lượng tiếp thu bài vở đối với những môn học này cũng không cao. Thậm chí có SV tâm sự, mỗi lần xem thời khóa biểu biết sẽ có những giờ học thỉnh giảng với giảng viên đến từ các tỉnh thành khác là thót tim vì nhiều lý do không tiện nói ra. Đấy là thực trạng chung của những trường ĐH, CĐ thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu trên phạm vi cả nước hiện nay.
Do phần lớn những giảng viên, các nhà quản lý, người giàu kinh nghiệm các chuyên ngành mà trường ĐH, CĐ đó đang đào tạo được mời dạy thỉnh giảng đều đã có công việc, chỗ đứng ổn định trong xã hội, nên thời gian nhận lời mời về dạy đều ngoài giờ hành chính hoặc những ngày nghỉ cuối tuần. Điều này đồng nghĩa với việc SV phải học ban đêm, học vào những ngày nghỉ cuối tuần. Đó là chưa kể, nếu như giảng viên hoặc người được mời dạy thỉnh giảng từ xa đến, thì thời gian học của SV thường được đôn lên với mục đích rút ngắn thời gian theo yêu cầu, điều kiện của người được mời thỉnh giảng; đồng thời cũng là cách để tiết kiệm, giảm chi phí của nhà trường... Chỉ thương cho SV với thời gian, lịch học dày kín từ sáng đến tối nên nhiều em đã ngủ gục trong giờ học vì quá mệt mỏi…
Các thí sinh tham khảo về tiêu chí tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ. (Ảnh có tính chất minh họa). Ảnh: P.T |
Thực trạng thiếu giảng viên cơ hữu khiến các trường ĐH, CĐ đua nhau tìm cách mời cho bằng được giảng viên của những trường ĐH có uy tín về dạy với mức chi trả cao dẫn đến sự cạnh tranh không lành mạnh, ảnh hưởng không nhỏ đến công tác quản lý nhân sự cũng như chất lượng đào tạo của trường ĐH, CĐ nơi có số lượng giảng viên cơ hữu được mời dạy thỉnh giảng nhiều. Bởi lẽ, do phải "chạy sô" dạy nhiều nơi nên các giảng viên này đã không thể dành nhiều thời gian cho việc đầu tư, nghiên cứu chuyên sâu chuyên ngành, lĩnh vực mà mình đang đảm trách tại trường. Chất lượng giảng dạy vì thế mà cũng kém hiệu quả.
Tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH" do Bộ GD-ĐT tổ chức ở Đà Nẵng đầu tháng 1 vừa qua, vấn đề này đã được nhiều nhà quản lý đến từ những trường ĐH trong cả nước bức xúc phản ánh. GS-TS Mai Hồng Quỳ- Hiệu trưởng Trường ĐH Luật TP Hồ Chí Minh, phản ánh thực trạng có giảng viên được nhà trường đầu tư, cho đi học cao học, tiến sĩ, nhưng sau khi bảo vệ thành công luận án tiến sĩ về lại trường ngoài việc đòi tăng lương thì "một chân ở trường, nhưng lại đi dạy thỉnh giảng khắp nơi". Theo đó, GS-TS Mai Hồng Quỳ cho rằng, dù có tăng lương đến bao nhiêu, nhưng nếu không có cơ chế quản lý đội ngũ giảng viên thì tình trạng này sẽ tiếp tục xảy ra và hiệu trưởng các trường có đội ngũ giảng viên không chuyên tâm dành thời gian nghiên cứu, giảng dạy tại trường chính của mình thì không làm được gì. Bởi, nếu "làm mạnh tay" thì sẽ bị họ "dọa" nghỉ việc để nhận lời mời về hợp tác các trường ĐH khác. Theo đó, bà đề nghị Bộ GD-ĐT cần chấn chỉnh kỷ cương trong vấn đề này; đồng thời giao cho hiệu trưởng các trường ĐH thẩm quyền để giải quyết những vấn đề liên quan đến đội ngũ giảng viên.
Con số thống kê do Bộ GD-ĐT cung cấp tại hội nghị này cho thấy, với tỷ lệ chỉ có gần 20% đội ngũ giảng viên trên phạm vi cả nước đạt trình độ tiến sĩ, còn phổ biến là thạc sĩ và ĐH là rất thấp. Với tỷ lệ đó, thực trạng dạy-học theo kiểu chạy sô ở các trường ĐH, CĐ thiếu giảng viên cơ hữu là điều tất yếu, không thể tránh khỏi.
Trong thời buổi mà giáo dục được xem là loại hình kinh doanh đặc biệt như hiện nay, thậm chí trở thành một "thị trường" kinh doanh "béo bở" của không ít nhà đầu tư trong và ngoài nước thì cuộc cạnh tranh về chương trình đào tạo, đội ngũ giảng viên, điều kiện cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học giữa các trường ĐH là cuộc cạnh tranh mang tính sống còn. Để đáp ứng với nhu cầu của thị trường lao động, có không ít trường đua nhau xin mở thêm nhiều mã ngành đào tạo mới nhưng lại thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữu trên lĩnh vực này. Điều này đồng nghĩa với việc phải mời giảng viên thỉnh giảng; cũng đồng nghĩa với những giờ dạy-học "sô" đầy mệt mỏi.
Câu hỏi đặt ra là bao giờ việc công khai, minh bạch bộ khung về đội ngũ giảng viên của các trường ĐH cho xã hội biết để lựa chọn, đã được Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ nhấn mạnh tại hội nghị "Giải pháp nâng cao chất lượng giáo dục ĐH"sẽ được thực hiện? Có như thế mới hy vọng chấm dứt được tình trạng dạy-học "sô" ở một số trường ĐH, CĐ thiếu đội ngũ giảng viên cơ hữa như hiện nay.
Khánh Yên