Cẩn trọng cháy nổ tàu thuyền mùa nắng nóng
Thời tiết càng nắng nóng, nguy cơ cháy nổ sẽ càng cao. Những năm trở lại đây, tình hình cháy nổ các phương tiện tàu thuyền diễn ra rất phổ biến, phức tạp. Tại Đà Nẵng, tuy các tàu thuyền đã được trang bị phương tiện chữa cháy nhưng chỉ mang tính hình thức. Thực tế, nhiều chủ phương tiện tàu thuyền vẫn chưa nắm rõ quy trình xử lý khi có cháy nổ xảy ra.
Tuyên truyền cách sử dụng bình chữa cháy xách tay cho các chủ tàu. |
M ới đây, tàu cá mang số hiệu QNg 97060 do ông Phạm Quốc Thạnh (35 tuổi, trú tỉnh Quảng Ngãi) làm chủ trong lúc đang tiến hành sửa chữa tại một xưởng đóng tàu trên địa bàn Q. Sơn Trà đã bất ngờ bốc cháy. Ngay khi nhận được thông tin, lực lượng PCCC đã điều 6 xe chữa cháy cùng hàng chục CBCS nhanh chóng đến hiện trường. Do tàu cá nằm sâu trong xưởng nên lực lượng khó tiếp cận. Đám cháy xuất phát từ dưới khoang tàu gặp nhiên liệu dễ cháy nên gây khó khăn trong quá trình chữa cháy. Sau 2 giờ đồng hồ triển khai phun nước, phun bọt chữa cháy, đám cháy mới được dập tắt. Hậu quả, toàn bộ ngư lưới cụ trên tàu bị thiêu rụi hoàn toàn, uớc tính thiệt hại gần 1 tỷ đồng.
Theo ông Huỳnh Văn Minh - người dân Q. Sơn Trà, ngay khi phát hiện cháy, chủ tàu cùng các nhân viên sử dụng bình chữa cháy xách tay dập lửa nhưng không xử lý được do đám cháy quá lớn nên đã nhờ lực lượng PCCC đến hỗ trợ. Thượng úy Đô Quốc Lương – Phó Đội trưởng Đội Cảnh sát PCCC & CNCH trên sông, CATP Đà Nẵng cho biết: Vào mùa nắng nóng thì nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền rất cao. Vì nhu cầu sử dụng điện tăng, mà đa số các tàu thì có hệ thống đấu nối điện chưa đảm bảo. Bên cạnh đó các chủ tàu cũng còn chủ quan, kiến thức về PCCC còn nhiều hạn chế, nhiều người chưa được hướng dẫn, tập huấn nhiều về công tác PCCC nên việc chữa cháy vẫn còn nhiều khó khăn.
CBCS Phòng Cảnh sát PCCC&CNCH CATP Đà Nẵng chữa cháy tàu cá QNg 97060. |
Theo khảo sát được biết, mặc dù đã được trang bị đầy đủ các thiết bị PCCC, tuy nhiên nhiều chủ tàu và thuyền viên vẫn không biết cách sử dụng, lúng túng khi xử lý sự cố. Anh Từ Văn Tùng – chủ tàu ĐNa0608 thành thật: “Tôi biết là mùa nắng thì dễ cháy nên cũng cẩn thận hơn. Nhưng mà còn nhiều cái vẫn chưa biết, cũng nhờ lực lượng chức năng hướng dẫn”.
Ngoài ra, do khu vực neo đậu có diện tích nhỏ nên các tàu đánh bắt được bố trí san sát nhau khiến nguy cơ xảy ra cháy lan, cháy lớn khi có sự cố rất cao. Trước tình trạng đó, các lực lượng chức năng cũng đã phối hợp chặt chẽ, triển khai nhiều biện pháp để chủ động PCCC và nâng cao ý thức cho bà con ngư dân. Thượng úy Đỗ Quốc Lương thông tin: “Chúng tôi tập trung vào công tác tuyên truyền, hướng dẫn, nhắc nhở bà con ngư dân cảnh giác với các nguy cơ dễ gây ra cháy nổ và các biện pháp đảm bảo an toàn PCCC. Bên cạnh đó, phối hợp với Ban quản lý Âu thuyền và cảng cá Thọ Quang tập trung kiểm tra thực tế tại các tàu thuyền để kịp thời khắc phục sự cố. Chúng tôi cũng thường xuyên tổ chức tập huấn, hướng dẫn để bà con nắm được những kỹ năng cần thiết, có thể xử lý sự cố cháy, nổ”.
TP Đà Nẵng đã có kế hoạch mở rộng Âu thuyền Thọ Quang cũng như bố trí khu vực neo đậu riêng cho tàu kinh doanh xăng dầu trong thời gian sắp tới để đảm bảo an toàn, giảm thiểu nguy cơ cháy nổ. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt và quyết định ở đây vẫn là ý thức cảnh giác và chủ động PCCC của bà con để hạn chế thấp nhất nguy cơ cháy, nổ tàu thuyền, đảm bảo tài sản và tính mạng cho ngư dân.
VIỆT THÀNH