Cần tìm thỏa thuận thấu tình, đạt lý
(Cadn.com.vn) - Cho rằng, Bưu điện thành phố Đà Nẵng (viết tắt: BĐĐN) không giữ đúng lời hứa cho thuê vị trí lắp đặt trụ quảng cáo nên Công ty Cổ phần Thương mại dịch vụ văn hóa sự kiện Việt D.A.C (Vietgroup) đã làm đơn khiếu nại. Tuy nhiên, BĐĐN lại khẳng định rằng làm đúng luật.
Trong đơn khiếu nại gởi các cơ quan báo chí, ông Trương Đình Đức, Giám đốc Vietgroup nêu, nhận thấy trụ sở BĐĐN có vị trí thuận lợi để lắp đặt trụ quảng cáo nên Vietgroup đã đề nghị thuê 2 vị trí tại góc đường Nguyễn Văn Linh- Lê Đình Lý (Đà Nẵng) và góc đường Nguyễn Văn Linh- Đỗ Quang (Đà Nẵng). Nhận được đề nghị của Cty Vietgroup, ngày 30-12-2014, BĐĐN đã có Công văn số 1379/QL&KTTNBĐ đồng ý chủ trương cho Vietgroup được xây dựng bảng quảng cáo tại 2 vị trí trên.
Ông Đức nói: “Nhận được sự chấp thuận này, Cty chúng tôi đã khảo sát, lập thiết kế cụ thể, đồng thời triển khai xin giấy phép. Phía BĐĐN cũng trao đổi cần chờ ý kiến chỉ đạo của Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam về thiết kế cụ thể nên chúng tôi chờ phản hồi của BĐĐN. Thế nhưng, đầu tháng 5-2015, BĐĐN đã cho đơn vị khác thuê 2 vị trí trên mà không có bất cứ thông báo nào cho Vietgroup”.
Vị trí mà Vietgroup thuê dựng bảng quảng cáo nhưng BĐĐN đã cho đơn vị khác thuê, |
Trước sự việc trên, ngày 21-5-2015, Vietgroup có công văn yêu cầu BĐĐN thực hiện như cam kết. Đến ngày 1-6-2015, BĐĐN có Công văn 486/TTQL&KTTNBĐ trả lời rằng, Vietgroup đã không đáp ứng các yêu cầu tối thiểu của BĐĐN nên quyết định chấm dứt về mặt chủ trương cho thuê vị trí lắp đặt bảng quảng cáo.
“Công văn 1379/QL&KTTNBĐ mà BĐĐN ban hành có nghĩa đã chấp nhận giao kết hợp đồng với Vietgroup, nhưng khi cho đơn vị khác thuê mà phía Bưu điện không thông báo cho chúng tôi biết. Việc đơn phương chấm dứt giao kết hợp đồng của Bưu điện là không đúng với quy định pháp luật, khiến công ty chúng tôi thiệt hại” – ông Đức trình bày.
Trao đổi với P.V Báo Công an TP Đà Nẵng, bà Nguyễn Thị Khánh Nga, Phó Giám đốc phụ trách BĐĐN cho rằng: Bưu điện không sai. Bởi, BĐĐN chỉ đồng ý về mặt chủ trương, còn để tiến đến giao kết hợp đồng thì giữa 2 bên cần thực hiện nhiều bước đi tiếp theo. Để có cơ sở tiếp tục đàm phán đi đến ký kết hợp đồng chính thức, BĐĐN đã đề nghị Vietgroup lập bản vẽ thi công cho từng vị trí lắp đặt bảng quảng cáo. Tuy nhiên, đến hết tháng 5-2015, Vietgroup không thực hiện đề nghị này và không đáp ứng được các yêu cầu tối thiểu để đi đến giao kết hợp đồng. “Việc chậm trễ này gây thiệt hại cho BĐĐN, vì vậy chúng tôi ban hành công văn chấm dứt chủ trương cho Vietgroup thuê mặt bằng là hoàn toàn phù hợp và đúng quy định pháp luật”, bà Nga nói. Bên cạnh đó, bà Nga còn nói rõ Vietgroup đã hiểu không đúng khi cho rằng, “Công văn 1379/QL&KTTNBĐ của BĐĐN đã chấp nhận đề nghị giao kết hợp đồng”.
“BĐĐN có chủ trương cho thuê quyền sử dụng đất sân vườn ở 2 vị trí: góc đường Nguyễn Văn Linh- Lê Đình Lý và góc đường Nguyễn Văn Linh- Đỗ Quang, nên về bản chất đây là hợp đồng thuê quyền sử dụng đất. Trong công văn trao đổi 2 bên hoàn toàn không có nội dung cơ bản của một hợp đồng thuê quyền sử dụng đất để đặt bảng quảng cáo, vì vậy mọi quyền lợi và nghĩa vụ 2 bên chưa phát sinh. BĐĐN có quyền không tiếp tục đàm phán với Vietgroup, tìm kiếm và ký kết với đối tác khác”, bà Nga giải thích thêm.
Về vụ việc trên, Luật sư Đỗ Pháp (Văn phòng luật sư Đỗ Pháp) nêu quan điểm, giữa Vietgroup và BĐĐN đã thiết lập một giao dịch dân sự về việc thuê vị trí lắp đặt bảng quảng cáo. Tuy nhiên, điều cần làm rõ là văn bản chấm dứt giao kết của BĐĐN với Vietgroup đúng hay sai?
“Về pháp lý, Văn bản số 486/TTQL&KTTNBĐ của BĐĐN không được xem là văn bản rút lại thông báo chấp nhận giao kết hợp đồng, nên việc thông báo chấm dứt của Bưu điện thành phố là không đúng quy định của pháp luật”, luật sư Đỗ Pháp nói.
Với lý lẽ riêng, cả Vietgroup và BĐĐN đều cho rằng mình đúng. Theo chúng tôi để giải quyết tranh chấp này hai bên cần ngồi lại với nhau để trao đổi, bàn bạc cùng đi đến một thỏa thuận thấu tình, đạt lý.
H. Anh