Cần xác định rõ nguồn gốc số gỗ mà người dân thu gom ở thôn Tà Lang
(Cadn.com.vn) - Những ngày qua, dư luận ở Đà Nẵng có thông tin, một khối lượng gỗ khai thác trái phép đang được các đầu nậu tập kết ồ ạt ở thôn Tà Lang, xã Hòa Bắc, Hòa Vang. Có mặt tại thôn Tà Lang ngày 3-12, chúng tôi nhận thấy, hiện tượng thu gom gỗ từ dưới sông Nam lên một số hộ dân ở thôn là có thật, lực lượng Kiểm lâm (KL) TP Đà Nẵng và H. Hòa Vang cũng đã triển khai các biện pháp kiểm tra, chốt chặn và xem xét nguồn gốc số lượng gỗ này...
Hiện trường nơi người dân tập kết gỗ để xẻ thành phách. Ảnh: C.K |
Sáng 3-12, khi chúng tôi có mặt tại thôn Tà Lang, lực lượng KL H. Hòa Vang, KL cơ động, Chi cục KLTP Đà Nẵng cũng đã có mặt từ trước đó đang tiến hành các công tác kiểm tra tại khu vực. Rải rác tại một số địa điểm trong thôn, trên đường bê-tông, trong vườn cây keo vẫn còn một số khúc gỗ dài 2 đến 3 mét đã được cưa xẻ thành phẩm. Ngay sát mép bờ sông Nam bên cạnh thôn Tà Lang, cũng còn nguyên "hiện trường" dấu vết của việc kéo gỗ, vài cây gỗ vớt từ dưới sông lên chưa cưa xẻ, một đống mùn cưa còn mới, chứng tỏ việc cưa xẻ gỗ mới diễn ra.
Ông Lê Mạnh Hùng-Hạt trưởng Hạt KL Hòa Vang và ông Đặng Phương Trung-Hạt trưởng Hạt KL rừng đặc dụng Bà Nà-Núi Chúa cho biết: khoảng 15 giờ ngày 2-12, nhận được thông tin của Chủ tịch UBND xã Hòa Bắc-Hồ Tăng Phúc và Chi Cục Trưởng Kiểm lâm TP Đà Nẵng - Trần Văn Lương về việc có các đối tượng khai thác gỗ trái phép đang tập kết một số lượng gỗ lớn lên thôn Tà Lang. Hạt KL Hòa Vang, KL cơ động Chi cục KL Đà Nẵng đã triển khai lực lượng do ông Lê Mạnh Hùng phụ trách tới ngay thôn Tà Lang để kiểm tra tình hình. Bước đầu đã lập biên bản tạm giữ 12 phách gỗ có chủng loại từ nhóm 2 đến nhóm 7, khối lượng 1,612m3.
Qua kiểm tra, xác minh, bước đầu cũng xác định toàn bộ số lượng gỗ nêu trên là do người dân ở ngay thôn Tà Lang vớt từ dưới sông Nam sau đợt lũ lụt trong bão số 14 vừa qua. Sáng 3-12, lực lượng KL tiếp tục triển khai kiểm tra toàn khu vực thôn, theo người dân cho biết, vẫn còn một số lượng gỗ nữa nằm dưới lòng sông Nam, trôi về trong đợt lũ lụt, nhưng chưa vớt lên được. Anh Trần Văn Vân-Bí thư Chi bộ, Trưởng thôn Tà Lang cho biết, toàn bộ số gỗ người dân vớt lên cưa xẻ trong mấy ngày qua là gỗ trôi về trong đợt lũ lụt , có 4 hộ trong thôn tham gia vớt gỗ là hộ ông Lê Văn Lâm, Trương Văn Đào, Hồ Ngọc Quý, Trần Văn Trường, toàn bộ số gỗ các hộ này đã vớt và cưa xẻ, hiện đang bị tạm giữ.
Theo ông Lê Mạnh Hùng, đa phần số gỗ người dân vớt được là gỗ kiền kiền, nhóm 2, hiện nay chỉ có khu vực rừng tiểu khu 30, thuộc địa phận H. Hòa Vang, giáp ranh với địa phận H. Đông Giang mới còn loại gỗ này, như vậy có thể trong thời gian các đối tượng khai thác gỗ trái phép đã tác động đến khu vực này, nên mới có gỗ trôi về khu vực Tà Lang theo dòng sông Nam khi có lũ lụt. Ông Hùng cho biết thêm, trong năm 2013, Hạt KL Hòa Vang đã tổ chức 134 đợt kiểm tra, truy quét, riêng Trạm KL khu vực Hòa Bắc đã tổ chức 94 đợt kiểm tra, truy quét, phá hủy 19 lán trại cùng nhiều phương tiện của các đối tượng đào đãi vàng, khai thác lâm sản, săn bắt thú rừng trái phép tại rừng.
Gỗ được xẻ thành phách để trong các bụi cây. Ảnh: C.K |
Tuy nhiên với diện tích rừng rộng hơn 52.000 ha, riêng rừng đặc dụng hơn 28.000 ha, mặc dù lực lượng KL huyện đã mở rất nhiều đợt tuyên truyền về công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, nhưng phải thừa nhận công tác quản lý bảo vệ rừng vẫn còn rất nhiều khó khăn, đây đó tình trạng xâm hại, tác động vào rừng vẫn còn xảy ra mặc dù mức độ không còn phức tạp, nghiêm trọng như nhiều năm trước đây.
Ông Phan Trí-Trạm trưởng trạm KL Hòa Bắc cũng cho biết thêm, hiện nay trên toàn địa bàn xã Hòa Bắc không còn một xưởng cưa gỗ tự nhiên nào, ông Trí cũng khẳng định, không còn một đầu nậu gỗ tự nhiên nào nữa. Cả xã hiện chỉ có 2 xưởng cưa chế biến gỗ rừng trồng. Tuy nhiên trước những thông tin về việc khai thác tập kết gỗ rừng trái phép ở thôn Tà Lang trong những ngày vừa qua, ông Lê Mạnh Hùng khẳng định, Hạt KL Hòa Vang đã nhận được chỉ đạo của Chi cục KL TP Đà Nẵng tiếp tục kiểm tra, xác minh làm rõ nguồn gốc của số gỗ nêu trên, để có hướng xử lý theo quy định pháp luật và đảm bảo ổn định tình hình ANTT, công tác quản lý bảo vệ rừng trên địa bàn.
Hồng Thanh - Công Khanh