Cảnh báo một số phương thức, thủ đoạn mới liên quan đến hoạt động xuất, nhập cảnh của tội phạm

Thứ hai, 09/09/2024 08:20

Qua công tác nắm tình hình, đấu tranh phòng, chống xuất nhập cảnh trái phép, gần đây lực lượng Công an các địa phương đã phát hiện một số phương thức, thủ đoạn mới của các đối tượng tội phạm liên quan đến hoạt động xuất nhập cảnh. Trong đó, nổi lên 2 phương thức, thủ đoạn mới, như: Mạo danh cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua làm giả giấy tờ xuất cảnh đi lao động và lợi dụng các “khóa tu” dành cho nhà tu hành Phật giáo trên toàn thế giới để tổ chức cho công dân Việt Nam trốn sang Úc lao động trái phép.

Hộ chiếu, visa giả do đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân.
Đối tượng giả sư bị cơ quan phát hiện khi đang làm thủ tục xuất cảnh.

Theo cơ quan Công an, phương thức, thủ đoạn mạo danh cán bộ của Cục Quản lý xuất nhập cảnh, lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua làm giả giấy tờ xuất cảnh đi lao động của các đối tượng tội phạm sẽ tiến hành như sau: Đầu tiên, nhóm lừa đảo chủ động tìm kiếm và liên lạc với những người có nhu cầu xuất cảnh qua mạng xã hội (như Facebook), để hướng dẫn thực hiện các thủ tục; yêu cầu người có nhu cầu xuất cảnh gửi ảnh chân dung và ảnh thẻ căn cước để làm thủ tục cấp hộ chiếu phổ thông. Sau một thời gian, đối tượng gửi ảnh chụp hộ chiếu giả mạo cho người dân và thông báo rằng thủ tục cấp hộ chiếu đã hoàn tất để lấy lòng tin (hình ảnh hộ chiếu đã được đối tượng cắt ghép, chỉnh sửa thông tin để phù hợp với thông tin cá nhân của người dân).

Tiếp đó, đối tượng liên lạc với người dân (qua điện thoại và tin nhắn trên Facebook), thông báo chi phí để xuất cảnh và yêu cầu người dân nộp trước một khoản tiền vào tài khoản ngân hàng do đối tượng cung cấp. Sau khi người dân chuyển tiền, đối tượng xác nhận đã nhận được tiền và hứa hẹn sẽ giúp đỡ để người dân nợ phần còn lại, sẽ trả sau khi ra nước ngoài làm việc. Để tạo niềm tin của nạn nhân, đối tượng gửi hình ảnh chụp Visa giả mạo (đã cắt ghép và chỉnh sửa) cho người dân và thông báo rằng họ đã được cấp Visa để nhập cảnh.

Đồng thời, đối tượng thông báo thời gian xuất cảnh và yêu cầu người dân có mặt tại sân bay để nhận giấy tờ và làm thủ tục xuất cảnh. Tiếp theo, đối tượng gửi “Văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập và tài chính” giả mạo của Cục Quản lý xuất nhập cảnh và yêu câu người dân chuyển tiền vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để chứng minh tài chính (văn bản này là giả mạo). Trên văn bản có ghi rõ mục đích xác minh và cam kết sẽ hoàn trả lại sau khi nộp tiền khoảng 30 - 40 phút.

Sau khi thông báo cho nạn nhân về việc chuyển tiền, đối tượng mạo danh là cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh, Bộ Công an liên tục gọi điện thúc giục người dân nộp tiền vào tài khoản của Cục Quản lý xuất nhập cảnh để hoàn thiện hồ sơ (số tài khoản và thông tin của đối tượng mạo danh cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh được ghi trên văn bản xác minh chứng minh nguồn thu nhập giả mạo mà đối tượng gửi cho người dân). Sau khi chiếm đoạt được tiền, đối tượng sẽ chặn xóa thông tin nên không liên lạc được.

Phương thức, thủ đoạn thứ hai là lợi dụng việc các cơ sở Phật giáo tại Australia thường xuyên tổ chức các khóa “tu học” dành cho nhà tu hành Phật giáo trên toàn thế giới để tổ chức cho công dân Việt Nam trốn sang Úc lao động trái phép. Cụ thể, các đối tượng yêu cầu người lao động giả mạo là nhà sư (Phật tử), sau đó liên hệ với các cơ sở tôn giáo tại Úc xin thư mời sang Úc tham gia các hoạt động phật giáo để xin thị thực theo diện du lịch.

Hộ chiếu, visa giả do đối tượng sử dụng để lừa đảo chiếm đoạt tiền của nạn nhân.

Để làm hộ chiếu cho người có nhu cầu, các đối tượng chỉnh sửa ảnh chân dung trên thẻ căn cước của người lao động thành chân dung dưới dạng tu hành Phật giáo (cạo tóc, mặc áo tu hành) và điền thông tin nghề nghiệp là “nhà sư”, khai nộp hồ sơ đề nghị cấp hộ chiếu trực tuyến trên Cổng dịch vụ công Bộ Công an. Nhóm đối tượng có sự phân công và phối hợp chặt chẽ, phương thức, thủ đoạn rất tinh vi, từ việc làm giả giấy tờ hồ sơ là nhà tu hành Phật giáo đang tu tại các chùa để có được thư mời của tổ chức Phật giáo ở nước ngoài; hướng dẫn cách thức đối phó với Cơ quan cấp thị thực nước ngoài trong quá trình phỏng vấn, đến tổ chức xuất cảnh và sắp xếp công việc tại Úc; sử dụng mạng xã hội Facebook và sim điện thoại không chính chủ để liên lạc với nạn nhân để tránh truy vết.

Cơ quan Công an khuyến cáo đến người dân về các phương thức, thủ đoạn trên để kịp thời nhận diện, phòng tránh, cảnh giác. Trong trường hợp phát hiện hoạt động vi phạm pháp luật của các đối tượng xấu, người dân cần kịp thời tố giác ngay cho cơ quan chức năng để kịp thời ngăn chặn, xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

C.A

Tân sinh viên coi chừng bị lừa chuyển khoản học phí

Nhiều trường đại học đã đưa ra cảnh báo thủ đoạn lừa thí sinh trúng tuyển chuyển khoản học phí nhập học.

Mạo danh cán bộ để lừa đảo

Từ đơn trình báo của bà Đ.T.G. (1976, trú thị trấn Ea Súp, H. Ea Súp, Đắk Lắk) về việc bị nhóm đối tượng giả danh cán bộ Trường Sĩ quan Lục quân 2 (nơi con trai bà đang học) lừa đảo chiếm đoạt tiền, Công an huyện Ea Súp tiến hành điều tra, làm rõ và bắt giữ 2 nghi phạm: Phan Tấn Hiệp (1994) và Trần Anh Duy (2005, cùng trú TP Đà Lạt, Lâm Đồng).

Cảnh giác với thủ đoạn mạo danh Công an yêu cầu chỉnh sửa thông tin cá nhân

Đối tượng lừa đảo mạo danh cán bộ Công an gọi điện thoại đề nghị người dân sửa sai, cập nhật thông tin tài khoản định danh điện tử VNeID. Bằng cách đó, các đối tượng lừa đảo hướng dẫn người dân truy cập đường link do đối tượng cung cấp để làm theo, nhưng thực chất là đường link có mã độc xâm chiếm, lấy hết tiền trong tài khoản ngân hàng của nạn nhân.