Cần thiết có sự đồng thuận của công chúng trong phát triển điện hạt nhân

Thứ bảy, 14/11/2015 10:13

(Cadn.com.vn) - Ngày 13-11, tại Ninh Thuận, Cục Năng lượng nguyên tử, Bộ Khoa học và Công nghệ phối hợp với Tập đoàn Năng lượng quốc gia Nga (ROSATOM) tổ chức hội thảo quốc tế "Sự chấp nhận của công chúng đối với công nghệ hạt nhân - Chia sẻ kinh nghiệm từ Châu Á".

Tại hội thảo, ông Andrey Stankevich, đại diện ROSATOM tại Việt Nam cho biết, những năm qua, ROSATOM đã hỗ trợ toàn diện Việt Nam trong các chương trình thông tin và truyền thông để nâng cao nhận thức cộng đồng về năng lượng hạt nhân. Tháng 12-2012, Trung tâm Thông tin năng lượng hạt nhân đã đi vào hoạt động tại Hà Nội và đón tiếp hơn 45.000 lượt khách tham quan. Tháng 12-2015, ROSATOM và Bộ Khoa học và Công nghệ đã ký Biên bản ghi nhớ hợp tác hỗ trợ thông tin tuyên truyền đối với các dự án chung trong lĩnh vực công nghiệp điện hạt nhân giai đoạn 2015-2020.

Ông Hoàng Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Năng lượng nguyên tử nhấn mạnh sự cần thiết trong việc có được sự đồng thuận của công chúng trong phát triển ngành điện hạt nhân còn nhiều mới mẻ tại Việt Nam, đồng thời chia sẻ vai trò của các bên liên quan trong việc phát triển nền công nghiệp điện hạt nhân của Việt Nam.

Ông Srisht Pall Singh, chuyên gia hạt nhân hàng đầu đến từ Hiệp hội Hạt nhân Ấn Độ nhận xét: Kế hoạch phát triển điện hạt nhân sẽ không thể thực hiện được nếu không có tiến trình chinh phục sự đồng thuận của công chúng. Từ thực tế của Ấn Độ, ông đã chia sẻ kinh nghiệm về sự chấp thuận của công chúng tại các cơ sở năng lượng hạt nhân, bởi Ấn Độ sẽ là một ví dụ tốt cho Việt Nam khi vận hành thành công 21 lò phản ứng, 6 tổ máy đang được xây dựng và ít nhất 12 tổ máy đang lên kế hoạch xây dựng và vận hành trong 20 năm tới.

Quan chức cấp cao Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) xem xét địa điểm xây dựng nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận. Ảnh: Cổng TTĐT Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh Ninh Thuận.

Các chuyên gia trong lĩnh vực điện hạt nhân còn chia sẻ các kinh nghiệm của Malaysia; kinh nghiệm của Bangladesh; kinh nghiệm của Indonesia trong việc kêu gọi sự tham gia của các bên liên quan trong lĩnh vực hạt nhân. Đặc biệt, phương thức tiếp cận của ROSATOM trong việc xây dựng sự chấp thuận của công chúng về công nghệ hạt nhân.

Trao đổi với báo giới bên lề Hội thảo, ông Arnold Soetrisnanto, Chủ tịch Hiệp hội Hạt nhân Indonesia, cho biết nước này có kế hoạch xây dựng, phát triển ngành năng lượng hạt nhân nói chung và điện hạt nhân nói riêng từ 60 năm nay, khi chỉ các nước phát triển phương Tây mới có năng lượng hạt nhân; công tác đào tạo nhân lực, lựa chọn địa điểm... đã được chuẩn bị nhưng đến nay chủ trương phát triển điện hạt nhân vẫn chưa được duyệt dù tình trạng thiếu điện xảy ra ở nhiều nơi. Hiện Indonesia có 3 lò phản ứng hạt nhân nghiên cứu, trong đó lò đầu tiên được xây dựng từ năm 1964 và hai lò tiếp theo được xây dựng vào các năm 1979, 1987. Tất cả các lò này trong quá trình vận hành đến nay không gặp phải bất kỳ một sự cố nghiêm trọng nào.

 Năm 1972, Chính phủ Indonesia đã lập cơ quan nghiên cứu với mục đích chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên. Tính đến nay, công tác chuẩn bị cho nhà máy điện hạt nhân đầu tiên này đã được thực hiện hơn 40 năm nhưng chưa có quyết định cuối cùng vì Indonesia gặp nhiều khó khăn không phải về mặt kỹ thuật mà về mặt chính trị. Theo đánh giá tiêu chuẩn xem một nước có thực hiện phát triển được năng lượng hạt nhân hay không của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) thì Indonesia đã đáp ứng 16/19 quy định, chỉ còn lại 3 điểm cần khắc phục là: Quyết định của chính phủ, cơ quan pháp quy hạt nhân và sự chấp nhận của công chúng.

Đánh giá về phát triển điện hạt nhân của Việt Nam, ông Arnold Soetrisnanto cho rằng: Việt Nam có chủ trương phát triển điện hạt nhân sau Indonesia vài chục năm nhưng lại có những bước đi mạnh mẽ, bước tiến nhanh hơn... “Tôi có cơ hội làm việc với đoàn chuyên gia của Cơ quan Năng lượng nguyên tử quốc tế (IAEA) về các đánh giá tiêu chuẩn xem một nước có thực hiện phát triển được năng lượng hạt nhân hay không, thì Việt Nam của các bạn đạt được 12/19 điểm. Tuy nhiên, Việt Nam có ưu điểm là sự ủng hộ của Nhà nước nên các vấn đề khác được giải quyết nhanh chóng”.

B.T – T.H